- Sống tại đô thị lớn, hiện đại là TPHCM, nhưng 2.000 hộ dân ấp 3 xã Tân Kiên H. Bình Chánh vẫn chưa có nước sinh hoạt, hoặc mua với giá khó tin: 120.000 đồng/m3.

TPHCM đang vào mùa nắng nóng. Nhiệt độ lên rất cao, có ngày lên đến 38-40 độ. Trong cái nắng cháy da đó, những người dân sống ven quốc lộ 1A trong phạm vi huyện Bình Chánh càng lúc càng khát.

Thiếu nước, giá…trên trời vẫn phải mua !

Dù 17g, nắng nóng vẫn chưa giảm. Một cô gái trẻ chạy xe gắn máy, dừng trước căn nhà số C12/19 đường Huỳnh Bá Chánh (ấp 3 xã Tân Kiên H. Bình Chánh TP.HCM). 

Bước tới chiếc vòi treo trên vách, cô cho vào chiếc can 30 lít rồi mở khóa. Dòng nước chảy mạnh vào can chẳng mấy chốc đầy ắp…

{keywords}
Người đàn ông này cho biết mỗi này ông phải chở đến 4 lần như thế.

“Ngày nào cháu cũng chở nước vậy sao?”, tôi hỏi. Cô gái cười, giải thích: “Chuyện nhỏ chú ơi. Ở vùng này ai mà không chở nước sạch về dùng ? Sáng em cháu chở một chuyến đủ dùng tới chiều. Chiều đến phiên cháu. Cứ thế mà tiếp diễn hết năm này qua năm khác”.

Tiếp sau cô gái, người đàn ông chở 4 chiếc can trên chiếc xe rùa bước tới. Hết người này đến người khác. Người ít thì vài can, nhưng cũng có người nhiều đến vài chục can…

Gần đó là nhà bà Trần Thị Hai (60 tuổi) ở số 13/7 Huỳnh Bá Chánh, căn bếp chật hẹp không còn chỗ chen chân vì 2 lu nước và hàng chục chiếc can chiếm hết diện tích.

Bà Hai cho biết sống ở đây đã nhiều năm nên đã quen “vật lộn” với nước. Bà nói, thu nhập của gia đình cũng không đến nỗi nào nhưng cuối cùng thì lâm vào cảnh chật vật cũng vì khoản chi cho tiền nước quá cao.

“Mỗi can 30 lít tôi phải mua với giá 1500đ cộng với 2000đ tiền chuyên chở. Như vậy, tính theo khối tôi phải chịu với giá gần 120.000đ cho một khối nước”.

Còn ông Nguyễn Văn Lâm (49 tuổi) ngụ tại số C14/1 cho biết, 2 năm trước đường ống của cấp nước Chợ Lớn đến ngay trước nhà ông nhưng chỉ vài hộ được mắc đồng hồ nước. 

Mua nước giá quá cao cộng thêm phiền phức về chuyên chở nên ông phải câu lại từ tiệm tạp hóa Phương Thảo gần đó. Mỗi tháng ông phải trả cho chủ đồng hồ nước khoản tiền từ 500 – 600.000đ.

{keywords}
Căn bếp nhà bà Trần Thị Hai nghẹt cứng vì . . . nước.

Đây là tình cảnh chung của hàng nghìn hộ dân ở ấp 3 xã Tân Kiên dọc theo quốc lộ 1A từ điểm giao với đường Trần Đại Nghĩa đến cầu Bình Điền. Nước sạch đang là vấn đề nạn giải với họ. Bà con ở sát đường, không thể đào giếng vì không còn diện tích đất để khoan.

Những người ở phía sau, trong các con hẻm khoan giếng xuống đến 150m có nước phun lên nhưng không dùng được vì độ pH quá cao. Muốn dùng phải đưa nước vào bể lọc qua nhiều công đoạn mới có thể dùng vào việc tắm giặt, nấu nướng…

Bao giờ hết khát ?

Được biết, hiện nay tính từ Tân Kiên đến điểm cuối cùng của huyện Bình Chánh giáp với Long An có khoảng 2.000 hộ dân sống ven quốc lộ thiếu nước. 

Hàng chục năm nay, tình trạng nước vẫn chưa có một chuyển biến tích cực nào. Người dân vẫn phải mua nước để sinh hoạt và 100% dân nơi đây phải uống nước bình – một loại nước được cho là tinh khiết đang bán trên thị trường.

{keywords}
Bể lọc nước giếng khoan nhưng cũng không thể dùng được vì quá phèn

Bà Nguyễn Thị Hương Thảo, chủ tịch UBND xã Tân Kiên thừa nhận có tình trạng thiếu nước đối với các hộ dân sống ven quốc lộ. 

Bà cho biết, hiện nay huyện đã có kiến nghị đầu tư đường ống từ Tân Kiên về đến nút giao Bình Thuận. Đoạn kế tiếp kéo dài đến ranh tỉnh Long An do vướng giải phóng mặt bằng nên sẽ triển khai đồng bộ một khi quốc lộ 1A được mở rộng.

Còn theo đại diện công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn, tuyến đường Quốc lộ 1A, đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Hoàng Phan Thái, công ty đã có kế hoạch và dự án phát triển mạng lưới cấp nước.

“Tuy nhiên hiện đang có dự án nâng cấp, mở rộng sẽ triển khai thi công trong năm 2014 do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư nên Công ty chúng tôi phải chờ phối hợp dự án nâng cấp để cùng thực hiện”.

Như vậy, dự án cấp nước là có, nhưng chưa thể triển khai. Người dân nhiều năm liền thiếu nước, vẫn tiếp tục nghe điệp khúc…chờ, ít nhất là trong mùa nắng nóng 2014 này.

Trần Chánh Nghĩa