- "Tôi cho rằng, cơ quan dự thảo tuyệt đối đừng phức tạp hóa Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần tham khảo Luật Người cao tuổi Việt Nam" - phân tích của KS Nguyễn Thành Lập khi tham gia diễn đàn trên VietNamNet. 

Mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành ở nước ta đối với những người lao động căng thẳng, nặng nhọc, hoặc có tính “hiểm nguy” như: Phi công quân sự, thủy thủ tàu viễn dương, Bộ đội, Công an… có thể trước 60 (với nam), trước 55 (với nữ); ngoài ra, còn một số người đã được nghỉ hưu trước tuổi 60 (với nam); trước tuổi 55 (với nữ) theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP và Nghị định 155/ 2004/NĐ-CP của Chính phủ; tuy nhiên, tôi cho rằng tuổi nghỉ hưu (hiện hành) vẫn bất cập và biển lận ở ba vấn đề.

{keywords}
Ảnh min họa: Dân trí

Thứ nhất, tuổi nghỉ hưu thông thường, nam muộn hơn nữ 5 năm (nam 60, nữ 55). Trong khi đó ở nước ta hiện nay, tuổi thọ trung bình: 69 (với nam); 74 (với nữ).

Như vậy cùng một năm sinh, phụ nữ thường chết sau nam giới 5 năm. Đã thế, phụ nữ lại được nghỉ hưu (đồng nghĩa với được nghỉ ngơi) trước nam giới 5 năm?

Và còn không ít người quan niệm rằng: Nếu quy định tuổi nghỉ hưu nữ cũng như nam (đều 60)-là chẳng quan tâm đến chị em phụ nữ… Quan niệm như thế phiến diện-chưa đầy đủ. Tôi được biết ở CHLB Đức-một nước công nghiệp phát triển, người dân có mức sống và tuổi thọ cao, họ quy định 65 tuổi-nghỉ hưu, không phân biệt nam hay nữ.

Thứ hai, đất nước ta đã hoà bình, thống nhất 39 năm rồi. Trừ số ít quan chức, cán bộ lãnh đạo quản lý mà “vô lo vô nghĩ, mới đặt mình nằm đã gáy o o”, ăn uống vô độ, để cho thân thể, mặt mày phì nộn như quan Phụ mẫu thời Phong kiến, thì không nói làm gì.

Nhưng nhiều người “lao tâm khổ tứ” thực sự, phải giữ chức vụ rất nặng nề (từ Thứ trưởng, Bộ trưởng trở lên), lại “không được” nghỉ hưu ở tuổi 55, 60 mà mãi đến ngoài 60, hoặc ngoài 65 tuổi mới được nghỉ. Thậm chí có người chưa được cầm sổ hưu họ đã chết.

Như thế thật thiếu công bằng lao động và thiếu cả tính nhân đạo. Người giữ chức vụ nặng nề (Thứ trưởng, Bộ trưởng…), lại “phải” nghỉ hưu sau cán bộ, chuyên viên thường? Có thể ví như người gánh nặng, lại được nghỉ ngơi sau người gánh nhẹ?…

Thứ ba, chúng ta chưa phổ biến rộng rãi, rõ ràng (nếu không muốn nói là biển lận) cho toàn thể nhân dân biết “trần” quy định tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ lãnh đạo cấp cao (từ Thứ trưởng, Bộ trưởng trở lên) với cán bộ, chuyên viên, công chức, công nhân viên thường. Đặc biệt là tuổi nghỉ hưu trong chiến tranh và hoà bình có khác nhau.

Thí dụ chiến tranh vệ quốc, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho ngày toàn thắng; tuổi về hưu có thể kéo dài. Nhưng hòa bình rồi, cần quy định nghỉ hưu đúng tuổi.

Và sau khi được nghỉ hưu; ai còn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn tự do lao động phù hợp, hoặc tham gia các tổ chức: Hội, Mặt trận… nhằm cống hiến cho đất nước đến hơi thở cuối cùng.

Riêng đảng viên khi nghỉ hưu, hàng tháng vẫn phải đóng Đảng phí và tham gia sinh hoạt Chi bộ ít nhất một buổi (nếu như còn sức khỏe)-là đương nhiên rồi.

Đặc biệt thời sự hiện nay, cơ quan chức năng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sẽ trình Quốc hội trong tháng 5/2014), đang được nhân dân quan tâm và đồng tình nhất là tuổi nghỉ hưu của nữ đã (dự thảo) nâng lên 60 (theo phương án 2).

Song tôi cho rằng, cơ quan dự thảo tuyệt đối đừng phức tạp hóa Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần tham khảo Luật Người cao tuổi Việt Nam. Chẳng hạn Luật Người cao tuổi Việt Nam đã quy định: người đủ 60 tuổi-là người cao tuổi (được nghỉ ngơi). Thế mà lại dự thảo tuổi nghỉ hưu là 62 không phân biệt nam nữ (theo phương án 1). Và theo phương án 2, tuổi nghỉ hưu của nam vẫn là 62. Như vậy bắt buộc cả người cao tuổi thông thường phải làm việc là không đúng, thiếu nhân đạo.

Kiến nghị cơ quan dự thảo, chỉnh sửa: quy định tuổi nghỉ hưu thông thường là 60 (không phân biệt nam hay nữ). Dĩ nhiên, có tính đến đặc thù của phụ nữ lao động trí óc-“lao động bàn giấy” với phụ nữ lao động chân tay. Kể cả điều kiện sức khoẻ sẽ rất “khắc nghiệt” ở tuổi tiền mãn kinh và Thiên chức làm mẹ. Cho nên phụ nữ đủ tuổi 55, đủ năm công tác, nếu ai tự nguyện gửi đơn xin nghỉ hưu-thì được nghỉ hưu.

Về “trần” tuổi nghỉ hưu cao nhất, cần quy định 65 (không phân biệt nam, nữ)-đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao (từ Thứ trưởng, Bộ trưởng trở lên). Đi đôi với quy định “sàn” tuổi được nghỉ hưu-nếu họ (cán bộ lãnh đạo cấp cao) làm đơn xin nghỉ, khi đủ 60 tuổi (đối với nam) và khi đủ 55 tuổi (đối với nữ); để góp phần công bằng lao động, xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh trong đất nước hòa bình.

Kỹ sư Nguyễn Thành Lập