- Phiên tòa kết thúc, người mẹ trẻ mỉm cười. Để tìm lại được "báu vật" của đời
mình, chị đã bao lần phải rơi nước mắt. Trải qua bao cay đắng, với người mẹ ấy
tình mẫu tử, đứa con trai là thứ quý giá, thiêng liêng nhất trên đời mà chị phải
giành lại.
Quá khứ buồn
Có mặt từ rất sớm tại phiên tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM hôm ấy, chị
T.M.T. (SN 1978, TP.HCM) ngồi lặng lẽ, đôi mắt buồn. Khi được hỏi về câu chuyện
dẫn đến cảnh đáo tụng đình, chị tỏ ra cởi mở như muốn trút bớt tâm trạng đang đè
nặng.
Chị T. cho biết chị và và anh N.V.T. là bạn học chung thời trung học, cùng quê ở
tận Bạc Liêu. Hồi đó, sau khi ra trường, hai người yêu nhau rồi chung sống như
vợ chồng ở tận Cà Mau. Sau thời gian sống chung, khi anh đưa chị về ra mắt gia
đình cũng là lúc cái thai trong bụng đã nhiều tuần tuổi.
Thế nhưng, gia đình anh
không chấp nhận vì cho rằng chị là kẻ "đũa mốc mà chòi mâm son". Mối quan hệ
tình cảm rơi vào sóng gió. Khi anh không vượt qua được rào cản, chị vẫn quyết
định sẽ sinh con bởi với chị đó là kết quả của tình yêu.
Chị trở lại Cà Mau chờ ngày vượt cạn. Ngày 4/11/2005, đứa trẻ chào đời, chị phải
lấy họ của mình đặt tên cho đứa cho trai - T.S.T. Những ngày đó, anh T. vẫn lui
tới thăm nom. Khi con vừa hai tháng tuổi, anh trở lại và nói muốn chị cho anh
bồng con về nhà để thắp hương trước bàn thờ tổ tiên.
|
Sau hôn nhân tan vỡ là những đứa trẻ cần sự yêu thương của cha mẹ. Ảnh minh họa: PNTP |
Chị không khỏi chạnh lòng vì mình chỉ là người con dâu không được thừa nhận
nhưng vì nghĩ đến nguồn cội của con, chị đồng ý. Thế rồi, anh đem con đi biệt,
chị lặn lội về lại Bạc Liêu tìm con nhưng gia đình anh kiên quyết không giao vì
anh là con trai duy nhất trong gia đình.
Gia đình anh vẫn không chấp nhận, xua đuổi chị, một mực muốn được chăm sóc đứa
trẻ bởi đó là cốt nhục của họ. Sau đó, anh ra sức thuyết phục chị để con lại cho
anh chăm sóc vì dù sao đứa trẻ cũng cần sống một cuộc sống đầy đủ, bản thân chị
là người mẹ đơn thân, không có việc làm...Chị đắng lòng chấp nhận với điều kiện
chị sẽ được lui tới thăm con bất cứ lúc nào.
Muốn thoát khỏi cảnh nghèo để một ngày nào đó mẹ con sum họp, chị T. lên TP.HCM
lập nghiệp rồi làm chủ một công ty nhỏ. Những ngày đầu chật vật nên lâu lâu chị
mới về thăm con. Thế nhưng, năm 2007, anh T. sang Thụy Sĩ định cư, giao quyền
nuôi dưỡng con trai cho vợ chồng người chị gái. Chị không phản đối vì biết con
mình rất được họ yêu thương.
Đứa trẻ lớn dần, tình cảm mẹ con cũng thêm khăng khít. Cũng vì thế những lần chị
thăm con sau này, vợ chồng chị gái anh T. phản đối, họ không cho chị đến nhà
thăm con như trước. Mỗi lần nhớ con chị tìm về Bạc Liêu, đến trường học tìm con
đều vấp phải sự phản đối của gia đình. Rồi một ngày, họ tuyên bố đứa trẻ là con
của họ, anh T. đã viết giấy cho đứa trẻ, nó được nhận làm con của vợ chồng chị
gái anh mà chị không hề hay biết.
Kiện đòi lại con
Đứa con mình dứt ruột sinh ra bỗng nhiên trở thành con người khác, dòng tên cha
mẹ trong giấy khai sinh của con bỗng nhiên bị đổi, thay đổi cả họ tên khiến chị
vô cùng đau lòng. Chị T. quyết sẽ đấu tranh để giành lại quyền làm mẹ.
Đầu năm 2012, chị đệ đơn ra TAND tỉnh Bạc Liêu kiện vợ chồng người chị gái của
anh đề nghị truy nhận mẹ cho con và thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Những thủ
tục tố tụng theo luật định nhanh chóng được tiến hành.
Với những chứng cứ, cơ sở pháp lý các bên cung cấp, tòa nhận định cháu T.S.T.
đúng là con của ruột của chị T.M.T. và ông N.V.T. Việc ông T. viết giấy giao con
cho vợ chồng người chị gái mà chưa có sự đồng ý của chị là không đúng. Phía bị
đơn không thực hiện thủ tục xin con theo quy định pháp luật nên việc tự động
đăng ký lại giấy khai sinh và họ tên cho cháu T. của phía bị đơn là sai.
Hiện tại ông T. đang định cư ở Thụy Sĩ, quyền nuôi và chăm sóc con cái trước
tiên là quyền của cha mẹ. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của chị, tuyên chị là mẹ
của cháu T., buộc bị đơn phải giao con cho chị nuôi dưỡng. Sau đó, với tư cách
người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông T. đã kháng cáo đề nghị cấp phúc
thẩm xem xét.
Giờ nghị án, chị T. hồi hộp chờ phán quyết. Với chị, đây là một quyết định vô
cùng quan trọng bởi từ lâu người mẹ ấy đã gác lại mọi tình cảm riêng tư chỉ canh
cánh một điều sẽ giành lại quyền làm mẹ, sẽ được ngày ngày chăm sóc đứa con yêu
thương để bù đắp phần nào mất mát. Con là động lực, là "báu vật" giúp chị vượt
qua mọi thử thách để ổn định cuộc sống như hiện nay.
Cuối cùng, HĐXX nhận định những gì bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ nên
tuyên bác yêu cầu kháng cáo của ông T., tuyên chị là người thắng kiện. Nhận được
sự đồng cảm, chia sẻ của mọi người, chị mỉm cười. Đôi mắt người mẹ sáng lên, háo
hức khi nghĩ đến cảnh mẹ con đoàn tụ sau nhiều năm xa cách.
Hồng Thắm