- “Nếu tuân thủ không chở quá tải, không có lý do gì để người ta giữ lại kiểm tra? Tôi hứa sẽ xử lý nghiêm nếu thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực là có căn cứ”.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết tại hội nghị Sơ kết 15 ngày triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc vào sáng nay (17/4).

Nhiều địa phương chưa thực hiện quyết liệt

Sau nửa tháng đồng loạt ra quân kiểm tra tải trọng xe bằng trạm cân (từ 1/4) trên cả nước, đã có trên 80% số xe nghiêm chỉnh chấp hành không chở hàng vượt quá tải trọng. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn chậm và chưa quyết liệt triển khai.

{keywords}
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ xử lý nghiêm tiêu cực trong ngành nếu thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực là có căn cứ.

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đến nay, vẫn còn 11 địa phương trên cả nước chưa đưa bộ cân lưu động đã được cấp vào hoạt động. Một số tỉnh chỉ hưởng ứng ngày đầu ra quân, sau đó dừng lại. Hoặc, chỉ thực hiện cân xe trên hệ thống đường tỉnh lộ có lưu lượng xe quá tải thấp mà “quên” ở các tuyến Quốc lộ trọng điểm có lưu lượng xe quá tải cao như QL1, 5, 18…

Trong khi đó, lực lượng công an, đặc biệt là Phòng CSGT một số địa phương chưa vào cuộc , còn viện nhiều lý do, không bố trí lực lượng hoặc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Không những thế, các trạm cân chưa được đưa vào hoạt động 24/24h và 7 ngày trong tuần. Mỗi khi trạm cân nghỉ thì lái xe điều khiển xe quá tải ồ ạt chạy qua gây mất trât tự ATGT như ở các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

Lực lượng CSGT  chỉ xử lý xe quá tải lỗi dừng đỗ rồi cho đi, không xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết, dọc QL1, tỉnh đã bố trí lực lượng lập trạm cân. Tuy nhiên, xe lại “dàn hàng” dài dọc đường để ép lực lượng CSGT ra điều tiết, phân làn. Lợi dụng lực lượng chức năng lơ là, lái xe ào ào 'phá' trạm cân.

Ngay sau khi trạm cân đi vào hoạt động, tại địa phương đã xuất hiện tình trạng “cò” dẫn đường “lách” trạm cân với giá từ 100.000-500.000 đồng/xe tải.

“Cò” dùng xe máy chạy trước hướng dẫn xe tải rẽ xuống đường liên xã men theo đường du lịch biển, rồi vòng lại QL1 để “né” trạm cân làm nhiều đoạn đường giao thông nông thôn ở huyện bị hư hỏng.

Thậm chí, một số đối tượng ‘cò’ cũng căn số lượng 6-7 xe quá tải vào trạm sẽ gây ùn tắc và sẵn sàng ra dấu hiệu để lái xe vượt qua trạm cân an toàn”, ông Trí nêu thực tế.

Sẽ xử lý nghiêm hành vi tiêu cực

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự ATXH (Bộ Công an) cho biết, muốn xử lý tận gốc xe quá tải, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện chủ trương tháo dỡ thùng xe cơi nới, thay đổi kích thước thùng xe, kiên quyết xử lý xe chở quá tải vi phạm trên đường.

Đề cập đến việc có DN vận tải nêu nếu lái xe không chở quá tải thì lấy đâu ra tiền để “nuôi” lực lượng chức năng trên đường, ông Nghị khẳng định: Hiện nay, người dân chỉ lên án người nhận tiền mãi lộ mà chưa nhắc đến người đút lót.

Quan điểm của Bộ Công an là không dung túng những hành vi tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ nhận tiêu cực.

 

{keywords}
Tình trạng xe chở quá tải vẫn diễn ra trên tuyến QL5 huyết mạch.

Trước phản ánh của báo giới về tình trạng nhiều đoàn “xe vua” chở quá tải vẫn ngang nhiên qua trạm cân mà không bị xử lý, Trung tướng Đỗ Đình Nghị cho biết, để xử lý xe vua, giám đốc công an tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an đã ký văn bản gửi giám đốc các Sở Công an địa phương và xác định việc xử lý nghiêm xe quá tải trọng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2014.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng bày tỏ quan điểm, trách nhiệm của các cơ quan đối với người thực thi công vụ là phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông cũng đặt câu hỏi ngược lại, nếu không chở quá tải thì việc gì phải mãi lộ? Tại sao không chở đúng tải? Nếu tuân thủ, không có lý do gì để người ta giữ lại kiểm tra?

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, không phải 100% các xe đều chở quá tải. Nhưng với tình hình hiện nay, các DN chở đúng tải không thể cạnh tranh được giá cước đối với xe chở quá tải.

Do vậy, chỉ có kiểm tra tải trọng xe thường xuyên liên tục để tạo sự cạnh tranh bình đẳng, đưa giá cước trở về giá trị thực thì những chi phí ngoài vận tải sẽ không còn hoặc sẽ hạn chế đến mức tối đa.

“Tôi hứa sẽ xử lý nghiêm nếu thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực là có căn cứ”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng cho biết, sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ chấm dứt không cho phép hoán cải xe và có lộ trình xóa với những phương tiện này lưu thông trên đường.

Đưa ra các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN cần phải thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm xe quá tải.

"Nếu năm nay Cục Đăng kiểm không quyết tâm đổi mới, chống tiêu cực thì toàn bộ lãnh đạo Cục đi làm việc khác và Cục trưởng đã cam kết. Cán bộ, kỹ sư đăng kiểm nhìn xe quá tải biết ngay, không có gì vô lý như người dân, phóng viên nhìn là biết mà đăng kiểm viên không biết", Bộ trưởng Thăng nói.

Vũ Điệp