Ngoài việc báo cáo với tổ chức Đảng, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng ông Truyền có trách nhiệm trả lời cơ quan báo chí mà trước đó đã nêu.


Ngày 21/2/2014, bài vết trên Báo Người cao tuổi phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Trước những thông tin trên, trả lời báo giới trong nước, ông Trần Văn Truyền tỏ ra bức xúc, cho rằng nhiều thông tin trong bài báo không chính xác.

{keywords}

Ông Truyền và căn biệt thự trên mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông được cho là một phần trong khối tài sản của ông tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre (?)

Liên quan đến sự việc trên, PV có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Hùng cho rằng, nếu có phản ánh như vậy thì ông Truyền nên trình bày, báo cáo với tổ chức Đảng nơi ông ấy đang sinh hoạt. Đồng thời có trách nhiệm trả lời cơ quan báo chí mà trước đó đã nêu.

Bởi theo ông, tuy ông Truyền là cán bộ cấp cao đã về hưu nhưng vẫn sinh hoạt Đảng ở một tổ chức Đảng nào đó. Theo quy định của Điều lệ Đảng, mọi đảng viên đều phải báo cáo với chi bộ về tất cả các hoạt động của mình.

“Sau đó, tổ chức Đảng nơi đồng chí Truyền đang sinh hoạt cần phải thẩm tra, xác minh, làm rõ và có kết luận. Nếu thấy có sai phạm thì xem xét hình thức kỷ luật. Còn không thì phải minh oan cho đồng chí Truyền” – ông Hùng nói.

{keywords}

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng

Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, ông Truyền và những việc liên quan đến ông Truyền hoàn toàn nằm trong phạm vi quy định của điều lệ Đảng. Bởi vậy, tổ chức Đảng có trách nhiệm với những thông tin đã phản ánh về ông Truyền.

Dưới đây xin trích dẫn một số điều lệ trong cuốn “Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam” để giới thiệu tới độc giả.

Chương 7: Công tác kiểm tra giám sát của Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, điều 30 nêu rõ:

1. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.

2. Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng…

Chương 8 – khen thưởng và kỷ luật, tại điều 35 ghi:

1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.

2. Hình thức kỷ luật:

- Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán;

- Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;

- Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo;

Điều 36: Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm:

1. Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

Đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp ủy viên cấp dưới…

Điều 39:

1. Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật…

2. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên cấp ủy cấp trên quyết định...

(Theo Giáo dục Việt Nam)