Một trong những thay đổi rõ rệt đó là khách hàng đi du lịch theo tour đã quan tâm đến những thị trường gần nhiều hơn. Chị Vân Hà – nhân viên một công ty du lịch - cho biết: “Trước đây, công ty tôi thường tư vấn cho khách mua các tour Âu, Mỹ với những lịch trình hấp dẫn nhưng hiện nay chủ trương của lãnh đạo là tập trung lôi kéo khách vào các tour châu Á.
Khách hàng gọi điện đến công ty tìm hiểu đa số cũng quan tâm đến tour châu Á hơn. Một phần vì thị trường du lịch châu Á đang được xúc tiến mạnh hơn, một phần vì túi tiền của người dân Việt Nam phù hợp với các tour gần hơn tour xa, nhất là trong tình hình giá cả đắt đỏ hiện nay”.
Chị Vân Hà cũng giải thích thêm: “Thực ra giá tour outbound không có nhiều biến động mà nhu cầu du lịch của người dân tăng lên, trong khi giá cả cũng tăng theo nên họ chọn những tour có giá hợp lý để vẫn thoả mãn nhu cầu mà không phải chi ra khoản tiền vượt mức cho phép”.
Chị Nguyễn Phương Hà – Nhà CT2B Khu đô thị Mỹ Đình II Hà Nội xác nhận điều này: “Cuối năm ngoái, hai vợ chồng và các anh chị em họ đã quyết định sẽ đi châu Âu vào dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay. Tuy nhiên, tháng trước thì cả nhà đã họp bàn là nên thay đổi hành trình. Mọi thứ giá cả đều tăng, mỗi người bỏ ra hơn 90 triệu để đi thì kể cũng lãng phí quá dù tiền thì đã chuẩn bị cả rồi. Cuối cùng thì cả nhà đi đến thống nhất là chọn Hàn Quốc, số tiền đã tiết kiệm còn lại có thể chi cho việc mua sắm nhiều hơn”.
Bà Đoàn Thanh Trà - đại diện Saigontourist cũng cho biết các tour ngắn ngày đến những thị trường gần đang được mua nhiều nhất tại hãng. Điển hình như các tour đi Campuchia, Thái Lan, Thẩm Quyến, Nam Ninh, Hồng Kông... Đặc biệt, riêng trong đợt nghỉ lễ sắp tới có gần 1.000 khách đăng ký đi Campuchia theo lịch trình 4 ngày với giá từ 4,1-4,6 triệu đồng/người.
Một trong những nguyên nhân khiến các hãng lữ hành tăng giá tour mạnh tay là vì họ biết khách hàng tìm đến với họ đa số là người khá giả. Do đó, việc tăng giá tour không làm ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của khách cũng như không vì giá tour cao mà khách yêu cầu giảm bớt dịch vụ và tiện nghi để giảm chi phí.
Một trong những thay đổi là du khách chọn những tour ngắn hơn. (Ảnh: Ngọc Thành-Báo Tổ quốc). |
Anh Hoàng Công Thắng – Giám đốc Công ty Kiến trúc HCT cho biết: “Theo quy định của công ty, mỗi năm toàn bộ nhân viên được đi du lịch một lần. Thông thường thì chúng tôi mua tour cho tiện lợi nhất, vừa không phải lo tổ chức chương trình vừa không phải lo quản lý toàn đoàn hay tìm chỗ ăn uống.
Tuy nhiên năm nay chúng tôi tự tổ chức cho nhân viên đi, mỗi người bớt chút thời gian để lo chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, lên lịch trình vui chơi nhưng bù lại thì tiết kiệm được khoản đáng kể. Riêng tiền phòng đã tiết kiệm được 1/3 nhờ ở ghép nhiều người và nhu cầu của mọi người không cần ở khách sạn quá nhiều sao. Nếu đi theo tour thì riêng tiền phòng và tiền ăn uống tại khách sạn đã đội lên nhiều lần”.
Với các du khách trẻ
tuổi thì du lịch ‘bụi’ luôn là lựa chọn số 1 bởi tính năng động và tiết kiệm
của nó. Phạm Vân Anh – nhân viên PR công ty Triều Nhật cho biết: “Tôi chưa
bao giờ nghĩ đến việc mua tour bởi như thế mình không chủ động được việc
mình đi đâu, làm gì. Trong thời đại internet hiện nay, mối quan hệ của mỗi
người mở rộng rất nhiều, vượt cả ra ngoài biên giới quốc gia hay châu lục
nên việc đi lại ở một nơi xa lạ nào đó không còn khó khăn như xưa.
Nhiều người trẻ lại chọn du lịch bụi trong thời kì "bão giá". (Nguồn: camnangdulich.com) |
Chị Vân Anh cũng khẳng định: việc đi du lịch theo hình thức tự tổ chức cũng là phương thức tránh “bão giá” tốt nhất. “Nếu bạn không muốn ở khách sạn 3 sao, bạn có thể tìm đến khách sạn 2 sao, thậm chí là không sao. Bởi đi du lịch, chỗ ở chỉ cần sạch sẽ, đẩy đủ chứ không cần quá tiện nghi, sang trọng.
Riêng ăn uống thì các nhà hàng thường không hợp với sở thích ăn uống của người trẻ. Chưa kể, nếu bạn không muốn ăn thì vẫn còn tiền đó, nhưng nếu đi theo tour thì ăn hay không bạn cũng bị tính tiền rồi”.
Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn chọn mua tour theo hình thức free&easy với giá tour chỉ bao gồm dịch vụ đi lại và ăn ở thay vì mua tour trọn gói. Các chi phí khác phải tự túc nhưng cũng giúp du khách tiết kiệm đáng kể.
Song, nhiều hãng lữ hành không khuyến khích hình thức du lịch này và không tổ chức loại hình này với lý do rủi ro cao.
Khách hàng mua tour outbound theo gói free$easy rất dễ vướng phải chuyện lạc đường, gặp rắc rối với chính quyền sở tại do không hiểu luật hay phải chấp nhận giá dịch vụ quá cao do việc tăng giá bất ngờ…
Những rủi ro này dù không thuộc trách nhiệm của nhà điều hành tour nhưng cũng khó mà đứng ngoài cuộc để khách hàng tự giải quyết.
Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, việc du khách đi du lịch tự túc ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân đẩy các giá cả dịch vụ tại các điểm du lịch nóng tăng lên và nuôi dưỡng nạn “chặt chém”.
“Nếu các du khách đều đi du lịch có tổ chức, có điều hành với mọi dịch vụ đều được đặt chỗ trước và cam kết về giá cả thì chắc chắn sẽ không có tình trạng chặt chém hoành hành như hiện nay. Sở dĩ giá tour của lữ hành tăng cũng một phần do nạn tăng giá bừa bãi tại các tuyến điểm du lịch mà chính du khách tự do đã làm cơ sở vững chắc cho tâm lý tăng giá vẫn cháy hàng” - Chị Vân Hà bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, với giá tour hiện tại, để thuyết phục được khách hàng từ bỏ thói quen đi du lịch tự túc mà đi theo tour thì rất khó. Nếu như các doanh nghịêp kinh doanh du lịch không chấp nhận chia sẻ thiệt hại để “lấy lòng” du khách, tạo nguồn khách thân tín cho tương lai.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - đại viện Vietravel thì cho rằng: “Điều cần nhất lúc này là nhà quản lý có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ tầm vĩ mô, như chính sách về visa hay các chương trình quảng bá, xúc tiến điểm đến để giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các hãng lữ hành – nhà hàng – khách sạn – hãng vận chuyển cần phải liên kết với nhau để giảm giá, giữ giá, chia sẻ thiệt hại, chống lại nhóm kinh doanh ‘mùa vụ’, ‘ăn xổi’ thì mới có thể thay đổi tình trạng “té nước theo mưa”, cứ xăng tăng là mọi thứ tăng như hiện nay. Nhờ thế mới có thể khai thác được nguồn khách lớn và tăng trưởng ổn định”.
Theo Loan Nguyễn (Báo Tổ quốc)