- Sốt xuất huyết đã có 37 ca mắc và nếu theo đúng chu kỳ dịch 5 năm 1 lần thì năm 2014 dịch này sẽ quay trở lại. Trong khi đó, sởi vẫn chưa hạ nhiệt, tay chân miệng rất đáng lo vì không có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè do Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 5/5.

Lo bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng không chỉ “nóng” ở miền Nam. Tại Hà Nội, tính đến ngày 4/5 đã có 192 ca mắc tay chân miệng tại 26/30 quận huyện, số mắc giảm 41,6% so với cùng kỳ 2013.

Trong tháng tới bệnh tay chân miệng dự báo sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi chưa có biện pháp đặc hiệu để phòng bệnh.

{keywords}
Dịch tay chân miệng là nỗi lo của ngành y tế do không có vắc xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong lại cao hơn sởi (Ảnh: VietNamNet)

Ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ TT Y tế dự phòng Hà Nội nhận định sởi còn có vắc xin nhưng phòng chống tay chân miệng sẽ khó khăn hơn do không có vắc xin, không có điều trị đặc hiệu nên mọi công tác phòng chống phải sẵn sàng từ bây giờ.

Những hoạt động cụ thể sẽ phải triển khai bao gồm tăng cường truyền thông sớm, hoạt động hệ thống giám sát, thực hiện tốt công tác điều tra dịch tễ, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và xử lý môi trường tại các ổ dịch; Thực hiện các biện pháp liên ngành chống dịch...

Công tác phòng chống dịch tay chân miệng được đặc biệt lưu ý ở các trường học. Ông Cảm khuyến cáo ngoài vệ sinh môi trường, phòng học, ăn uống thì cần vệ sinh sạch sẽ cả đồ chơi của trẻ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Với dịch sởi, tính tới thời điểm này đã có trên 4.000 ca sốt phát ban nghi sởi với khoảng trên 1.500 ca dương tính. Công tác tiêm vét vắc xin sởi vẫn tiếp tục được triển khai và tính tới ngày 5/5 thì tỉ lệ tiêm vét vắc xin sởi đã đạt mốc 98,3% - một con số mà ông Cảm đánh giá là đã nói lên được những nỗ lực rất lớn của Thủ đô trong thời gian qua.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế HN nhận định với bệnh sởi số tử vong sẽ vẫn còn do tại BV Nhi TƯ vẫn còn hơn 10 bệnh nhân nặng là người Hà Nội, đã thở máy dài ngày. 

Sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch theo chu kỳ

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết với dịch sốt xuất huyết, năm 1998 đã có 1 đỉnh dịch và đỉnh dịch gần nhất là năm 2009. Với chu kỳ của dịch là 5 năm 1 lần thì có khả năng số mắc sốt xuất huyết năm nay sẽ tăng.

Điều khó nhất là sốt xuất huyết không có vắc xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên rất khó dự báo diễn biến (tác nhân gây bệnh là muỗi, phụ thuộc nhiều yếu tố môi trường ….)

{keywords}

Môi trường ô nhiễm là một trong những yếu tố thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết phát triển (Trong ảnh là bãi rác ứ đọng nước thải tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội , được chụp năm 2009. Trong năm 2009, sốt xuất huyết đã bùng phát mạnh tại địa bàn này với 142 ca mắc trong vòng 2 tháng - (Ảnh: Cẩm Quyên)

Theo thông báo của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm 2014 số mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kì năm 2013 ở 3 khu vực miền Nam, Tây Nguyên và miền Trung nhưng số mắc có xu hướng tăng trong các tuần gần đây tại miền Nam và tăng 13% so với cùng kì 2013 ở khu vực miền Bắc.

Số mắc ở miền Bắc chủ yếu tập trung ở Hà Nội (52%) và Thái Bình (34%). Tính đến 5/5/2014, Hà Nội ghi nhận 37 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong với 2 ổ dịch. Số mắc giảm so với cùng kì năm 2013 (2013 có 56 ca và 6 ổ dịch), bệnh nhân xuất hiện tại 47% quận, huyện và 5% xã phường.

TT Y tế dự phòng Hà Nội nhận định: Mặc dù 4 tháng đầu năm số ca mắc, số quận huyện và xã phường có bệnh nhân giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng dự báo năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009 (năm bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội) cùng với các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội chưa được giải quyết triệt để như: Thiếu nước sạch, tích trữ nước, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trường xây dựng dang dở, … nên có khả năng dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không quyết liệt.

Vì thế, ngay từ thời điểm này, ngành y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết như tổ chức 30 chiến dịch phun hóa chất trên diện rộng để diệt muỗi, vệ sinh môi trường, chuẩn bị hóa chất, máy phun và tăng cường truyền thông để người dân biết, chủ động phối hợp phòng chống.

Phê bình quận, huyện không dự hội nghị

Hội nghị sáng 5/5 dù bàn về nhiều dịch bệnh “nóng” đang và sẽ xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng có một số quận, huyện không tham dự (kể cả những địa bàn đang là điểm nóng về dịch).

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết trong lúc chống dịch cập rập, cấp bách như hiện nay thì việc họp hành cần cải tiến song hội nghị sáng 5/5 có tính chất quan trọng nên buộc phải triệu tập để trao đổi, phổ biến trực tiếp.

Các quận, huyện không có đại diện tham dự hội nghị sẽ bị phê bình, quận huyện nào không có người tới dự hội nghị mà có vấn đề gì về phòng chống dịch thì sẽ kỷ luật, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

“Mà cũng phải kỷ luật một vài đồng chí để làm gương”, ông Hạnh nói.

Cẩm Quyên