- Mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia và gần 68 triệu lít rượu. Đi cùng sự gia tăng sử dụng rượu bia là sự gia tăng tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, các bệnh mãn tính. Đặc biệt, quy định cấm cán bộ công chức sử dụng rượu bia trong giờ làm việc chưa được thực hiện hiệu quả.
 
Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết theo một nghiên cứu năm 2012 thì Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia, lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là hơn 30 lít - đứng số 1 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 3 Châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản), trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trong số 11 nước trong khu vực ASEAN.

{keywords}

Người Việt Nam uống rượu, bia nhiều nhất khu vực Đông Nam Á

Chi phí cho việc uống rượu, bia của người Việt Nam khoảng 3 tỉ USD/năm. Trong khi mức tiêu thu rượu bia trên phạm vi toàn cầu suốt cả thập kỷ qua hầu như không thay đổi thì tại nước ta con số này liên tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ vị thành niên, thanh niên và phụ nữ.
 
Với thực tế này, Bộ Công thương cho biết sản lượng sản xuất bia rượu ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người Việt. Thực trạng bia rượu đang trở nên đáng báo động và nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời thì những nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ bị “hòa tan” cùng với rượu bia.
 
Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, với khoảng hơn 70% đàn ông Việt uống rượu bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc “bia hơi” mỗi ngày.
 
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lo ngại các khoản đóng góp từ ngành sản xuất rượu bia và ngân sách được 1 đồng thì phải chi tới 2- 3 đồng đề giải quyết hậu quả của nó.
 
C.Quyên