– Mang thai tuần thứ 35 nhưng bị nhiễm cúm A/H1N1, thai phụ bị biến chứng nặng phải cấp cứu ở BV Bạch Mai. Rất may cuối cùng 2 mẹ con bệnh nhân cũng qua khỏi.

Bệnh nhân là chị Bùi Thị Lan Hương (30 tuổi, trú tại xóm Mũ, thôn Chợ, Thống Nhất, Hoành Bồ, Quảng Ninh). Chị Hương có tiền sử khỏe mạnh, đã có một con 14 tháng tuổi, lần này mang thai tuần thứ 35.

Bệnh nhân được chuyên đến khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch: suy hô hấp nặng (phải thở bằng máy với 100% oxy, Xquang phổi thấy tổn thương gần hết. Các bác sỹ chẩn đoán chị bị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) – viêm phổi do cúm A trên thai 35 tuần. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.

{keywords}
Được ra viện trong ngày 23/4 để trở về với cuộc sống bình thường, chị Hương cảm động: “Các y bác sĩ  là người đã hồi sinh sự sống cho hai mẹ con tôi. Tôi không nghĩ mình có thể qua cơn nguy kịch để hôm nay đứng đây nói lời cảm ơn đến mọi người”.

Bệnh nhân sau đó đã được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy với các biện pháp tốt nhất để cải thiện oxy máu (PEEP cao, huy động phế nang, nằm nghiêng…), thuốc kháng virus (Tamiflu) sớm, kháng sinh và lọc máu liên tục để loại bỏ các yếu tố làm nặng bệnh.

Sau 1 ngày, tình trạng tồi hơn, nguy cơ tử vong cả mẹ và con. BV Bạch Mai đã nhanh chóng hội chẩn toàn viện quyết định mổ lấy thai để cứu thai và mẹ. Sau khi mổ lấy thai, 1 nhóm các bác sĩ và điều dưỡng sơ sinh đón cháu bé ngay tại phòng mổ và tiến hành hỗ trợ hô hấp cho bé (thở máy và chăm sóc đặc biệt 4-5 ngày…). Sau đó tình trạng tiến triển tốt hơn.

Về phía mẹ, tình trạng tổn thương phổi tiến triển nhanh hơn đến mức nguy kịch, oxy trong máu rất thấp, không đáp ứng với thở máy với nồng độ oxy tối đa, xuất hiện thêm tràn khí màng phổi cả hai bên nên phổi không còn khả năng trao đổi oxy.

Bệnh nhân nhanh chóng bị đẩy vào trạng thái cực kỳ nguy kịch, không còn khả năng cứu chữa (phổi không còn nơi để trao đổi khí). Các bác sỹ nhanh chóng mở màng phổi cả hai bên để dẫn lưu khí bằng hai dẫn lưu rất lớn, hút khí liên tục, điều chỉnh liên tục các thông số máy thở để bệnh nhân không tử vong.

Ban giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã quyết định áp dụng kĩ thuật “tim phổi nhân tạo tại giường” cho bệnh nhân. Kĩ thuật “tim phổi nhân tạo tại giường - ECMO” đã được áp dụng tại khoa Hồi sức tích cực để cứu sống hàng chục bệnh nhân viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, ngừng tim trong 2 năm vừa qua nhưng đây là lần đâu tiên áp dụng hỗ trợ phổi (“phổi nhân tạo”) cho một bệnh nhân tổn thương phổi nặng do cúm A.

Từ ngày 26/3, bệnh nhân được tiến hành kĩ thuật ECMO với nhiều khó khăn do tình trạng bệnh nhân phức tạp. Sau thuận lợi ban đầu là những thức thách nối tiếp nhau như loạn nhịp tim phức tạp, rối loạn đông máu nặng nề (có những ngày đã truyền đến gần 3000 ml các chế phẩm máu). 

Tuy nhiên sau 12 ngày thì phổi bệnh nhân hồi phục (xquang phổi tốt hơn, oxy trong máu tốt hơn) nên đã quyết định dừng hỗ trợ “phổi nhân tạo”.

Được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực sau đó cho thấy bệnh nhân không sốt, tự thở khí trời hoàn toàn không cần hỗ trợ hô hấp nào khác, dừng hết các thuốc, đánh giá không thấy có biến chứng gì.

C.Quyên