- Ngày 25/4, bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đã dẫn đầu đoàn giám sát HĐND thành phố làm việc với Sở Y tế để nắm rõ tình hình thực hiện chính sách xã hội hóa tại các bệnh viện công lập. Tại đây, nhiều đại biểu chỉ rõ những tồn tại của hình thức này cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Tỷ lệ ăn chia “bất thường”

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đặt câu hỏi khi thấy có nhiều “bất thường” trong mô hình XHH của BV Thanh Nhàn.

Cụ thể như “Tại sao Thanh Nhàn là BV công lại có mô hình công - tư đan xen?”; “Thời gian ký hợp đồng quá dài hơn 20 năm và tỷ lệ hưởng quá cao từ 80 - 85%”; “Tại sao BV không có máy móc mà chỉ có máy móc XHH?”; “Lợi ích của nhà đầu tư trên BV thì đời sống của cán bộ nhân viên ra sao?”…

Bà Nguyễn Thị Thùy - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND chỉ rõ nhiều bệnh viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa không đúng với danh mục và định hướng như quy định.

{keywords}
Quang cảnh buổi làm việc 

“Nhà đầu tư chủ yếu đổ tiền vào lĩnh vực thu hồi vốn nhanh, sinh lời cao. Có những bệnh viện nhà đầu tư làm từ A đến Z, người bệnh phải bỏ tiền ra mua vật tư tiêu hao dẫn đến nhiều hoàn nghi, thắc mắc”, bà Thùy nêu.

Bà Thùy đề nghị Sở Y tế Hà Nội cho biết rõ những hạn chế của Bệnh viện Thanh Nhàn đã được khắc phục như thế nào và các bệnh viện khác ra sao. Ngay cả việc Thanh tra Chính phủ kết luận đề án xã hội hóa nhà ăn dinh dưỡng ở bệnh viện Thanh Nhàn không phải là xã hội hóa, bà Thùy cũng yêu cầu Sở Y tế cho biết rõ cụ thể đó là hình thức nào.

“Quá trình giám sát chúng tôi thấy dịch vụ xã hội hóa ở nhiều bệnh viện đang đang tự đặt ra nhiều loại giá cao hơn quy định. Nhiều bệnh viện điển hình như Thanh Nhàn đầu tư thiết bị không đầy đủ dẫn tới việc lệ thuộc vào thiết bị xã hội hóa. Đề nghị Sở Y tế cho biết có tình trạng lạm dụng việc khám chữa bệnh theo yêu cầu hay không”, ông Đỗ Trung Hai - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở Y tế Hà Nội làm rõ.

Theo ông Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội dịch vụ xã hội hóa ở nhiều bệnh viện người bệnh gần như bị áp đặt giá.

“Vai trò của Sở Y tế thế nào, ai là người điều tiết việc này để đảm bảo lợi ích của người bệnh. Xã hội hóa cũng phải phát huy tính nhân văn và hạn chế thấp nhất tính thương mại, đặt lợi nhuận lên trên đầu bệnh nhân”, ông Lợi nói.

Vấn đề bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm là tại sao cùng một kỹ thuật, loại bệnh, loại máy nhưng mỗi bệnh viện lại thu một giá và cách chia lợi nhuận cũng khác nhau.

Ngoài ra, bà Thanh cho biết, cũng có viện dự án hợp tác 10 năm nhưng mới làm chưa đến 3 năm nhà đầu tư đã thu hồi vốn.

“Như vậy nhà đầu tư rất có lợi và phải chăng chính người bệnh phải chịu thiệt?”, bà Thanh nói.

Vì lợi nhuận, bỏ mặc bệnh nhân?

Ông Trần Văn Trung - Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Y tế Hà Nội) giải thích nhà đầu tư chỉ quan tâm về lợi nhuận, còn “chúng ta” quan tâm về vấn đề chất lượng khám chữa bệnh.

Theo ông Trung không thể ép các bệnh viện chia lợi nhuận giống nhau được vì mỗi nơi có một cách tính riêng phụ thuộc vào địa điểm, số lượng bệnh nhân từ đó các bên tự thỏa thuận với nhau.

Do vậy, ông Trung khẳng định các viện chia lợi nhuận khác nhau là hoàn toàn phù hợp.

Còn ông Lê Hường - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch (Sở Y tế) cho biết, trong các văn bản đều nói rõ giá do đơn vị tự quyết định sau khi thỏa thuận với đối tác.

“Nhà đầu tư vào bệnh viện người ta phải tính đến lợi nhuận. Thậm chí nhiều thứ họ tính theo hướng có lợi mới làm”, ông Hường giải thích.

Không hài lòng cách trả lời của Sở Y tế, ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND yêu cầu Sở Y tế Hà Nội giải thích rõ: “Hình thức cho nhà đầu tư đặt máy - vậy mặt bằng của viện không phải là góp vốn thì gọi là hình thức gì?”.

Ông Trần Văn Trung trả lời: “Người ta nói đó là bệnh viện thuê thiết bị”.

Ông Nam cho rằng, thuê thiết bị là khác, mà ở đây đang bị đánh tráo khái niệm.

Trước những vấn đề đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nêu, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xin nhận trách nhiệm trong việc chỉ đạo và hướng dẫn các bệnh viện thực hiện theo hình thức xã hội hóa và cũng vì chưa tính hết những rủi ro đó.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, nhiều khi bệnh viện cũng phải “hi sinh” phần của mình để nhà đầu tư đem máy móc vào thu hút bệnh nhân, từ đó thu những khoản khác.

Chốt lại buổi giám sát, bà Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, đối với dự án không hiệu quả phải dừng giữa chừng nhưng xử lý lại không đến nơi đến chốn, điển hình đó là đề án nhà ăn bệnh viện Thanh Nhàn.

“Vài chục dự án như vậy có những dự án không hoàn thành là bình thường nhưng cái chúng tôi muốn là phải xử lý dứt điểm - thanh lý hợp đồng đó để thực hiện dự án khác. Đây là vấn đề tôi mong Sở Y tế khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nói.

Linh Chi