- Lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, 2 xe được các đơn vị nghiệp vụ sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Việc mang BKS 36B-6789 là để hóa trang phục vụ điều tra các vụ án.

Xe sang giá bèo

Theo điều tra của PV, ngày 4/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định (số 29/QĐ-UBND) về việc xử lý vi phạm hành chính, tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với 8 ô tô nhập lậu do Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.

Sau đó 3 ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập Hội đồng xác định giá khởi điểm cho số xe trên và ngày 9/1/2013, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mức giá khởi điểm và phương án quản lý, sử dụng 8 xe ô tô tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính.

{keywords}
Xe Lexus RX 330

Một ngày sau đó, 10/1/2013, theo đề nghị của Sở Tài chính, UBND tỉnh ra quyết định chuyển giao chiếc xe tốt nhất trong lô 8 ô tô bị thu giữ là xe Lexus RX 330 (loại 5 chỗ ngồi, gắn BKS 29Z-0638, số máy 4154257; số vin 2T2HA31U04C005693) cho Công an tỉnh Thanh Hóa sử dụng .

Chiếc xe này được định giá 700 triệu đồng, UBND tỉnh cho rằng việc giao Công an tỉnh là đúng các quy định về chế độ, định mức sử dụng xe công. Trong quyết định giao xe, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh thực hiện các thủ tục tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài sản chuyển giao theo đúng quy định. Đồng thời, có trách nhiệm hạch toán tăng tài sản và đăng ký tài sản theo quy định.

Xe nhập lậu đi “lậu” 1 năm 3 tháng

Sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa giao chiếc xe Lexus RX 330, Công an tỉnh Thanh Hóa sử dụng từ tháng 1/2013 nhưng đến nay chưa được đăng ký biển số chính thức. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng về việc 2 xe chung biển xanh 36B-6789, Công an tỉnh Thanh Hóa mới lên tiếng xác nhận xe Lexus RX 330 đeo biển của một xe khác và cho gỡ biển đeo sai quy định.

Chiều ngày 15/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Xe 4 chỗ ngồi, màu trắng nhãn hiệu Toyota, BKS 36B-6789 của Công an tỉnh được giao cho Văn phòng Công an tỉnh quản lý, sử dụng phục vụ công tác. Hiện tại xe đã cũ, đang hư hỏng đưa vào xưởng sữa chữa.

Do yêu cầu công tác nên đã sử dụng BKS 36B-6789 gắn vào xe ô tô mang nhãn hiệu Lexus RX330 của Công an tỉnh. Sau khi đi công tác, xe bị hỏng phải đưa vào xưởng sữa chữa và chưa kịp tháo dỡ BKS ra khỏi xe Lexus RX330. Qua thông tin trên báo chí, đơn vị đã tháo gỡ BKS 36B-6789 ra khỏi xe Lexus RX 330.

Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, xe này do các đơn vị nghiệp vụ sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Việc mang BKS 36B-6789 là để hóa trang phục vụ điều tra các vụ án (?!).

Về thời gian chậm cấp BKS chính thức, thông tin từ Phòng CSGT cho hay, xe Lexus còn “vướng” một số thủ tục đăng ký, trong khi theo quyết định giao xe của UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Tài chính phối hợp Công an tỉnh thực hiện việc này theo quy định.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Nếu được sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra đi thực hiện nhiệm vụ điều tra thì có thể được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như hóa trang, đóng giả… trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Đối với phương tiện là xe ô tô trong biện pháp nghiệp vụ cũng cho phép sử dụng biển số giả để tránh bị phát hiện hoặc để đánh lạc hướng, thậm chí là không sử dụng biển số cũng được. Đó là nghiệp vụ của cơ quan Công an được Nhà nước cho phép để phục vụ lợi ích chung của xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là có đúng là xe chiếc xe kể trên ( xe Lexus RX 330 ) đeo biển số công để hóa trang thực thi công vụ?

Hơn nữa việc chiếc xe của cơ quan giám sát và bảo vệ luật pháp lưu hành hơn một năm mà chưa đăng ký cũng khiến dư luận nghi ngờ, bức xúc.


(Theo Báo GTVT)