- Câu chuyện lạ lùng: cả thôn xóm góp tiền, người mười ngàn, hai mươi ngàn, người vài ngàn lẻ, người gói mì tôm… để giúp gia đình có hoàn cảnh nghèo khó chăm nuôi “tội phạm” vừa bị xử phạt 2 năm tù giam.

Chưa hết, bà con trong xóm đồng loạt viết đơn kêu oan cho người “phạm tội”, dù không phải họ hàng thân thích…

Cả xóm nghèo đi… kêu oan hộ

Gần một tháng nay, người dân xã miền núi Lâm Giang (huyện Văn Yên, Yên Bái) vẫn chưa lắng câu chuyện buồn về phiên tòa lưu động xử Nguyễn Văn Hoằng (SN 1965, trú tại thôn 12) về tội danh “Cố ý gây thương tích”.

{keywords}
Bà cụ ngoài 80 tuổi của "người tù" đang được cả xóm góp tiền thăm nuôi và viết đơn kêu oan... giúp, xót xa kể lại câu chuyện.
“Người bị hại” trong vụ án này chính là anh em cọc chèo với anh Hoằng, nhà cùng xã. Kết luận điều tra của Công an huyện Văn Yên chỉ ra: Hoằng cố ý gây thương tích, đủ điều kiện để khởi tố vụ án.

Kết thúc phiên tòa lưu động ngày 27/2/2014 do TAND huyện Văn Yên về tận trụ sở UB xã Lâm Giang xét xử: Nguyễn Văn Hoằng nhận mức án 2 năm tù. Hoằng bị đưa vào trại giam ngay sau khi tòa tuyên án.

Thế nhưng, đối với người dân xã Lâm Giang, nguồn cơn của sự việc là một câu chuyện rất dài, từ vài năm trước, liên quan đến người vợ đã khuân hết đồ đạc, tài sản có giá trị bỏ đi, để lại cho Hoằng ngôi nhà tranh vách đất, trơ khấc cái giường gỗ trống trơn.

“Thằng Hoằng sau đó nửa điên nửa tình, đi lang thang khắp xã, người gầy rộc như một con ma đói. Tội hơn nữa, trong người nó vẫn còn mảnh đạn từ thời chiến tranh năm 1979.

{keywords}
Ông Trung, anh Hoàn - người chứng kiến sự việc từ đầu đang trao đổi thông tin với VietNamNet.

"Trước Tết, phòng LĐTB&XH huyện có giấy đưa nó đi mổ lấy mảnh đạn, nhưng vì sức khỏe yếu chưa mổ được. Nó là thương binh, có công với cách mạng” – ông Bùi Quang Trung (SN 1951, hàng xóm), người chứng kiến toàn bộ sự việc của Hoằng, kể lại.

Vùng sâu vùng xa, người dân không hiểu biết pháp luật, không nắm được điều khoản nọ, điều khoản kia…, nhưng, họ đều đồng tình: Hoằng khốn khổ quá, nó bị oan ức quá. Thế là, cả xóm viết đơn kháng án tập thể, kêu cứu tập thể… thay cho Hoằng.

Họ còn góp tiền, người năm, mười ngàn, người vài ba chục ngàn; người không có tiền thì góp vài gói mì tôm, đôi dép, bộ quần áo… đưa cho em gái của Hoằng, chị Nguyễn Thị Hằng, tiếp tế thăm nuôi anh trai đang nằm trong trại giam.

Tập đơn kêu oan của những người nông dân viết nguệch ngoạc trên những trang vở ô ly, vở học trò của tụi trẻ con, nhiều lá đơn còn xiên xẹo không thẳng hàng, sai lỗi chính tả tùm lum… chứ chưa nói đến chuyện đúng thể thức của một lá đơn kháng cáo.

Những người nông dân ấy, họ sống bằng nghề trồng sắn, trồng ngô, toàn những công việc tay chân nặng nhọc, mà có lẽ, nhiều người, cả đời chưa một lần cầm bút để viết lá đơn “kiến nghị” này nọ…

Đơn viết xong, họ cũng biết được, phải lên xã xin xác nhận của chính quyền địa phương, phải có cái “dấu đỏ” để cho có tính pháp lý, sau đó mới gửi đến các cơ quan công quyền của huyện Văn Yên.

Đơn gửi đi rồi, cả xóm… nhong nhong chờ đợi. Rồi bàn tính, rồi suy luận, rồi xuýt xoa, chuyện nhà hàng xóm khốn cùng mà còn hệ trọng hơn cả việc trong nhà…

Con dao văng và bản án… 2 năm tù

Lật lại vụ việc, ngày 20/6/2013, Nguyễn Văn Hoằng lên UBND xã Lâm Giang để công an xã hòa giải sau khi có lá đơn kiến nghi về việc phân chia tài sản từ người vợ cũ mới được tòa xử ly hôn.

Khi chưa kịp về đến nhà, Hoằng rẽ vào nhà hàng xóm Bùi Quang Trung (nhà ông Trung cách nhà Hoằng chừng 500m) để trả mũ bảo hiểm. Vừa hay lúc đó, anh Cường (đồng hao với Hoằng) chạy xe máy đến, bừng bừng sát khí.

{keywords}
Bà cụ (mẹ đẻ) và đứa con dâu của Hoằng bên ngôi nhà trống trơn, không có đồ dùng, tài sản gì đáng giá.

{keywords}
Giấy chứng nhận thương binh của anh Nguyễn Văn Hoằng.

Con dâu của anh Hoằng làm ruộng gần đó, trông thấy ông chú rể mang theo chiếc búa giắt sau lưng, đã cẩn thận dè chừng. Khi ông Cường lớn tiếng gọi anh Hoằng ra ngoài đường, hai bên cãi vã, to tiếng.

Anh Hoằng từ tốn bảo Cường lên nhà mình uống nước nói chuyện. Đi đằng sau, Cường giơ búa định đập vào đầu Hoằng, nhưng cô con dâu đã kịp la lớn: “Bố chạy đi, chú Cường đập búa vào đầu bố đấy”.

Hoằng vội ù chạy lên nhà, vác hai con dao chạy xuống. Hai bên đứng cách nhau chừng vài chục mét, Cường ném búa về phía Hoằng, Hoằng ném trả một con dao nhưng không trúng. Hết “vũ khí”, Cường cạy gạch, đá bên đường (trước cổng nhà ông Trung) ném Hoằng tới tấp.

Cả giận mất khôn, hai người đàn ông gần 50 tuổi đánh nhau  trước sự chứng kiến của rất nhiều bà con khu xóm 12, nhưng không ai kịp định hình để nhảy vào can ngăn.

Trúng mấy viên gạch đá do Cường ném, Hoằng lảo đảo. Con dao còn lại, Hoằng ném bừa về phía Cường. Không trúng người, nhưng con dao văng vào bờ đất, sát chỗ Cường đứng, rồi nảy ra rơi đúng vào gót chân Cường.

Máu từ chân Cường xối ra, mọi người khi đó dường như mới tỉnh khỏi cơn ngây dại, vội vàng đưa Cường xuống trạm xá xã để băng bó.

Sau đó là sự việc: công an xã có mặt, nhưng lúc này đám đông đã giải tán, Cường đang được đưa vào cầm máu ở trạm xá xã. Chiều cùng ngày, cả hai được gọi lên xã để viết tưởng trình…

Kiên Trung

(còn nữa)