- Hà Nội đang ở đỉnh của dịch sởi, BV Xanh Pôn quá tải gấp 3 lần vì số bệnh nhi sởi quá đông, hiện không còn đủ nhân lực để tăng cường cho khoa Nhi. Trong khi đó, khi dịch đã lan tràn (với hơn 7.000 ca mắc) và có tới 111 trẻ chết thì Bộ Y tế mới yêu cầu các địa phương tổ chức đánh giá tình hình dịch chính xác để có biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả!

>> Thủ tướng yêu cầu tập trung chống dịch sởi
>> Bộ trưởng Y tế: 'Chúng tôi không giấu dịch sởi'

Chưa hạ nhiệt

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, GĐ BV Xanh Pôn cho biết từ tháng 12/2013 đến 17/4 đã có 550 ca phát ban dạng sởi đến điều trị (chủ yếu là đến từ Hà Nội). BV đã dành hẳn khoa Nhi Tổng hợp để điều trị cho những ca bệnh nặng.

{keywords}
 
Hà Nội đang ở đỉnh dịch sởi, bệnh nhân tập trung nhiều về BV Xanh Pôn (Ảnh: C.Q)

Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Phó khoa Nhi Tổng hợp (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết thời điểm tháng 12/2013 mỗi ngày đều đặn 3-5 ca nhập viện do sởi.

Tình hình bắt đầu nóng lên từ sau Tết Nguyên đán khi mỗi ngày có 5-7 ca vào viện điều trị song sởi thực sự nóng, gây quá tải thì bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014.

Bộ Y tế yêu cầu địa phương đánh giá tình hình dịch “chính xác”

Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có công điện yêu cầu các Sở y tế tỉnh, thành phố trong cả nước giám sát chặt chẽ tình hình dịch sởi tại cộng đồng, phát hiện sớm và cách ly ca mắc, khoanh vùng dịch và xử lý triệt để ổ dịch.

Điểm đáng chú ý trong công điện là Thứ trưởng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá tình hình dịch một cách chính xác để có biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả.

Lúc này trung bình mỗi ngày số ca nhập viện tăng gấp đôi (từ 13-15 ca, có ngày 17 ca). Ngay trong sáng nay (17/4) đã có 9 ca sởi nhập viện, tất cả đều dưới 1 tuổi.

Hiện khoa đang điều trị cho 88 cháu với 5 ca phải thở oxy. Tại khoa tăng cường nhi có 10 bệnh nhân thì 2 trường hợp thở máy, 4 cháu phải thở oxy và 3 trẻ phải thở CPAP.

“Cả khoa chỉ có 40 giường bệnh nhưng đỉnh điểm phải điều trị cho 133 ca sởi, còn phổ biến từ 100-120 bệnh nhân. Cả khoa Nhi Tổng hợp được dành để điều trị cho bệnh nhi sởi, chỉ có 6 bác sỹ và 12 điều dưỡng làm việc không xuể nên BV phải huy động cả nhân lực của bộ phận khác song hiện cũng không còn nhân lực để tăng cường”, bác sỹ Nhân cho biết.

Thời gian đầu dịch, các ca nặng được chuyển lên BV Nhi TƯ. Nhưng nay BV này quá tải trầm trọng nên giải pháp chống quá tải bệnh nhân sởi của BV Xanh Pôn là phân loại ngay từ khoa khám bệnh những trẻ trên 1 tuổi và tình trạng ổn định thì được chuyển đến BV Đống Đa, BV Xanh Pôn chỉ điều trị cho các cháu nhỏ dưới 1 tuổi và nặng.

Dịch sởi tại Hà Nội đã lan tràn khắp 30 quận, huyện nhưng số mắc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, báo cáo của ngành y tế Hà Nội lại cho rằng mỗi tuần số mắc giảm dần đều từ 10-20%!

Bộ Y tế: Thiết lập khu điều trị sởi riêng

Theo ghi nhận của PV, phòng cấp cứu của khoa Nhi Tổng hợp chiều 17/4 liên tục đón nhận bệnh nhân đến khám với các dấu hiệu điển hình của sởi như bị phát ban, sốt cao,…

Anh Nguyễn Cao Cường (trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) năm nay 34 tuổi và vừa điều trị khỏi bệnh sởi ở BV Bạch Mai thì đến lượt con gái Nguyễn Quỳnh Anh 6 tháng tuổi sốt, phát ban phải đưa vào BV khám.

{keywords}
 
Cháu Bùi Hà Linh (7 tháng tuổi, đến từ huyện Đan Phượng) bị nhiễm sởi sau khi điều trị xong viêm phổi. Trong buồng cấp cứu có khá nhiều trường hợp tương tự cháu Linh vì bị lây chéo (Ảnh: C.Q)
 

Trong khu vực điều trị nội trú, mỗi giường bệnh đều nằm ghép 2-3 cháu, thời tiết nóng ẩm ngột ngạt khiến cha mẹ phải bế các cháu ra ngoài hành lang đứng.

“Có thời điểm 12 máy thở được sử dụng hết công suất, các họng oxy được bổ sung hàng loạt để cho bệnh nhân thở. Khoa tim mạch đã phải chuyển bộ phân siêu âm và điện tim ra khu vực khác để lấy chỗ điều trị bệnh nhân phát ban dạng sởi”, GĐ BV Xanh Pôn cho hay.

Trước tình trạng lây chéo trong BV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các BV thiết lập khu vực riêng để khám và điều trị bệnh nhân sởi, có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh, khám sàng lọc và phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh, hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây chéo.

Cẩm Quyên