- Khoảng 1 tuần qua thời tiết tại TP.HCM đột ngột trở nên oi bức, ngột ngạt. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng đổ bệnh làm bệnh viện quá tải.
Nhiều trẻ bị bệnh hô hấp, tiêu chảy
Sáng ngày 21/3, dù cuối tuần nhưng khu vực khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM vẫn đông nghẹt người chờ tới lượt…
Nhiều bé bị ho, sốt nóng, kèm theo không khí quá ngột ngạt nên quấy khóc khiến cha mẹ lo lắng. Cả phụ huynh và bệnh nhi đều vã mồ hôi, sốt ruột chờ tới số thứ tự để vào khám bệnh.
Quá tải bệnh nhi hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. |
Theo bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Phó Phòng khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong vòng 7 ngày trở lại đây, lượng bệnh nhi tới khám tăng rất cao. Cùng kỳ năm ngoái, mỗi ngày bệnh viện khám khoảng 5000 lượt đổ lại, trong đó bệnh về hô hấp chỉ dưới 2000 lượt.
Tuy nhiên, hiện tại mỗi ngày bệnh viện khám tới 6600 lượt bệnh, bệnh hô hấp chiếm tới 2700 lượt. Không chỉ riêng bệnh hô hấp, các ca bệnh siêu vi cũng gia tăng (300 ca/ngày).
Bác sĩ Kim Huyên nhận định, có thể do dịp Tết Nguyên đán vừa qua trời lạnh kéo dài tới mấy tháng, nay chuyển qua nóng đột ngột là nguyên nhân khiến trẻ dễ đổ bệnh.
Đặc biệt, thời điểm giao mùa này chính là điều kiện phát triển của siêu vi. “Nếu thời tiết còn tiếp tục oi bức và nóng như hiện tại, tôi cho rằng trẻ mắc bệnh về hô hấp, siêu vi sẽ còn tăng nữa.”, bác sĩ Huyên nói.
Hành lang không còn chỗ chen chân do quá tải người tới khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Tương tự, tình trạng bệnh nhi quá tải ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM do thời tiết oi bức cũng gia tăng nhanh chóng. Bác sĩ Đinh Thạc, trưởng đơn vị truyền thông của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết trong tuần qua lượng bệnh nhi tới khám đã tăng từ 10% – 20%.
Cụ thể, mỗi ngày bệnh viện đang khám cho từ 5000 – 6000 bệnh nhi, đông nhất là các trường hợp có vấn đề về hô hấp, sốt siêu vi và tiêu chảy. Tại Khoa hô hấp của bệnh viện có 90 giường nhưng đang điều trị cho tới 180 bệnh nhi nội trú, Khoa tiêu hóa có 100 giường nhưng cũng phải tiếp nhận tới 170 ca bệnh bị tiêu chảy.
Người lớn cũng đổ bệnh vì nắng nóng
Nắng nóng không chỉ khiến trẻ em mắc bệnh mà ngay cả người lớn cũng lao đao. Theo ghi nhận, dù chưa tới 8 h sáng ngày 21/3 nhưng Khu nhận bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã chật cứng bệnh nhân xếp hàng lấy số.
Khu nhận bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy mới đầu giờ sáng đã đông nghẹt. |
Tại Khoa Khám bệnh, bệnh nhân già có, trẻ có, kẻ đứng, người ngồi chờ tới lượt. Theo bác sĩ chuyên khoa II Đào Duy Khanh, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong vài ngày qua lượng bệnh nhân tới khám hô hấp gia tăng. Các bệnh lý về tai mũi họng tăng 12%, viêm phổi tăng 9% so với cùng kỳ tháng trước.
Ngày thường bệnh nhân tới khám viêm phổi từ 70 – 80 ca, nay tăng thành 120 ca. Bệnh nhân tới khám tai mũi họng trước đây chỉ từ 140 ca, nay lên tới 250 ca/ngày.
“Theo quy trình đối với việc tiếp nhận bệnh nhân hô hấp, ngay khi bệnh nhân tới khai bệnh ở khu nhận bệnh sẽ được phát cho đeo khẩu trang rồi mới đi lên khám để phòng lây lan”, bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, thời tiết oi bức không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả trẻ em mà cả người lớn. Để phòng ngừa nhiễm bệnh, khi ra đường chúng ta nên đeo khẩu trang, hạn chế hít phải không khí ô nhiễm.
Nếu có biểu hiện hắt hơi, nhảy mũi người dân nên đeo khẩu trang ngay để tránh lây bệnh cho người xung quanh. Các bệnh nhiễm siêu vi, ngay trong thời gian ủ bệnh đã có thể lây cho người khác.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cảnh báo về thói quen khi bị bệnh tự ý đi mua thuốc điều trị của người dân. Việc tự ý uống thuốc sẽ làm lờn thuốc, nhất là thuốc kháng sinh.
Có nhiều trường hợp bị bệnh nhẹ, khi đi khám bác sĩ chỉ yêu cầu về nhà chịu khó súc miệng nước muối, nghỉ ngơi. Việc sử dụng thuốc và kháng sinh được cân nhắc rất kỹ, không nên dùng nếu chưa cần thiết.
Riêng đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ chuyên khoa nhi khuyên phụ huynh không nên cho trẻ ra đường lúc nắng nóng, ăn đồ ăn tươi, không uống nước đá, đặc biệt là đồ uống ngoài đường để tránh bị các bệnh viêm họng và tiêu hóa.
Thanh Huyền.