- Tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác tại mỏ cát 02, xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa. Người dân nơi đây lo ngại rằng với cường độ khai thác lớn như hiện nay sẽ làm dòng chảy sông Chu xoáy thẳng vào chân đê, dẫn đến nguy cơ vỡ đê...

Mất tấm lá chắn chân đê

Theo phản ánh của người dân, khoảng gần một tháng qua tại bãi bồi xã Thiệu Tân ngày nào cũng có 20 đến 30 thuyền hút cát liên tục 24/24 giờ. Có ngày cao điểm người dân đếm được 50 đến 60 thuyền đang nổ máy hết công suất để hút cát.

Bà Lê Thị Thạnh, người làng Quảng Xá, xã Thiệu Hợp đang chặt củi xoan trên bãi đất bồi này cho biết, bãi đất bồi thực chất là của xã Thiệu Tân quản lý, song do địa hình cách trở (phải đi qua sông canh tác) nên người dân xã Thiệu Tân đã “nhượng” lại cho dân Quảng Xá mượn để trồng xoan và dâu nuôi tằm.

{keywords}
Hàng chục thuyền ngày đêm khai thác đã “chiếm” gọn một phần lớn bãi bồi.

“Bãi đất bồi có diện tích khoảng 15 ha, nhưng khoảng 20 ngày trở lại đây hàng chục thuyền công suất lớn thi nhau khai thác cát nên bãi bồi đã mất gọn một phần diện tích rất lớn. Mới sáng nay chúng tôi còn chặt củi xoan ở đây, ngày mai ra đã thấy sạt lở hết phần đất mà chúng tôi đã chặt. Cứ đà này thì chẳng lâu nữa bãi bồi cũng trở thành lòng sông”, bà Thạnh cho biết.

Bà Thạnh là người sinh ra và lớn lên tại đây nên nắm rất rõ về bãi đất bồi này. Bà bảo, bãi đất bồi trên nó như một tấm lá chắn che chở cho đoạn đê.

{keywords}
Cách đây khoảng 20 năm trước đoạn này đã được tách dòng, nhưng nay lại sắp được nhập lại một dòng.

{keywords}
Khai thác mất hết tấm lá chắn này, dòng chảy sẽ lao thẳng vào chân đê.

Trước đây dòng sông Chu chảy sát chân đê. Nhưng khoảng độ hai chục năm về trước, khi đoàn của Bộ NN&PTNT về khảo sát, kè đê sau đó tách dòng chảy nên giờ mới có bãi đất bồi như hiện nay.

“Bây giờ họ lại cho khai thác hết bãi bồi đi thì có khác gì dòng sông sẽ trở về hiện trạng ban đầu là chảy sát vào chân đê. Mấy năm trở lại đây thiên tai, bão lũ diễn biến thất thường, cứ đà khai thác như thế này thì đoạn đê cấp trung ương cũng đến vỡ mất khi mùa mưa bão đang sắp đến”, bà Thạnh bức xúc nói.

Nguy cơ vỡ đê

Ông Lê Xuân Tuệ, Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Tân cho biết, mỏ cát số 02 thuộc bãi bồi của xã Thiệu Tân đã được UBND tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp Hùng Mạnh (địa chỉ làng Bái Giao, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa) khai thác từ năm 2012.

Đúng như người dân phản ánh, khoảng gần một tháng trở lại đây đơn vị này khai thác ồ ạt. Tuy nhiên vì đơn vị Hùng Mạnh được cấp phép khai thác nên chính quyền xã không có quyền can thiệp.

Ông Tuệ cũng thừa nhận việc khai thác mỏ 02 này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chân đê, nhất là vào mùa mưa lũ.

Là xã trực tiếp chịu hậu quả quả nếu như vỡ đê xảy ra, ông Lê Hồng Lan, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cho biết, không hiểu các cấp chính quyền khảo sát và nghĩ gì mà lại cấp phép cho doanh nghiệp này khai thác cát như vậy.

“Bản thân bãi bồi này là một tấm lá chắn của đoạn cua tay áo sông Chu, nếu nó mất đi thì dòng chảy sẽ đâm thẳng vào chân đê và bị vỡ tung, như vậy ít nhất là 5 xã gồm: (Thiệu Hợp, Thiệu Duy, Thiệu Quang, Thiệu Giang và Thiệu Thịnh) chìm trong biển nước”, ông Lan cho biết.

{keywords}
Ông Lê Hồng Lan, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp giao ban huyện nhưng không thấy có ý kiến phản hồi.

Ông Lan cho biết thêm, trong các lần giao ban, ông cũng đã trực tiếp đề nghị với huyện rất nhiều lần là không nên cấp phép cho đơn vị Hùng Mạnh khai thác vì dòng chảy sát chân đê, và ảnh hưởng trực tiếp tới 7.600 nhân khẩu của xã, nhưng chẳng thấy ai ý kiến gì.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Xuân Đoàn, Trưởng phòng TN - MT huyện Thiệu Hóa cho biết, huyện không có quyền cấp phép cho doanh nghiệp, mỏ số 02 là do UBND tỉnh cấp phép.

Mỏ số 02 là bãi chuyển đổi. Trước đây doanh nghiệp Hùng Mạnh xin được cấp phép ở vị trí khác. Do vị trí đó vướng vào dãy tre lâu năm đang giữ đất của người dân nên không được đồng ý. Sau đó đơn vị này mới làm đơn xin đổi vị trí đến bãi bồi sát chân đê này.

Quy trình cấp phép là các đơn vị liên quan như: Sở TN - MT, Chi cục đê điều, mỏ… phải thăm dò, đưa vào quy hoạch, sau đó mới đấu giá.

“Phòng TN - MT huyện có chức năng tham mưu, đánh giá quỹ đất, đất thuộc phạm vi địa giới của xã nào, mỏ có cát hay không…”, ông Đoàn cho biết.

Tuy nhiên ông Đoàn cho biết thêm, như phóng viên phản ánh thì việc khai thác mỏ cát này cũng hết sức nguy hiểm. Đến nay phòng TN - MT chưa hề nhận được văn bản của địa phương cũng như người dân phản ánh lên.

“Về việc này phòng sẽ tiếp nhận ý kiến và tham mưu cho UBND huyện, để huyện có ý kiến với các cơ quan chức năng cấp trên về kiểm tra, thẩm định. Nếu đúng như thực trạng trên để còn sớm có biệt pháp ngăn chặn kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếng xảy ra”, ông Đoàn nói.

Lê Anh