- Xung quanh hiện tượng lún nứt tại gói thầu số 3 cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Tổng Công ty đường cao tốc VN (VEC) vừa có báo cáo Bộ GTVT về hiện tượng này.
Trong đó VEC nhấn mạnh, độ lún là do nền đất yếu nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Giải thích cụ thể về hiện tượng lún tại gói thầu số 3, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC thừa nhận, hiện tượng này xuất hiện cục bộ từ 3-5cm tại Km14+100-Km14+120.
Đây là đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng của gói thầu 2 và phương pháp bơm hút chân không của gói thầu 3 nên tốc độ lún dư còn lại có sự chênh lệch.
Vec đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và thực hiện các yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước - Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ |
Tuy nhiên, theo ông Trung, độ lún này vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, độ lún dư sau 15 năm ≤ 30cm cho các khu vực đường thông thường.
Do vậy, Tổng công ty, Tư vấn giám sát và nhà thầu đã và đang tiến hành quan trắc theo dõi lún để có giải pháp xử lý phù hợp đảm bảo êm thuận và an toàn trong quá trình khai thác.
Về kinh phí sửa chữa lún cục bộ gói thầu trên, ông Trung thẳng thắn cho biết, gói thầu đang trong giai đoạn bảo hành nên các kinh phí sửa chữa thuộc trách nhiệm của phía nhà thầu theo quy định.
Về việc thi công đắp nền đường tại gói thầu 5A, theo ông Chung, hiện nay, Tổng công ty đang yêu cầu nhà thầu rút ngắn tiến độ thi công gói thầu so với hợp đồng đã ký kết nhằm hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào khai thác sử dụng nên đòi hỏi đáp ứng khối lượng lớn vật liệu thi công nền đường.
Liên quan đến việc công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại như vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, gốc rễ cây, ông Chung lý giải, gói thầu gặp khó khăn về nguồn khai thác mỏ đất, khu vực xung quanh gói thầu không có mỏ vật liệu có trữ lượng lớn, chất lượng đồng đều nên phải sử dụng các mỏ đất có quy mô nhỏ, phân tán. Vì vậy, vật liệu từ các mỏ không đồng nhất, cục bộ.
“Chủ đầu tư đã chỉ đạo Tư vấn giám sát, nhà thầu kiểm tra kỹ chất lượng vật liệu khi đưa vào công trường, kiên quyết loại bỏ vật liệu không đảm bảo yêu cầu trước và trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng khi thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án”, ông Chung khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Chung, trong quá trình thi công cục bộ xuất hiện hiện tượng nước ngầm tại Km30+140-Km30+340, Tư vấn giám sát đã đề xuất giải pháp xử lý nước ngầm bằng ống PVC và tầng lọc ngược bằng đá dăm đảm bảo các tiêu chuẩn của dự án.
VEC sẽ tiếp tục theo dõi và yêu cầu Tư vấn, Nhà thầu xử lý triệt để đảm bảo chất lượng công trình.
Trước đó, qua kiểm tra thực địa, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước nhận định: Gói thầu số 3 đưa vào khai thác cuối tháng 12.2013, trong quá trình khai thác, xuất hiện hiện tượng lún, lệch (3cm-5cm) tại km14+100 – km14+120.
Đây là nơi tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý nền đất yếu bằng hai phương pháp khác nhau.
Đồng thời, công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại như vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây.
Đại diện VEC cho hay, đơn vị này sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và thực hiện các yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình.
Ngoài ra, VEC sẽ kiên quyết yêu cầu Tư vấn giám sát, nhà thầu có các giải pháp khắc phục các tồn tại về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP.HCM nối qua QL51, sân bay quốc tế Long Thành, QL 1A, có tổng chiều dài 55 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5 m, tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng từ nguồn vay OCR của Ngân hàng ADB và vốn vay ODA của Nhật Bản cùng vốn đối ứng. Dự kiến dự án dự kiến sẽ thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2015. |
Vũ Điệp