– Theo Thanh tra Chính phủ, việc ngưng hoạt động các mỏ đá trong thời gian dài đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước.


Hơn 10 năm, những mâu thuẫn trong khai thác đá ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) giữa các nhà đầu tư và Công ty Khoáng sản Vinaconex (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) vẫn chưa chấm dứt.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc các mỏ đá trên bị ngưng hoạt động trong một thời gian dài đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, làm mất việc làm của hàng ngàn lao động.

Chủ mỏ thiếu tiền

Theo tìm hiểu của VietNamNet, trong thời gian từ 1996 - 1998, Công ty Khoáng sản BR-VT (đến năm 2003 đổi tên thành Công ty Khoáng sản Vinaconex) được Bộ Công nghiệp cấp phép khai thác 5 mỏ đá ở tỉnh BR-VT với diện tích khoảng 150 ha, gồm 3 mỏ đá xây dựng và 2 mỏ đá Puzzolan.

Mâu thuẫn giữa các đơn vị khai đá ở BR-VT vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh Trung Thanh)
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh BR-VT, kinh phí đầu tư khai thác 5 mỏ đá là 55,783 tỉ đồng.

Để được hoạt động tại 5 mỏ đá nói trên, công ty khoáng sản phải có vốn pháp định 16,7 tỉ đồng (theo điều 16 của Nghị định 68/CP của Chính phủ về thi hành Luật Khoáng sản: Vốn pháp định của đơn vị được phép khai thác không được ít hơn 30%).

Thế nhưng, dù không đủ vốn theo qui định, nhưng Công ty Vinaconex vẫn được UBND tỉnh BR-VT và Bộ Công nghiệp phê duyệt dự án và cấp phép khai thác.

Do nguồn vốn quá ít nên công ty này phải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 7 công ty tư nhân tư nhân để khai thác 5 mỏ đá.

Theo hợp đồng, Công ty Khoáng sản Vinaconex chỉ làm thủ tục xin cấp các giấy phép liên quan và tổ chức khâu khoan nổ mìn nhưng được hưởng 12% đến 17% doanh thu, để được phần doanh thu còn lại, các công ty đối tác phải bỏ toàn bộ tiền vốn từ khâu thăm dò đến khai thác.

“Trùm mền” mỏ đá

Đến năm 2000, giữa các đơn vị đầu tư và Công ty Khoáng sản Vinaconex phát sinh mâu thuẫn. Các đơn vị đầu tư cho rằng, do việc bán sản phẩm chậm thu hoặc thu không được tiền nhưng vẫn phải nộp đủ tỉ lệ phần trăm cho Công ty Khoáng sản Vinaconex.

Những lúc các đơn vị đầu tư gặp khó khăn, không nộp đủ tiền thì công ty này không tổ chức nổ mìn, khoan đá, làm gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh dẫn đến đổ nợ, không có tiền trả cho công nhân…

Văn phòng Chính phủ yêu cầu trong quí II/2011 phải báo cáo vụ việc lên Thủ tướng.
 
Trước tình trạng các mỏ đá ngưng hoạt động, các đơn vị đầu tư khiếu kiện lên Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2001, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu giải quyết vụ việc theo hướng cổ phần hóa toàn bộ Công ty Khoáng sản Vinaconex. Tuy nhiên, mãi đến năm 2003, Giám đốc công ty này vẫn không thực hiện.

Từ năm 2003 đến nay, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có nhiều văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các kiến nghị của các đơn vị đầu tư khai thác mỏ đá theo hướng cổ phần hóa Công ty Khoáng sản Vinaconex để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Song đến nay, việc cổ phần hóa cũng chưa được các đơn vị liên quan thực hiện.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Công ty Khoáng sản Vinaconex được Bộ Công nghiệp cấp nhiều giấy phép khai thác mỏ trái qui định pháp luật và không thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng là nguyên nhân chính dẫn đến các mỏ đá ngưng hoạt động trong các năm qua. Việc này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước…

Mới đây, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND tỉnh BR-VT… phải giải quyết dứt điểm vụ việc và báo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quí II/2011.

Trung Thanh