- Sởi vẫn ở mức cao, các bệnh nhiễm khác trỗi dậy thành dịch chồng dịch. Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao y tế thành phố làm tốt dự phòng mà dịch vẫn…tăng?

Do vệ sinh môi trường kém

Sáng 7/5, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức cuộc họp giao ban các quận, huyện về diễn tiến của dịch bệnh trên địa bàn.

Theo ghi nhận, đa số các quận, huyện đều báo cáo đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo nhưng các ca bệnh vẫn gia tăng.

{keywords}
Sởi vẫn chưa hề hạ nhiệt tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Huyền.

Từ khi dịch sởi bùng phát, Sở Y tế TP. đã triển khai tiêm vét cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi.

Sau 9 tuần triển khai đã có 65 ngàn trẻ được tiêm chủng từ chương trình mở rộng này.

Không chỉ thế, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo TP.HCM mở rộng chương trình tiêm chủng miễn phí vắc-xin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, chương trình tiêm chủng này sẽ được triển khai từ ngày 16/5 đến hết tháng 7/2014, dự kiến sẽ có 250 ngàn – 300 ngàn trẻ được tiêm ngừa sởi trong dịp này.

Tại buổi gian ban, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng TP, quận, huyện tìm ra nút thắt, tại sao công tác dự phòng đều thực hiện đúng chỉ đạo nhưng hiệu quả không cao.

“Nếu chúng ta không giải quyết sớm, dập được dứt điểm dịch sởi trong bối cảnh hiện nay nhiều dịch bệnh cùng lúc gia tăng sẽ rất…nguy hiểm”, bác sĩ Hưng nói.

Theo ông Trần Đình Phong, Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8, nguyên nhân dẫn tới số ca bệnh không ngừng gia tăng dù đơn vị y tế ở địa bàn mình đã rất quyết liệt có thể do hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường ở một số nơi trên địa bàn quận còn thấp kém, ý thức người dân chưa cao.

Cụ thể, khu phố 8 thuộc phường 4 của quận 8 có hơn 3.000 hộ dân sống ở khu vực ven kênh rạch trong điều kiện ô nhiễm.

Trên địa bàn quận còn có đến 10.000 căn hộ xây dựng dang dở, bỏ hoang, là môi trường lý tưởng cho muỗi, siêu vi phát triển.

Các quận, huyện của TP. có số ca bệnh cao là Thủ Đức, quận 8, Bình Tân, Bình Chánh...

Bác sĩ Hưng cho biết sẽ có buổi làm việc riêng với từng quận, huyện này để đưa ra giải pháp cho từng địa bàn.

Sởi còn cao, tay chân miệng ở mức báo động

Tới nay, tuy ca bệnh sởi không còn ồ ạt nhưng vẫn ở mức cao. Trong tháng 4, TP. đã có 220 phường xã xuất hiện ca bệnh sởi với số lượng nhập viện điều trị là 645 trường hợp.

Không chỉ sởi, các bệnh nhiễm khác đang đều ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2013. Từ đầu năm đến nay trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết là 2.600 ca (tăng 27,7%), tay chân miệng 2.900 ca (tăng 27%), viêm não virus 116 ca (tăng 61%), thủy đậu 509 ca (tăng 200%). Đặc biệt một trường hợp viêm não mô cầu đã tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong tháng 4, tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có số ca bệnh tay chân miệng gia tăng so với tháng trước (708 trường hợp phải nhập viện điều trị).

Tại Khoa Nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện mỗi ngày điều trị cho từ 50 – 60 bệnh nhi sởi nội trú. Ngoài ra khoa này cũng đang có 30 bé bị viêm não mô cầu, 50 – 60 bé bị tay chân miệng.

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày tiếp nhận tới 6.000 lượt bệnh. Trong đó, nhiều nhất là bệnh sốt siêu vi, tay chân miệng và sốt phát ban. Các trường hợp bị sởi tới khám ở bệnh viện này ở mức 80 – 90 ca/ngày.

Thanh Huyền