- Đó là tình cảnh đang xảy ra đối với người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Dưa chất đống cho ...bò ăn

Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, hầu hết các vựa dưa hấu tại địa bàn các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ… tỉnh Bình Định đều trúng mùa lớn. 

Năng suất đạt trung bình từ 20-25 tấn/ha. Thế nhưng, do đầu ra tiêu thụ bị tắc, khiến giá dưa hấu đột ngột tuột dốc không phanh. Dưa không bán được, người nông dân khóc ròng vì thua lỗ nặng.

{keywords}

 Dưa hấu tập kết chờ người đến mua

{keywords}
Nhiều ruộng dưa đến ngày thu hoạch nhưng việc giá dưa giảm mạnh khiến không khí thu hoạch dưa rơi vào cảnh ảm đạm (Ảnh chụp tại vựa dưa xã Canh Thuận, huyện Vân Canh)

Giữa cái chói chang như đổ lửa, anh Lâm Trường Hận (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) vẫn đang lom khom thu hoạch sào dưa còn lại đã quá ngày thu hoạch.

Anh cho biết: “Vụ mùa dưa hấu Đông Xuân này gia đình đã mạnh dạn đầu tư 2 ha. Tính đến thời điểm hiện nay, gia đình thu hoạch được ¾ diện tích với năng suất ước tính 45 tấn/2ha. Thế nhưng, do giá dưa từ đầu vụ đến cuối vụ chỉ dao động từ 1.500-2.000 đồng/kg nên tôi lỗ hơn 20 triệu đồng. Thậm chí, cả tuần nay giá dưa giảm hẳn xuống còn 1.000 đồng/kg mà bán cũng chẳng ai mua. Để lâu ngày nên một số dưa trở héo rũ đành phải cho bò ăn…”.

Ông Phạm Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Vụ dưa hấu Đông Xuân 2013-2014, toàn xã có 30 ha dưa với gần 50 hộ tham gia trồng dưa. Năng suất dưa bình quân đạt 20-25 tấn/ha nhưng do giá thu mua xuống quá thấp nên người trồng dưa rơi vào tình cảnh bán đổ, bán tháo. Đời sống người dân vốn khó khăn nay cộng thêm chuyện thua lỗ từ việc trồng dưa nên cuộc sống bà con trở nên khốn khó hơn. Cá biệt sau vụ dưa có hộ lỗ từ 40-50 triệu đồng”.

Trên chuyến công tác về huyện Vĩnh Thạnh, men dọc theo tuyến QL 19 trong quãng đường dài gần 60 km, PV VietNamNet ghi nhận có đến hơn 20 điểm bán dưa hấu dọc đường. Điều đáng buồn là hầu hết các điểm mà PV ghé đến để tìm hiểu về tình hình sản xuất và đầu ra tiêu thụ dưa hấu thì nhận được những cái lắc đầu uể oải. Nhiều nông dân sau nhiều đêm thức trắng vì dưa khuôn mặt trở nên hốc hác, mắt thâm quầng tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc đến chuyện dưa hấu.

Chị Thái Thị Bích Liên, người dân ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), ủ rầu: “Cả tuần nay do thị trường tiêu thụ dưa ở Trung Quốc bị đứng nên dưa hấu không xuất bán đi được. Trong khi đó, dưa hấu chúng tôi đã đến ngày thu hoạch, trời lại nắng nóng, nếu để lâu dưa hấu bị nứt vỏ… Lúc đó có cho cũng không ai nhận. Giờ bán được quả nào thì hay quả đó còn hơn mất trắng”.

Tại huyện Vân Canh, một trong những địa phương trồng dưa hấu nhiều nhất tỉnh Bình Định, chúng tôi ghi nhận không khí ảm đạm của bà con nông dân. Những quả dưa chất thành đống to dọc theo tuyến tỉnh lộ 638 vẫn đang nằm “thoi thóp” chờ bốc lên xe đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Dù giá bán “siêu rẻ” vẫn rất ít người mua.

Theo tìm hiểu PV VietNamNet, hiện nay, lượng dưa hấu từ nhiều cánh đồng dưa về các tuyến QL đang tăng nhanh qua mỗi ngày, trong khi đầu tiêu thụ tại thị trường chính Trung Quốc lại rơi vào cảnh “chợ chiều” nên hiện một số bà con bắt đầu thay đổi thị trường cung ứng sang phía Nam.

Nhưng do năm nay các vựa dưa lớn ở miền Trung - Tây Nguyên đều trúng lớn nên dẫn tới tình trạng cung vượt quá cầu. Ngoài ra, người trồng dưa còn thuê xe dưa ra tập kết dọc các tuyến QL 1A, QL 19 hay các tỉnh lộ ven đường để bán lẻ với mức giá “bán rẻ hơn cho” từ 8.00-1.000 đồng/kg; thậm chí, dưa hấu bán tại ruộng giá bán cũng vỏn vẹn 500 đồng/kg…

Hệ lụy từ phong trào tự phát

Theo PV VietNamNet tìm hiểu, thì lâu nay, việc chọn cây dưa hấu để phát triển kinh tế không được địa phương khuyến khích. 

Bởi theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định, việc ồ ạt xuống giống, mở rộng diện tích loại nông sản này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ. Đầu ra của loại nông sản này bấp bênh, thiếu ổn định. Nếu trồng nhiều dễ bị ứ đọng, giá cả sẽ sụt giảm mạnh dẫn đến thua lỗ như đã từng xảy ra ở các niên vụ trước... Mùa vụ này, khuyến cáo trên đã trở thành sự thật.

{keywords}
Anh Lâm Trường Hận ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh rầu rĩ vì dưa rớt giá.
{keywords}
Dưới cái nắng như thiêu nông dẫn vẫn cố gắng đưa dưa về tập kết dọc tuyến QL 19 (ảnh chụp tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước).

Thực tế, thời gian qua, nhiều bà con nông dân ở khắp các làng quê trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục trăn trở với những loại hình cây trái phát triển kinh tế và mong muốn tìm ra cách làm giàu phù hợp. Trong đó hướng trồng những loại hoa quả, nông sản có giá trị cao như dưa hấu là một cách làm rất đáng cổ vũ.

Thế nhưng, đáng buồn là do công tác định hướng sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ của chính quyền, cơ quan chức năng chưa tốt, chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình nên hầu như nông dân “tự bơi” là chính.

Hậu quả là, cứ hễ thấy ai, ở đâu đó nuôi con, trồng cây gì có lãi cao thì nhiều người cũng bắt chước nhảy vào, tạo thành phong trào tự phát. 

Cuối cùng, sản phẩm rơi vào tình trạng hàng “dội chợ” buộc phải cạnh tranh, bán phá giá. Dần dần, sản phẩm của nông dân làm ra cứ phải “bán đổ, bán tháo” dẫn đến thua lỗ, nợ nần…

Huyền Trang