- Gặp cô gái chân dài, trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng trong một quán bar, cụ ông đem lòng say mê, muốn cưới cô về làm vợ để bớt nỗi hiu quạnh tuổi già nơi đất khách. Ai ngờ thời gian mặn nồng chưa được bao lâu, ông phát hiện mình chỉ là "cái máy ATM" của người vợ trẻ nên cố thoát ra cho kỳ được.

Chồng già vợ trẻ

Ngồi trên hàng ghế đương sự trong phiên tòa ly hôn hôm ấy là một người đàn ông ngoại quốc tên N., mái tóc bạc phơ, cử chỉ chậm chạp. Ở đầu ghế bên kia, cách ông chừng vài mét là cô gái trẻ đẹp, chân dài. Không theo dõi phiên tòa chẳng ai ngờ họ là vợ chồng, từng có một thời mặn nồng gắn bó.

Ông N. là một người Mỹ, có học hàm và trình độ, thường xuyên có những chuyến công tác tại Việt Nam.

Cuối năm 2008, ông tình cờ gặp chị T. trong một quán bar ở thành phố biển Vũng Tàu. Lúc ấy, T. mới 19 tuổi, cô trẻ trung, cao ráo và xinh đẹp nên nhanh chóng chiếm được cảm tình trong trái tim người đàn ông đã ở cái tuổi lục tuần. Sau thời gian tìm hiểu, họ quyết định tiến tới hôn nhân.

{keywords}
Các đương sự tại tòa

Sau khi kết hôn, vợ chồng họ sống tại TP Vũng Tàu, mỗi năm ông đi công tác nước ngoài vài tháng. Để tạo dựng tổ ấm, ông N. đã chi tiền để vợ trẻ đứng tên mua một căn nhà ở trung tâm thành phố biển với giá hơn 3,4 tỷ đồng.

Sau đó, ông nghỉ hưu, ở hẳn tại Việt Nam với hi vọng người vợ trẻ sẽ giúp ông bớt hiu quạnh tuổi già. Thế nhưng, những ngày sau đó họ nhanh chóng phát sinh mâu thuẫn.

Trong lá đơn xin ly hôn đệ lên tòa, ông N. cho biết sau thời gian đầu hạnh phúc, từ năm 2011 đến nay vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã lẫn nhau. Nhiều lần cô vợ trẻ thách thức ông ly hôn, không tôn trọng ông và hay nói dối, cô thường xuyên đi chơi về muộn.

Sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và trình độ đều khác biệt, ngày ngày cô chỉ biết xin tiền để chi tiêu cá nhân và giúp đỡ gia đình...Tất cả khiến ông nhận ra đó là một hôn nhân sai lầm.

Ông quyết định ly thân với vợ trẻ từ tháng 3/2013 sau đó nộp đơn xin ly hôn ra tòa.

Ngắn ngủi mối lương duyên

Tại phiên tòa phúc thẩm, ngồi rất gần nhưng họ không một lần đưa mắt nhìn nhau. Được tòa gọi lên hỏi, ông khó nhọc đứng dậy, hai tay vịn chặt vào bức bình phong phía trước trong khi nghe nữ thông dịch viên dịch lại diễn biến phiên tòa.

Ông cương quyết đề nghị tòa giữ nguyên quyết định công nhận ly hôn của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tuyên cho ông được hưởng 80% giá trị căn nhà thay vì 70% như cấp sơ thẩm đã nêu.

Ngược lại, người vợ trẻ nói mình vẫn rất yêu thương ông, cô không muốn ly hôn. Cô cũng thừa nhận do trình độ tiếng Anh rất kém nên vợ chồng không thể tâm sự cùng nhau, mâu thuẫn giữa họ chỉ xảy ra từ khi ông nghỉ hưu ở hẳn nhà không đi công tác nữa.

Chuyện cô nói dối chồng, đi chơi về muộn là có thật nhưng những lần đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, cô không muốn ly hôn.

Thế nhưng, nếu tòa cho ly hôn thì hãy tuyên cô được hưởng phần tài sản theo luật định (50% tài sản trong thời kỳ hôn nhân - PV).

Về những đồ đạc trong nhà và hai chiếc xe máy trong đó có 1 xe SH là tài sản chung họ tự thỏa thuận không cần tòa giải quyết, chỉ yêu cầu giải quyết phần căn nhà.

Về nguồn gốc số tiền mua căn nhà, cô gái trẻ khai sau khi cưới đã đưa cho chồng 30 lượng vàng tiền cha cô cho, có lúc cô khai đã đưa tiền cho chồng nhưng bao nhiêu không nhớ rõ.

Ngược lại, ông N. kiên quyết, tiền mua nhà tất cả đều do ông bỏ ra rồi ông cung cấp cho tòa những bản sao kê chuyển tiền của mình vào tài khoản của vợ trong thời gian họ đàm phán mua nhà.

Sau khi xem xét, tòa nhận định do mục đích hôn nhân không đạt, khả năng đoàn tụ không còn nên yêu cầu ly hôn của ông N. là có căn cứ. Từ đó, tòa bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông N.

Về tài sản, căn cứ vào các bản sao kê tài khoản và hợp đồng đặt cọc và mua bán nhà, tòa xét thấy ông N. đã chuyển vào tài khoản của bà T. tổng cộng hơn 3 tỷ đồng trong thời gian bà T. ký hợp đồng đặt cọc và mua nhà. Bà T. khai đưa tiền, vàng cho ông N. nhưng không chứng minh được, tại tòa bản thân bà cũng thừa nhận sau khi kết hôn ông N. đã đồng ý trả nợ riêng cho bà nên việc bà khai có tiền để đưa cho ông N. là thiếu căn cứ.

Việc cấp sơ thẩm tuyên ông N. được hưởng 70% giá trị căn nhà, bà T. hưởng 30% là có căn cứ. Do ông N. là người nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nên căn nhà trên giao cho bà T. sở hữu, bà có nghĩa vụ thanh toán tiền cho ông N. Nếu bà T. không có khả năng thanh toán, căn nhà sẽ được phát mãi và chia theo tỷ lệ mỗi bên được hưởng.

Phiên tòa kết thúc, các bên đứng dậy ra về. Trong lúc ông nặng nề bước đi giữa sân tòa án, người vợ trẻ lướt qua không chút nuối tiếc, dù chưa đầy một giờ trước đó, cô nói vẫn còn rất yêu thương người chồng ngoại quốc.

M.Phượng