Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) công bố từ cuồi năm 2013 tới thời điểm này có 2.492 trường hợp trẻ được chẩn đoán xác định bệnh sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong do sởi, biến chứng của sởi được báo cáo. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đỉnh dịch sởi nặng nề nhất cách đây 4 tuần song tại các bệnh viện, bệnh nhân sởi hiện vẫn rất đông, không còn chỗ nằm điều trị.

{keywords}

Bệnh nhi nằm ghép 4 để điều trị sởi ở BV Nhi TW

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, chiều 8/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp trực tuyến về việc thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi với sự tham gia của các Cục, Vụ, Viện trực thuộc.

25 trẻ tử vong

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết 25 trường hợp tử vong (tính từ 25/12/2013 tới 31/3/2014) đều ở khu vực phía Bắc, trong đó chỉ có 1 trẻ được tiêm chủng.

Có 3 trẻ tử vong trong độ tuổi 0-6 tháng và 6 trẻ tử vong trong độ tuổi 6-9 tháng. Đây đều là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin sởi theo lịch của Bộ Y tế. Ngoài ra, có 7 trẻ tử vong từ 9-12 tháng và đông nhất là trẻ từ 12 đến dưới 24 tháng (11 trẻ, chiếm 44%).

Ông Phu cho biết các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh (trong khi đó nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do vi rút, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân).

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin virus đang gây bệnh sởi tại Việt Nam không biến đổi về kháng nguyên và độc lực. Ông Hiển cũng nhận xét: Dịch sởi ở Việt Nam quy mô nhỏ - trung bình, dù có 53 tỉnh thành báo cáo có sởi nhưng số bệnh nhân tản mác, tập trung ở miền núi, TP HCM và Hà Nội.

“Với chiến dịch tiêm vét vắc xin cho trẻ và thời tiết ấm dần lên trong thời gian tới, số bệnh nhân sởi sẽ giảm”, ông Hiển nhận định.

Giám đốc TT Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết Hà Nội đã tiêm vét vắc xin sởi cho hơn 400.000 trẻ, đạt 76,3% . Số còn lại tiếp tục được tiêm trong tháng 4 và ông Cảm cho biết đến hết tháng 4 dịch sởi ở Hà Nội sẽ được kiểm soát. Hiện nay, mỗi tuần số bệnh nhân sởi của Hà Nội giảm đều từ 10-20%.

{keywords}

Bệnh nhân tràn ra cả hành lang ở khoa Nhi – BV Bạch Mai

 

Bệnh nhân quá đông, tăng thêm máy thở

Tuy nhiên, tình hình bệnh nhân sởi tại BV Nhi Trung ương và khoa Nhi – BV Bạch Mai vẫn tiếp tục căng thẳng. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết số bệnh nhân sởi bị biến chứng nặng nhập viện nhiều khiến tình trạng quá tải diễn ra trầm trọng hơn: Số bệnh nhân nhập viện tăng hơn 30%, chủ yếu là bệnh hô hấp. BV có 1.200 giường bệnh nhưng hiện đang điều trị cho 1.600-1.800 chủ yếu là bệnh lý hô hấp (chiếm 50%). Tính đến nay BV đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sởi lâm sàng.

Số bệnh nhân cần cấp cứu hồi sức chiếm tỉ trọng lớn, mỗi ngày 100-120 máy thở được huy động, 230 giường bệnh cấp cứu lúc nào cũng hoạt động liên tục. Số ca mắc sởi nhập viện thường xuyên từ 200-250 ca. BV dành cho toàn bộ khoa truyền nhiễm thành khu thu dung điều trị bệnh nhân sởi nặng, các đơn vị hồi sức cũng tập trung cứu chữa bệnh nhân sởi nặng có biến chứng đường hô hấp.

Khoa Nhi – BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho 20 bé mắc sởi trong số hơn 100 bệnh nhi đang điều trị. Thời điểm hiện tại khoa thực sự bị quá tải, nhiều trẻ phải nằm ra cả hàng lang do sợ nằm cùng phòng với trẻ bị sởi sẽ bị lây.

Với thực trạng quá tải bệnh nhân nặng hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị khẩn trương cấp cho BV Nhi Trung ương, khoa Nhi BV Xanh Pôn (Hà Nội) và BV Bạch Mai máy thở. Bộ trưởng Y tế cũng đã có quyết định phân ngân sách cho các BV mua thêm trang thiết bị, nhất là máy thở để điều trị. Ông cũng yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo vắc xin, trang thiết bị, thuốc men đầy đủ.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến dịch sởi. Việt Nam cam kết sẽ thanh toán bệnh sởi vào năm 2017. Trong 2 năm tới sẽ có 23 triệu trẻ em được tiêm vắc xin sởi – rubella, chiến dịch này sẽ bắt đầu từ tháng 8-9 năm nay. Mục đích của chiến dịch này là để tạo nền miễn dịch tốt cho cộng đồng để dịch sởi không quay lại tấn công.

“Đây là biện pháp mạnh mẽ nhất có thể thực hiện để đẩy lùi, thanh toán bệnh sởi. Vắc xin sởi là an toàn, tiêm vắc xin sởi là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi một cách chủ động”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tập trung nguồn lực tối đa điều trị ca nặng

Nhằm khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân nặng ở BV tuyến cuối, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương trước mắt tập trung tối đa nguồn lực điều trị cho các bệnh nhi nặng; tăng cường nhân lực tại phòng khám để sàng lọc, phân loại bệnh nhi, chuyển trường hợp nhẹ về tuyến dưới; sử dụng giường bệnh của các khoa không quá tải để tập trung điều trị bệnh nhi thuộc các khoa quá tải...

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo thực hiện quy định về chuyển tuyến hợp lý, quán triệt thực hiện vận chuyển bệnh nhân an toàn... Nếu bệnh nhân yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì phải có hướng dẫn và tư vấn hợp lý. Đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương tập huấn sớm về phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp, bệnh truyền nhiễm để phát hiện sớm các bệnh này tại tuyến dưới.

Các Bệnh viện Bạch Mai, E, Nhiệt đới Trung ương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng khi cần thiết. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương nghiên cứu để kết luận về tình trạng bệnh sởi hiện nay.


Cẩm Quyên