- Từ khi cô bé Lưu Thị H. (SN 2006), con gái của anh chị Lưu Huy Dũng – chị Quách Thị Thủy (trú ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) biết ăn thịt sống cũng là lúc em bị ‘chôn’ vùi tuổi thơ vào cột nhà bằng sợi dây xích suốt mấy năm qua.
Xích con vào cột nhà
Trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, em H. ngồi lủi thủi một mình cùng với dây xích dài lượt khượt đang gồng chân em vào cột nhà.
Sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác, nhưng tuổi thơ của H. lại chỉ được đánh đổi bằng những trò chơi “nằm cằn” ra đất ở một góc nhà nhỏ. Cái tuổi thơ ấy cứ thế trôi qua được khoảng 5 năm như vậy.
Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo của gia đình anh Dũng chị Thủy. |
Hôm chúng tôi đến chỉ có mình H. đang bị thòng dây xích bò lê bò càng trên nền đất. Nhà H. nghèo, bố mẹ ngày nào cũng phải đi làm quần quật từ sáng đến tối. Đứa em trai sinh đôi với H. cũng phải ra đồng giúp mẹ, buổi trưa về mới nấu cơm cho cả gia đình ăn.
Nhà chị Thủy nghèo, đứa con gái lại “quái dị” như vậy nên hàng xóm cũng ít người đến chơi. Gặp chúng tôi, chị Thủy như trút bầu tâm sự. Hai hàng nước mắt vì thương con lại lăn trên gò má gầy guộc.
Chị bảo, chẳng đã vợ chồng mới phải xích con ban đêm vào dưới chân cột giường, còn ban ngày xích nó trước cửa của căn nhà ọp ẹp để cháu không thể bắt được gà, chuột, cóc… ăn được.
“Nếu không xích cháu lại thì vợ chồng tôi không sao kiểm soát nổi con. Nếu cứ ở nhà mà canh nó như vậy thì lấy đâu lo cuộc sống cho gia đình”, chị Thủy tâm sự.
Nhiều hôm thương con, anh chị mở xích cho cháu thì ngay lập tức cháu H. chạy nhảy khắp nơi, phá phách thậm chí vẫn không quên được chứng ăn thịt sống.
“Sểnh ra là cháu lại vồ gà ăn, nhưng điều rất lạ mỗi lần cháu ăn thịt động vật sống không hề thấy cháu đau bụng hay nôn mửa gì cả. Khi ăn xong nó còn đưa tay quệt ngang miệng một cách ngon lành”, chị Thủy xót xa chia sẻ.
Cần giúp đỡ của các nhà hảo tâm
Cũng đã có nhiều lần chị Thủy mang con đến trường mầm non trong xã với hy vọng bên cạnh những đứa trẻ cùng trang lứa cháu H. sẽ tiến triển hơn về mặt nhận thức và tâm lý. Song do không nhận thức được hành vi của mình nên cháu H. thường cắn, xé, cào các bạn khiến nhà trường không dám nhận em vào học nữa.
Nói xong, anh Dũng (chồng chị Thủy) đưa cánh tay đang rơm rớm máu cho chúng tôi xem. Anh bảo, vết cắn đó là của cháu H. trong đêm ngủ say cắn. Đêm nào ngủ cháu H. cũng phải cắn được hai vợ chồng một cái mới thôi.
Cháu H. bị xích ngay cửa nhà suốt mấy năm qua. |
"Khi cháu cắn, tôi và vợ chỉ biết nằm im, nếu phản ứng cháu sẽ cắn mạnh hơn. Cháu đã cắn là phải bật máu mới chịu nhả ra", anh Dũng cho biết.
Anh Dũng cũng kể thêm, bệnh tình của cháu H. đến nay các bác sĩ cũng “bó tay”. Anh chị vay mượn tiền khắp nơi, mang con đi cầu cứu hết đông y sang tây y nhưng bệnh tình của cháu vẫn không hề thuyên giảm. Giờ gia đình chỉ biết nhìn con và chờ một phép màu kỳ diệu.
Chiều buông xuống, ngôi nhà xập xệ, rách nát nằm ẩn khuất bên sười núi của một huyện nghèo vùng cao xứ Thanh càng thêm u tịch. Nơi đây đứa trẻ tội nghiệp với chiếc xích quấn quanh chân cứ mãi ám ảnh trong tâm trí chúng tôi.
Nếu không có điều kỳ diệu nào đến, có lẽ suốt quãng đời còn lại của cô bé tội nghiệp này cũng chỉ quẩn quanh bên chiếc xích dưới chân cột nhà?
Được biết gia đình chị Thủy thuộc hộ nghèo, nhà có 4 nhân khẩu đều trông chờ nguồn sống vào ba sào ruộng. Chị Thủy ở nhà trông con, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào tiền công phụ hồ ít ỏi của chồng. Bởi thế gia đình không có điều kiện trị bệnh cho bé H.
Nghèo đói càng bám riết lấy cuộc sống của gia đình này khi cháu H. thường xuyên ốm đau. Gia đình chị Thủy đang rất cần sự cưu mang của những người hảo tâm.
Lê Anh