- Ngày 19/4, Phái đoàn Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường dẫn đầu đã phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thị sát tình hình tiếp nhận, điều trị bệnh sởi tại 3 bệnh viện Nhi Đồng1, Nhi Đồng 2 và Nhiệt Đới.

Bệnh nhẹ vẫn xin nằm viện

{keywords}

Thứ trưởng Lê Quang Cường thăm các bệnh nhi sởi nặng. Ảnh: Thanh Huyền.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến ngày 17/4, có 1.002 ca nhập viện điều trị sởi.

Số ca bệnh vẫn tăng liên tục qua 3 tháng đầu năm với: 178 ca - tháng 1; 238 ca - tháng 2; 348 ca - tháng 3 và trong nửa đầu tháng 4 là 238 ca.

Số ca nội trú chiếm 60% tổng số ca mắc sởi. Trong đó, 11,7% (117 ca) biến chứng viêm phổi. Số bệnh nhi ở TP.HCM chiếm 57,3%; còn lại 42,7% là bệnh nhi từ tỉnh đến khám.

Hiện tại, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 35 trẻ đang điều trị nội trú, với 11 ca viêm phổi.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhiều bệnh nhi từ tỉnh lên khám, xin nhập viện vì lý do tâm lý, chứ thực tế bệnh chưa tới mức nặng như vậy. Bác sĩ đã giải thích, khuyên nhưng gia đình bệnh nhân không yên tâm, cứ đòi nằm viện.

“Sau khi điều tra bệnh sử, chúng tôi ghi nhận chỉ có 2% bệnh nhi mắc bệnh sởi được tiêm chủng đầy đủ. Còn 98% còn lại chỉ tiêm được 1 mũi đầu.”, bác sĩ Khanh nói.

Tại bệnh viện Nhi đồng 2, hiện có 74 bệnh nhi sởi nhập viện. Trong đó 8 ca biến chứng viêm phổi nặng.

Tình hình tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM ngoài bệnh nhân sởi trẻ em, nơi đây tiếp nhận cả trường hợp mắc sởi là người lớn.

Từ đầu năm đến ngày 18/4, bệnh viện tiếp nhận 938 trường hợp mắc sởi, tăng hơn 62 lần so với cùng kỳ năm 2013 (15 bệnh nhân).

Trong đó, có đến 90% (843 ca) nhập viện điều trị nội trú, so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ có 1 ca nhập viện.

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 54 bệnh nhân nằm viện điều trị sởi (33 trẻ em và 15 người lớn).

Cũng giống như ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, nhiều bệnh nhân bị sởi nhẹ chưa tới mức nhập viện cứ xin ở lại, không chịu về nhà điều trị. Vì bệnh nhân quá tha thiết nên bệnh viện không thể từ chối.

Nhiều ca nặng được điều trị hiệu quả

{keywords}

Lãnh đạo Bộ Y tế hỏi thăm một trường hợp mắc sởi. Ảnh: Thanh Huyền.

Sau khi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhận thấy tuy lượng bệnh có đông nhưng các bệnh viện đã tổ chức, điều trị khá bài bản, chuyên nghiệp.

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã bố trí riêng 2 phòng bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhi sởi để cách ly hoàn toàn khoa nhiễm.

Khi lượng bệnh tăng cao thì bệnh viện này mở rộng khu cách ly cho đến hết phòng cấp cứu khoa nhiễm.  

Hiện khoa nhiễm đã bố trí gần 150 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân tới điều trị.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã thực hiện cách ly bệnh nhân sởi nằm ở khu vực riêng và theo từng phòng tùy mức độ nặng nhẹ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo sởi cũng cần cách ly như cúm, vì thế chưa cần thiết thì người bệnh nên điều trị tại nhà, tránh lây chéo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đề nghị các bệnh viện cần làm thêm việc phân luồng bệnh nhân ngay tại phòng khám để tránh lây nhiễm sởi; tư vấn cho phụ huynh cách phòng bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền cho phụ huynh nên chăm sóc trẻ bị bệnh sởi nhẹ tại nhà, tránh dồn lên các bệnh viện gây quá tải, dẫn đến lây nhiễm chéo, tạo ổ dịch trong bệnh viện. Các bé có bệnh nền nhiễm sởi sẽ chuyển nặng hơn làm tình hình sởi đã “nóng” còn thêm nguy hiểm.

“Tại TP.HCM chưa có ca sởi tử vong nào. Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đều có giải pháp điều trị tốt, chuyên môn cao. Đặc biệt các bệnh viện điều trị ca bệnh nặng có biến chứng có hiệu quả, không để tử vong. Một số mô hình điều trị, sàng lọc bệnh tại TP.HCM sẽ được Bộ Y tế phổ biến kinh nghiệm với các tình, thành.”, Thứ trưởng Cường nhận định.

Thanh Huyền

Mẹ là bác sĩ khám sởi, lây cho thai nhi

Ngày 19/4, Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết bệnh viện mình đang theo dõi một bé sơ sinh bị lây sởi từ mẹ làm bác sĩ.

Bé mới vừa sinh ra, tới nay mới được 12 ngày tuổi.

“Chúng tôi nghi cháu bé nhiễm sởi do mẹ truyền sang con trong thời gian ủ bệnh.”, bác sĩ Việt nói.

Được biết, sản phụ là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.

Khi mang thai, chị có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm sởi.

Ngày 1/4,  nữ bác sĩ này sinh em bé, đến ngày 7/4 chị xuất hiện phát ban bệnh sởi. Sau đó, ngày 12/4, con chị cũng có dấu hiệu bệnh sởi.

Bệnh viện đã làm xét nghiệm cho em bé và đang tích cực điều trị.

Có thể nói đây gần như là trường hợp nhỏ tuổi nhất ghi nhận bị mắc sởi từ khi dịch sởi bùng phát tới giờ.