- Sự việc xảy ra tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội là có thật. Có tổng cộng 11 người bị kỷ luật trong vụ rút ruột thuốc BHYT tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, trong đó có 7 bác sỹ đã kí vào đơn thuốc vì “cả nể”.

Chiều 7/5, Sở Y tế Hà Nội đã gặp mặt báo chí để thông tin và trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ việc dược sĩ Lê Thị Thu Hương rút ruột thuốc BHYT tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Rút ruột 19 triệu, 11 người bị kỉ luật

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tổng cộng có 49 chứng từ được phát hiện sai phạm với tổng số tiền thuốc bị thiệt hại là hơn 19 triệu đồng.

Dược sĩ Lê Thị Thu Hương là người đã sử dụng thẻ của bệnh nhân BHYT để rút ruột thuốc về cho người nhà sử dụng, sau khi bị phát hiện, dược sĩ Hương đã nộp lại toàn bộ số tiền này cho Trung tâm để trả lại cho quỹ BHYT.

{keywords}

3 chữ ký khác nhau của cùng 1 người đã được 115 Hà Nội sử dụng để ăn cắp thuốc.

Việc lấy khống được thuốc của BHYT không phải một mình dược sĩ Hương làm được do quy trình khám chữa bệnh có sự phân công rõ ràng, chặt chẽ (phải có chỉ định, chữ kí của bác sỹ, chữ ký của bệnh nhân, khoa dược, vv… thì bệnh nhân mới lấy được thuốc).

Sau nhiều lần Chánh thanh tra Sở trả lời “lòng vòng” về trách nhiệm của những người liên quan, trước sự “truy vấn” dồn dập của báo chí, ông Trần Ngọc Tụ, trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế Hà Nội cho biết có tổng cộng 7 bác sỹ liên quan đến sự việc này.

Theo đó, 7 bác sỹ này dù biết không có bệnh nhân nhưng vẫn kê và ký vào đơn thuốc vì là đồng nghiệp nên “cả nể”.

Sau khi sự việc bị phanh phui, cả 7 người này đều bị kiểm điểm rút kinh nghiệm trước toàn trung tâm.

“Họ cho biết rất ân hận, chỉ vì cả nể mà làm sai quy định, dẫn đến sự việc này”, ông Tụ nói.

Khi được hỏi về việc 7 người này có bị chuyển công tác không, ông Tụ cho biết: Tuyển bác sỹ về Trung tâm cấp cứu 115 rất khó, thành phố cho phép được tuyển bác sỹ ngoại tỉnh không có hộ khẩu Hà Nội nên khi có sai sót các bác sỹ này chỉ bị kiểm điểm, vẫn được làm công việc bình thường để đảm bảo nhân lực cho trung tâm.

Ông Tụ chỉ khẳng định việc làm của dược sĩ Hương là “sai phạm” nhưng không đánh giá về mức độ sai phạm. Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã họp bỏ phiếu và đưa ra hình thức kỉ luật với dược sĩ này là kéo dài thời gian lên lương 6 tháng.

Ngoài 7 bác sỹ và dược sỹ Hương, 3 người khác là GĐ và Phó GĐ của Trung tâm cũng chịu trách nhiệm liên đới vì yếu kém trong quản lý. Cả 3 người này cũng đã phải kiểm điểm trước lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.

Nhiều phóng viên tham dự buổi làm việc cho rằng mức độ kỉ luật như trên không đủ sức răn đe, đặc biệt là khi dư âm vụ việc ở BV Hoài Đức vẫn còn song các cán bộ y tế này vẫn không “thức tỉnh”.

Trước ý kiến này, lãnh đạo Sở Y tế lại tiếp tục “lòng vòng”, dẫn giải một loạt các quy định về kỉ luật cán bộ, vv …. và còn cho rằng: Do cán bộ có hiểu biết chưa đầy đủ hoặc mục đích cá nhân nên dẫn đến việc lĩnh thuốc khống của bệnh nhân BHYT.

Xảy ra sai sót vì sức khỏe GĐ Trung tâm yếu?

Ông Trần Ngọc Tụ cho biết cuối tháng 1/2014, GĐ và Phó GĐ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã viết bản kiểm điểm, theo đó trách nhiệm hoàn toàn thuộc về lãnh đạo Trung tâm, cụ thể là GĐ Trần Văn Nam.

{keywords}

Chánh thanh tra và trưởng phòng tổ chức cán bộ của Sở Y tế trong buổi làm việc với báo chí chiều 7/5

Trong thời gian xảy ra vụ việc, sức khỏe ông Nam “không đảm bảo” nên không quán xuyến sát sao công việc.

Ông Tụ thông tin thêm: Ông Nam đã gắn bó với ngành y tế 41 năm, ông đã đi giám định sức khỏe thì kết quả cho thấy sức khỏe suy giảm xuống còn dưới 61%.

Ông Nam đã có ý định xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng trong lúc đang làm thủ tục nghỉ hưu thì xảy ra sự việc này.

Hiện nay ông Nam vẫn đang là GĐ của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Sự việc này một lần nữa cho thấy các kênh thu thập thông tin về những sai phạm trong ngành y tế Thủ đô dường như “tê liệt”, bởi Sở Y tế nhận được thông tin từ một tờ tạp chí.

Tạp chí này đã gửi văn bản đến Sở, đề nghị xác minh vụ việc rồi Sở mới vào cuộc, hoàn toàn không có kênh nắm thông tin một cách chủ động.

Cẩm Quyên