Liên quan tới kết quả giám định trong những vụ hiếp dâm, nhiều nạn nhân cho rằng họ không được nhận, không được biết kết quả sau khi giám định (mặc dù người bị hại hoặc đại diện của nạn nhân phải ký vào biên bản giám định). Liệu đây có phải là một trong những kẽ hở để kẻ phạm tội "chạy" tội, trốn tội?

Người ký biên bản phải được biết nội dung

Những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm đã gây ra cho nạn nhân sự hoảng loạn về tinh thần và thể xác, dù người đó là ai, bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý đối tượng còn nhiều khó khăn và bất cập, nhất là tính trung thực của kết luận giám định.

{keywords}
Chị Nguyễn Thị H. đang trình bày sự việc với luật sư Trịnh Quang Chiến.

Đêm 26/6/2013, Nguyễn Thị H. (SN 1989) ở Hà Nội cùng 4 người bạn đi ăn liên hoan chia tay một người bạn ở Hà Tĩnh. Bốn người bạn là T., Đào Ngọc Q. và Nguyễn Đình Mừng, trong đó Q. là bạn học cùng lớp với H. và Nguyễn Đình Mừng (SN 1986) là điều dưỡng viên bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Thường Tín (Hà Nội).

Theo lời kể của Nguyễn Thị H: Hôm đó, H. cùng 4 người bạn tới quán vườn Thượng Uyển ở Hà Nội để ăn uống với nhau. Gần tàn bữa tiệc, người bạn quê Hà Tĩnh về trước để chuẩn bị đồ để hôm sau về quê. Trong lúc ăn uống, mọi người có chuốc rượu cho H. nhưng H. vẫn đủ tỉnh táo để kiểm soát hành vi của bản thân.

Khi ăn xong, cả nhóm rủ đi hát karaoke. H. nhớ lại: "Tới quán karaoke mọi người đưa cho em một cốc bia và nói: "Uống đi cho giải rượu", em trả lời "tửu lượng của mình còn vô tư lắm".

Nói xong, em cầm cốc bia để uống. Sau đó, em rơi vào trạng thái lơ mơ. Tuy em vẫn biết nhưng không thể kháng cự được khi anh Mừng lột quần áo của em ra và thực hiện hành vi hiếp dâm đối với em. 

Em cố gắng gượng chống cự một cách yếu ớt, rồi ngất lịm đi. Đến khi tỉnh lại, em thấy mình nằm ở một phòng khác của quán karaoke, còn phòng bên dưới là mấy người bạn đang hát. Quá hoảng loạn, em gọi điện cho cô giáo đang dạy em và Q.. Cô đã trấn an và động viên em phải bình tĩnh để giải quyết sự việc...

Khi tỉnh lại, em thấy Q. vào đón em và đưa em về phòng trọ, rồi Q. nói: "Sao dây lưng và khóa quần lại tả tơi thế kia...". Em đã khóc và nói với Q. là: "Mình bị Mừng hiếp dâm". Lúc đó, em nói sẽ báo công an về sự việc vừa xảy ra. Nghe xong, Q. nói với em: "Hãy bình tĩnh xem mọi việc thế nào đừng báo công an vội…".

Tuy nhiên, em đã báo công an huyện Thường Tín ngay và ngày hôm sau, em được đưa vào khoa sản bệnh viện đa khoa Thường Tín giám định. Sau đó, viện Khoa học Hình sự kết luận: "Vết rách màng trinh mới, chảy máu".

Khi nghe kết luận giám định của bác sĩ, em đã hoài nghi về kết luận này, nhưng lúc đó em rất xấu hổ và sợ hãi. Rồi em đề nghị bác sĩ cho mình xem kết luận giám định nhưng đề nghị của em không được chấp nhận.

Em có nói "Cháu đã trên 18 tuổi, phải được biết những gì liên quan tới bản thân". Tuy nhiên, không hiểu vì sao em không được cầm bản kết luận giám định đó. Khi em hỏi thì vị bác sĩ giám định chỉ trả lời: "Tất cả chúng tôi đã gửi đến cơ quan công an, có thắc mắc gì chị liên hệ với họ"".

Cũng theo lời của kể của H., sau đó một cán bộ công an (H. không biết tên-PV) gọi H. lên để "dàn xếp" nhưng H. không đồng ý. "Giờ em đã mất tất cả, nhưng phẫn uất hơn cả là không biết em có bị hiếp dâm tập thể hay không. Tiếc là em không được cầm kết quả giám định, nhưng em linh cảm em bị hiếp dâm tập thể và các đối tượng đã rất thô bạo trong việc hãm hiếp em. Minh chứng là em bị chảy nhiều máu trong 2 ngày liền và cực kỳ đau đớn… Nếu như em được cầm bản kết luận giám định lúc đó thì mọi việc chắc chắn đã khác nhiều…", chị H. nói.  

Quá phẫn uất, chị H. đã tìm đến luật sư Trịnh Quang Chiến để nhờ tư vấn về pháp lý.

PV đã có cuộc trao đổi bằng điện thoại với một điều tra viên (người thụ lý hồ sơ-PV) công an huyện Thường Tín và được người này cho biết: "Ngày 23/7/2013, công an huyện Thường Tín đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khỏi tố bị can đối với Nguyễn Đình Mừng về hành vi hiếp dâm theo Điều 111 Bộ luật Hình sự". Điều đáng nói là chỉ có Nguyễn Đình Mừng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những đối tượng còn lại đều vô can.

Theo một vị bác sĩ (xin được giấu tên), liên quan tới các xét nghiệm, giám định trong ngành y có mấy trường hợp sau: Thứ nhất, nếu bệnh nhân đến làm xét nghệm hoặc giám định thì kết quả phải trả cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân vào viện khám bệnh thì các kết quả giám định hoặc các xét nghiệm được đưa vào trong hồ sơ bệnh án, bệnh nhân không được giữ.

Do đó, về mặt hành chính, bác sĩ đã làm đúng. Tuy nhiên, nếu đây là vụ án hiếp dâm thì đúng là có nhiều bất cập. Vì liên quan đến giám định pháp y thì phải có cơ quan trưng cầu giám định và khi cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan giám định đã khép hồ sơ thì chỉ có trời mới biết được đâu là thực, đâu là hư. Mặt khác, nếu sau đó vài tuần nạn nhân mới đi giám định thì khi đó các tổ chức bị tổn thương đã lành và khó phát hiện…

Giám định muộn nên khó kết luận?

Nghi án cha đẻ hiếp dâm con gái trong gần 10 năm trời ở Thái Nguyên cũng có nhiều bất cập về việc giám định. 

Theo đơn tố cáo của chị N.T.Huyền, SN 1973, trú tại, xã Lương Sơn, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên thì chị đã phải mang theo 3 người con của mình về ở nhờ ông bà ngoại ở Hà Nội để trốn vì con gái lớn của chị là Trần Thành S., SN 1996 đã bị bố đẻ của mình là Trần Văn Tiếp lạm dụng tình dục và hiếp dâm từ năm 2004 đến tháng 5/2012.

Vào tháng 2 và tháng 5/2013, ông Tiếp lại tiếp tục lạm dụng tình dục và hiếp dâm cháu H. là em ruột của cháu S. Các con chị Huyền không chịu được nên đã kể hết hành vi hiếp dâm của bố cho mẹ nghe.

Ngày 06/6/2013, chị Huyền đã tố cáo hành vi của ông Tiếp đến công an xã, sau khi nhận đơn, công an xã đã báo cáo vụ việc này đến công an TP.Thái Nguyên.

Trao đổi với PV, chị H., mẹ của nạn nhân cho hay: "Sau khi các con tôi "tố" bố đẻ có hành vi đồi bại, công an đã cho các cháu đi giám định. Tuy nhiên, gia đình không được biết và không được giữ kết quả giám định dẫn đến việc cho đến nay, sự việc đau lòng trên vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Chị Huyền cho biết: "Hiện nay gia đình tôi rất khó khăn, mấy mẹ con mỗi người mỗi nơi để lánh nạn. Tôi đã làm đơn gửi công an TP.Thái Nguyên, tố cáo Trần Văn Tiếp có hành vi đồi bại với con đẻ, nhưng chồng tôi đã dằn mặt mấy mẹ con tôi và nói, mẹ con tôi vu khống cho ông ấy?(!). Hiện chồng tôi vẫn chưa bị xử lý. Khi nghe thông tin này, tôi vô cùng bức xúc. Tôi chỉ mong pháp luật sớm trừng trị tên ác quỷ này và bảo vệ quyền lợi của các con tôi".

Trao đổi với PV, một điều tra viên công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Vì sự việc xảy ra đã lâu nên khi giám định không còn dấu vết(?!). Cho đến nay đã gần một năm trôi qua sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Cần cho nạn nhân đi giám định ngay sau khi bị hiếp dâm

Ông Đỗ Bình Trí, Phó giám đốc bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong trường hợp bị hiếp dâm, để đảm bảo độ chính xác thì tốt nhất là nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân nên đưa nạn nhân đi giám định trong 24 giờ đầu sau khi sự việc xảy ra. Kết quả giám định là chứng cứ quan trọng nhất để kết luận có hay không hành vi hiếp dâm.

(Theo Đời sống & pháp luật)