- Răng khôn chưa kịp nhổ mà bệnh nhân đã phải đi cấp cứu với tình trạng tràn khí gây chèn ép tim, phổi…

Chiều ngày 15/4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết vừa cứu sống một nạn nhân của vụ nhổ răng khôn vô cùng hy hữu.

Bệnh nhân tên là Mao Khánh H. (38 tuổi, ngụ thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cách đây 5 ngày anh H. đi phòng mạch tư ở Bà Rịa để nhổ chiếc răng khôn hàm dưới bên trái.

{keywords}

Anh H. tới giờ vẫn bàng hoàng vì tai nạn nhổ răng hy hữu.

Theo anh H., trước khi nhổ bác sĩ tiến hành trà và mài răng. Mới chỉ mài và khoan làm sạch răng đã khiến miệng bệnh nhân bị đau và sưng vùng cổ nên quá trình nhổ răng phải tạm ngưng.

Khi tiến hành làm tiếp thấy bệnh nhân kêu đau ngực, khó thở nên bác sĩ đã chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương.

Anh H. nhớ lại: “Ngay khi bác sĩ chích thuốc tê để chuẩn bị khoan, mài chưa tới 1 phút tôi đã thấy choáng và khó thở. Ngực giống như bị vật nặng đè lên. Tôi cảm giác bị ngộp sắp chết. Còn nhớ lúc tới Bệnh viện Bà Rịa người ta cấp cứu bằng cách găm kim vào chân răng cho khí tràn ra. Sau đó tôi được chuyển lên TP.HCM điều trị tiếp. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, mà cái răng đã nhổ xong đâu!”.

Theo BS.CK II Hoàng Bá Dũng, phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, thỉnh thoảng tại bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp tràn khí dưới da sau khi mổ xoang, cắt amidal tuy nhiên tình trạng nhẹ do lượng khí ít chứ không nhiều như đi làm răng, nhổ răng.

“Hơn 20 năm làm việc, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp nhổ răng mà bị tràn khí nặng tới mức như bệnh nhân H.”, bác sĩ Dũng nói.

Qua đó, bác sĩ Dũng khuyên người dân khi đi làm răng nếu thấy bất cứ triệu chứng bất thường phải ngưng ngay và tới bệnh viện kiểm tra. Với những răng phức tạp như răng khôn mọi người nên lựa chọn cơ sở y tế lớn hoặc bệnh viện có chuyên khoa.

Thanh Huyền