– Dù đã được tập huấn về nấm nhưng một cán bộ y tế công tác tại một trạm xá thuộc huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) vẫn ăn phải nấm độc. Từ ngày 9-16/3 (trong vòng 7 ngày) đã có tới 14 ca ngộ độc do ăn nấm độc.

Báo động ngộ độc nấm

GĐ Trung tâm chống độc BV Bạch Mai – ông Phạm Duệ - cho biết 14 ca ngộ độc này chia làm 3 nhóm, nhóm 1 gồm 5 bệnh nhân đến từ huyện Võ Nhai, cấp cứu tại BV Bạch Mai ngày 9/3 sau khi ăn nấm trắng hái trên rừng. Trong số 5 bệnh nhân này đã có 2 người tử vong, 2 người còn hôn mê gan, đe dọa tử vong, 1 người đã qua cơn nguy kịch.

{keywords}
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên tại Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai

Nhóm ngộ độc thứ 2 cũng đến từ Võ Nhai, Thái Nguyên, vào viện Bạch Mai cấp cứu ngày 12/3, gồm 5 bệnh nhân, bị ngộ độc sau khi ăn cùng 1 loại nấm trắng với 5 bệnh nhân trước. Hiện tại có 1 bệnh nhân hôn mê gan, 4 người còn lại suy gan nặng nhưng còn tỉnh táo. Các biện pháp cấp cứu được duy trì nhưng nguy cơ tử vong cao.

Nhóm cuối bị ngộ độc nấm vừa vào viện ngày 16/3 gồm 4 người, đến từ Tuyên Quang trong tình trạng đã suy gan cấp, tiên lượng rất xấu.

Như vậy, trong vòng 7 ngày (từ 9-16/3), Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận 14 bệnh nhân ngộ độc nấm đều trong tình trạng nặng. Đây là điều đáng báo động.

Điều đáng chú ý là trong 14 người này có một cán bộ công tác tại một trạm xá thuộc huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên). Cán bộ này đã được tập huấn về nấm nhưng đã mang nấm về hỏi ông già làng liệu nấm có ăn được không

Khi già làng “gật đầu”, cho rằng người già có kinh nghiệm, cán bộ này cũng ăn nấm cùng cả nhà rồi tất cả rơi vào cơn “thập tử nhất sinh”.

Sau khi lên tận nơi xem loại nấm ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, các bác sỹ, chuyên gia chống độc xác nhận loại nấm này màu trắng giống nấm lành, khi nấu canh bà con nói ngọt không cần mì chính nhưng thực chất kết quả phân tích cho thấy nấm có chứa độc tố amitoxin.

Theo ông Duệ, nhận thức về nấm độc, dù được tuyên truyền nhiều song vẫn còn hạn chế, kể cả người làm quản lý bởi có người vẫn coi các loại nấm là thực phẩm thiên nhiên, giàu dinh dưỡng. Ông Duệ cho biết các chính sách xóa đói giảm nghèo nên lồng ghép các kiến thức này để bà con biết, phòng tránh.

Cấp cứu “chay” cho bệnh nhân ngộ độc

Thực tế là rất nhiều trường hợp ngộ độc nấm chuyển đến viện tuyến trên trong tình trạng nặng, tiêu tốn hàng mấy trăm lít huyết tương để lọc nhưng kết quả không như mong muốn. Nguyên nhân, theo ông Duệ, là vì bà con ăn nhiều nấm độc, đến viện muộn, ban đầu xử trí không nhanh, không chính xác.

Hiện nay, than hoạt được dùng để lọc hấp phụ đến giờ các huyện miền núi vẫn không có nên có tình trạng cấp cứu chay bệnh nhân bị ngộ độc, bệnh nhân chỉ đến truyền dịch rồi được chuyển lên tuyến trên.

Trong khi những giờ đầu tiên sau ngộ độc là “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân vì chất độc chưa ngấm sâu, chưa lan rộng thì thực tế này khiến người bệnh mất đi cơ hội, vì trong thời gian vận chuyển thì độc chất đã ngấm hết. Nếu được dùng than hoạt ngay thì độc tố sẽ giảm đi nhiều.

{keywords}
Thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng cho các loại nấm phát triển. Người dân cần cảnh giác và thận trọng khi sử dụng các loại nấm được lấy trong tự nhiên

Ông Duệ khuyến cáo cách đơn giản nhất để phòng ngộ độc nấm là không ăn nấm, người dân cần đặc biệt cảnh giác trong thời tiết này bởi nấm mọc rất nhiều. Nếu đã ăn nấm và có dấu hiệu bất thường thì cần móc họng để nôn hết ra nhưng cần cẩn thận với bệnh nhân không còn tỉnh táo vì nếu móc họng nôn có thể bị sặc.

Chi phí điều trị cho các ca ngộ độc rất tốn kém, tổng chi phí cho nhóm đầu là 1,6 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm trả khoảng 90%. Trung tâm chống độc hiện tạm ứng 300 triệu đồng mua thuốc cho bệnh nhân.

Xử trí khi bị ngộ độc nấm

Khi có triệu chứng ngộc độc cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý. Cơ sở y tế cần giúp bệnh nhân gây nôn, rửa dạ dày, truyền dịch, dùng than hoạt tính rồi chuyển đến tuyến trên.

Giá than hoạt rất rẻ, hơn 2000 bác sĩ được tập huấn về ngộ độc đều biết về than hoạt và các cơ sở y tế tuyến dưới nên tích trữ như một trong những thuốc thiết yếu. Khi bệnh nhân bị ngộ độc mà được dùng than hoạt, tình trạng ngộ độc sẽ giảm đi nhiều.

Cẩm Quyên