- Ngày thứ 3 xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm diễn ra hết sức căng thẳng với phần xét hỏi liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép và trốn thuế. 

Ông Nguyễn Bá Thanh có mặt tại phiên xử bầu Kiên

Chiều 21/5, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương bất ngờ xuất hiện tại TAND TP.Hà Nội để theo dõi phiên xử bầu Kiên cùng đồng phạm.

Hình ảnh nóng tại phiên xử bầu Kiên

Ngày 21/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm ra xét xử. Những hình ảnh mới nhất về phiên xử bầu Kiên.

Tòa viện dẫn chưa đúng?

Mở đầu, HĐXX thẩm vấn đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư về mã ngạch kinh doanh. Theo đó, việc kinh doanh cổ phần, cổ phiếu thuộc mã ngạch kinh doanh. Mã hóa chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê.

Các mã ngành kinh tế mua bán cổ phiếu được xác định thuộc mã ngạch kinh tế Việt Nam. Ông này cũng cho biết, Tổng cục thống kê không có nhiệm vụ thống kê mã ngạch kinh doanh.

{keywords}
Bầu Kiên tại tòa - Ảnh: Nam Phong

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải (Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) cho hay: kinh doanh vàng và kinh doanh trạng thái vàng là hai hình thức khác nhau. Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh trạng thái vàng ngoài nước trên tài khoản nước ngoài.

Đối với việc cung cấp tài khoản kinh doanh nước ngoài cho các đối tác phải phụ thuộc vào uy tín, tiềm lực của từng cá nhân, doanh nghiệp. Việc lựa chọn đối tác phải lựa chọn cẩn thận. Việc ký hợp đồng ủy thác kinh doanh vàng với Ngân hàng VietBank, Ngân hàng ACB không kiểm tra giấy phép kinh doanh, vì họ phải chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn đối tác kinh doanh của Ngân hàng ACB là năng lực tài chính, uy tín.

Tiếp tục truy vấn đại diện Ngân hàng ACB về kinh doanh vàng, một Phó tổng Giám đốc Ngân hàng ACB có mặt tại tòa nói: Ngân hàng VietBank không có giấy phép kinh doanh vàng trạng thái ở nước ngoài nên phải ủy thác cho Ngân hàng ACB.

Không đồng ý với ý kiến của người đại diện ngân hàng ACB, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc kinh doanh vàng phải thực hiện theo Nghị định 174 của Chính phủ và Quyết định số 03 của Ngân hàng Nhà nước. Theo như những văn bản này, thì chỉ có quy định về kinh doanh vàng chứ không có quy định về ủy thác.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng: trong quá trình thẩm vấn, Tòa và các cơ quan liên quan đã viện dẫn 1 số quy định chưa đúng, chưa chính xác. Bởi vậy, bị cáo Kiên đã đề nghị và được HĐXX chấp thuận đọc 1 loạt các văn bản, quy định, thông tư, nghị định liên quan đến kinh doanh vàng.

Trả lời HĐXX, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Sau khi Văn phòng Chính phủ có chỉ thị cấm giao dịch vàng nước ngoài, NHNN có Quyết định chấm dứt các hoạt động giao dịch vàng từ ngày 30/3/2010.

Tuy nhiên, NHNN đã có Thông tư số 10 gia hạn thêm đến ngày 30/6/2010 cho Ngân hàng ACB. Sau đó tiếp tục ban hành thông tư ngày 29/6/2010, gia hạn đến 31/7/2010 cho tất cả các ngân hàng.

Việc kinh doanh vàng trạng thái kết thúc sau khi Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 01, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo đại diện này, hiện chỉ mới có quy định về kinh doanh vàng chứ không có quy định về ủy thác. Vậy, có quy định về kinh doanh giá vàng không? Đại diện NHNN cho biết vẫn chưa có quy định cụ thể.

Thủ đoạn trốn thuế

Kết thúc phần xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép, HĐXX chuyển sang thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các người liên quan về hành vi trốn thuế.

Những người thân của người đàn ông từng ở đỉnh cao của quyền lực này là bà Đặng Thị Ngọc Lan và em gái Nguyễn Thị Hương trả lời thẩm vấn.

{keywords}
Bà Lan trả lời thẩm vấn - Ảnh: Hoàng Sang

Liên quan đến hành vi trốn thuế, theo như kết luận của cơ quan điều tra thì: trong năm 2009, Công ty B&B dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên đã thực hiện lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu được lãi hơn 100 tỷ đồng nhưng chỉ bằng việc ký Hợp đồng và phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính.

Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền là hơn 25,011 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, em gái bầu Kiên - bà Nguyễn Thị Hương cho hay: Ở Công ty B&B, bà là thành viên góp vốn, là thành viên của HĐQT. Việc bà Hương ký hợp đồng ủy thác tài chính là do bầu Kiên chỉ đạo.

Bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ bầu Kiên cho rằng, cá nhân có ký vào bản hợp đồng nhưng không nhớ ký những gì. Bà Lan cũng không nhớ ai soạn thảo hợp đồng và ai là người yêu cầu ký.

Đa số việc ký hợp đồng bà Lan đều thực hiện ở nhà do đang trong thời gian sinh nở.

Theo trả lời của bà Lan, bà không quan tâm đến các hoạt động kinh doanh; tất cả các hoạt động tại Công ty B&B bà không nắm được, đặc biệt khi có hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, thời điểm đó, bà Lan đang trong giai đoạn sinh nở.

“Tôi tin tưởng vào chồng tôi nên tôi thấy không có gì là sai cả” - bà Lan nói.

Khi được hỏi về những hợp đồng về ủy thác kinh doanh vàng ghi sổ và ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam…, bà Lan cho biết: “Đối với tôi những khái niệm này với tôi, tôi không hiểu. Những giấy tờ gì tôi ký thì đều ký ở nhà do anh Kiên mang về nhà vì thời gian đó tôi sinh".

Liên quan đến tội trốn thuế theo cáo trạng mà VKS truy tố, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết, hợp đồng ủy thác tài chính do Kiên soạn thảo. Tại công ty B&B, Kiên có tất cả quyền điều hành, là người đại diện pháp luật của Công ty B&B.

Vì là người có quyền tối cao ở B&B nên sau khi nhận ủy thác từ Hương, Kiên đã kê khai thuế và định nộp thuế cho Hương. Sau đó, có Nghị quyết Quốc hội về miễn giảm thuế nên Nguyễn Đức Kiên không nộp nữa.

Cũng theo bị cáo này, đến thời điểm hiện tại, công ty B&B vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo thuế nào.

“Vì em gái tôi và vợ tôi mới kinh doanh nên tôi là người điều hành Công ty B&B do vợ tôi là TGĐ. Chính tôi là người soạn thảo các hợp đồng để chuyển cho vợ và em gái mình ký. Hai hợp đồng này có trình tự ký khác nhau.

Vì em tôi là giáo viên mới chuyển sang kinh doanh nên khi em tôi muốn kinh doanh tôi đã đồng ý giúp bởi lĩnh vực này nhiều rủi ro. Vì thế, Hương có ủy quyền cho tôi ký các văn bản. Vợ tôi chỉ là người thay mặt tôi ký một số giấy tờ cần thiết. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, tôi là người ra quyết định lệnh mua, lệnh bán. Tôi làm đúng quy trình và Công ty B&B không trốn thuế", bị cáo Kiên nói.

Phía đại diện ngân hàng ACB cho biết: Công ty B&B ủy thác kinh doanh vàng với Ngân hàng ACB ở nước ngoài thì phải chịu những khoản thuế: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu… kết luận giám định, Công ty B&B phải nộp trên 25 tỷ đồng tiền thuế.

Trong phiên tòa sáng nay, Trưởng ban Nội chính Trung uơng Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt để theo dõi diễn biến.

Phiên tòa kết thúc làm việc lúc 11h2.

14 giờ chiều nay, tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.

Hoàng Sang