- Văn phòng Chính phủ, Cục Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo Điện Biên xử lý dứt điểm sai phạm trong công tác quản lý, cấp phép khoáng sản tại mỏ quặng chì, kẽm Xá Nhè – Háng Chờ (huyện Tuần Giáo, Điện Biên).

Theo đó, tại công văn số 544/VPCP-KTN ngày 23/01/2014 của VPCP gửi UBND tỉnh Điện Biên truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xử lý giải quyết vướng mắc trong hoạt động khoáng sản tại tỉnh Điện Biên.

{keywords}
Khai thác khoáng sản trái phép tại Điện Biên

Trước đó, VPCP cũng đã ban hành văn bản số 1753/VPCP-KTN ngày 06/8/2011 về việc thăm dò, khai thác quặng chì, kẽm tại khu vực Xá Nhè – Háng Chờ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Công thương kiểm tra, xem xét, giải quyết việc thu hồi các giấy phép khai thác quặng chì, kẽm chưa đúng với quy định làm cơ sở cho cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp quặng chì, kẽm tại khu vực này.

Theo nội dung công văn 880/ĐCKS-KS (Cục Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) gửi UBND tỉnh Điện Biên ngày 25/5/2010: khu vực thăm dò quặng chì, kẽm Xá Nhè – Háng Chờ có diện tích 470ha đã được TTCP chấp thuận cho thăm dò, khai thác tại văn bản số 7803/VPCP ngày 03/11/2009. 

UBND tỉnh Điện Biên có CV số 523/UBND – TH ngày 19/4/2010 thỏa thuận việc thăm dò và xác định không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát tài liệu liên quan, Cục Địa chất Khoáng sản nhận thấy, UBND tỉnh Điện Biên đã cấp 02 giấy phép khai thác quặng chì, kẽm cho doanh nghiệp khai thác tại khu vực mỏ Xá Nhé – Háng Chờ, mặc dù loại khoáng sản này thuộc nhóm khoáng sản độc hại; việc thăm dò, khai thác, chế biến phải có ý kiến cho phép của Thủ tướng CP.

Cục Địa chất Khoáng sản đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo kiểm tra việc thu hồi các giấy phép đã cấp không theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản.

Tuy nhiên, thay vì ra quyết định thu hồi mỏ, ngày 03/6/2010 UBND tỉnh Điện Biên lại ra văn bản yêu việc tạm dừng các hoạt động đầu tư, khai thác và chế biến khoáng sản chì kẽm tại điểm mỏ Pú Bó - Xá Nhè, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo đối với Công ty TNHH Tuyên Huy.

Giám đốc Sở TNMT tỉnh Điện Biên, ông Bùi Châu Tuấn cho biết: sau đợt thanh tra thì đơn vị được cấp phép có nhiều sai phạm và hiện tại doanh nghiệp này cũng đang bị dừng công việc khai thác. Sau khi làm việc với các cơ quan của tỉnh, Cty cam kết đến hết tháng 3/2014 sẽ khắc phục xong những vấn đề còn vướng mắc.

“Tôi đã yêu cầu rất nhiều lần và Công ty Tuyên Huy cũng cam kết là thực hiện điều đó trong tháng 3. Nhưng đến cuối cùng mà không thực hiện được thì chúng tôi sẽ phải xử lý, thu hồi theo luật và văn bản hiện hành” – GĐ Sở TNMT tỉnh Điện Biên nói. 

Theo nội dung công văn số 544, Bộ TNMT, UBND tỉnh Điện Biên báo cáo kết quả xử lý vướng mắc trong quản lý tại mở quặng chì kẽm Xá Nhè – Háng Chờ lên Thủ tướng CP trước ngày 15/3/2014.

Một trong hai đơn vị được Điện Biên cấp phép trái phép khai thác quặng chì, kẽm này là Cty TNHH Tuyên Huy (được UBND tỉnh Điện Biên cấp phép khai thác khoáng sản tại Mỏ Chì, Kẽm Pú Bó - Xá Nhè, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) từ năm 2006 (QĐ số 695/QĐ- UBND) với diện tích 56 ha.

Đơn vị này được cấp phép trong điều kiện chưa lập Dự án đầu tư, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); từ thời điểm được cấp phép (năm 2006) không triển khai bất kỳ một hoạt động khai thác nào và bỏ hoang phí hàng chục ha. 

Trước sai phạm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của Điện Biên, Thanh tra Bộ TNMT đã đề nghị UBND tỉnh Điện Biên xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Sở TNMT tỉnh Điện Biên đã lập đoàn Thanh tra xác định những sai phạm của Cty THHH Tuyên Huy về các khoản nợ thuế, phí bảo vệ môi trường lên đến hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra Cty TNHH Tuyên Huy còn vi phạm hàng loạt các quy định khác khi tiến hành khác thác chế biến chì - kẽm tại khu vực Xá Nhè (xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo).

Cụ thể: Cty TNHH Tuyên Huy không làm thủ tục đầu tư dự án và chưa được cấp phép đầu tư dự án; Không ký hợp đồng thuê đất với khu vực khai thác; Chưa được UBND tỉnh ký hợp đồng cho phép thuê đất và ký hợp đồng thuê đất đối với khu vực nhà máy tuyển nổi chì - kẽm; Không lập dự án cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường; Không kê khai với cơ quan nhà nước về kê khai nộp thuế…

Thái Bình