- Chiếc cầu được thiết kế bằng bê tông cốt thép, dài 81m với 3 nhịp cầu nối 2 xóm Hồng Cường và Hồng Lợi (Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Sáng 22/3, Sở GTVT Nghệ An phối hợp chính quyền sở tại tổ chức lể động thổ xây dựng cầu Khe Ang. Hàng trăm người dân địa phương đã đội mưa về dự sự kiện quan trọng này.

Theo thiết kế, cầu Khe Ang được xây dựng tại km 46+300, tỉnh lộ 531 do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư. Cầu gồm 3 nhịp với chiều dài 81m, rộng 9m, thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép.

{keywords}
Giây phút được hàng vạn dân ở huyện miền núi Nghĩa Đàn mong đợi từ nhiều năm qua.

{keywords}
Hàng trăm người dân địa phương hồ hởi đội mưa về dự lễ động thổ xây cầu.

Ước tính chi phí xây dựng cầu Khe Ang hơn 42 tỷ đồng trích từ Quỹ bảo trì đường bộ, ngân sách Nghệ An và một số nguồn vốn hợp pháp khác. Cầu sẽ được xây dựng trong vòng 6 tháng, đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa lũ 2014.

Ngay từ sáng sớm 22/3, hàng trăm người dân Nghĩa Hồng và các xã lân cận đã đội mưa đổ về Khe Ang để chứng kiến lễ khởi công cây cầu này.

Đây được cho là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với hàng vạn dân địa phương, những người luôn đối mặt với nỗi ám ảnh khi vượt qua đập tràn Khe Ang trong mùa mưa lũ.

Như VietNamNet đã thông tin, tại đập tràn ‘tử thần’ này, hầu như năm nào cũng có người dân bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt vào chiều 19/9/2013, xe Innova 7 chỗ do ông Trương Văn Thái (trú TX. Thái Hòa) chở 7 người đã bị lũ cuốn mất tích.

{keywords}
Đập tràn Khe Ang

Sau hơn 40 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng mới phát hiện chiếc xe cùng thi thể 5 người xấu số (3 phụ nữ, 2 trẻ em). Đây là vụ tai nạn kinh hoàng nhất từng xảy ra tại đập tràn nguy hiểm này.

Thông tin về việc khởi công xây cầu qua Khe Ang khiến người dân địa phương vui mừng và hồ hởi. Từ sớm, bà Nguyễn Thị Nhàn (xóm Hồng Cường, Nghĩa Hồng) đã bế cháu nhỏ đội mưa đi dự lễ.

“Chỉ mong chiếc cầu sớm hoàn thành, để chúng tôi khỏi phải lo sợ mỗi khi có mưa lũ. Cứ hễ nghe tin có lũ tràn về là tôi lại rùng mình” – bà Nhàn khấp khởi hi vọng.

Số liệu từ UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết, có khoảng 3 vạn dân thuộc 5 xã phải lưu thông trên tuyến đường 531 huyết mạch. Vào mùa mưa, việc di chuyển qua các đập tràn trở thành nỗi ám ảnh.

Riêng tại Nghĩa Hồng có đến 3 đập tràn nguy hiểm.

Cao Thái