- "Xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ tâm nhất là khi nghĩ về bố mẹ. Tôi có nhiều đêm giật mình thổn thức gọi mẹ, nhớ mẹ và thương mẹ vô cùng" - bị cáo Dương Tự Trọng nói lời cuối cùng vào chiều 22/5.

XEM PHẦN TƯỜNG THUẬT SÁNG 22/5:

Dương Tự Trọng 'xin khai, không sợ ở tù'

Ngày 22/5, phiên tòa phúc thẩm xử Dương Tự Trọng cùng đồng phạm được mở theo đơn kháng cáo của các bị cáo.

DƯƠNG TỰ TRỌNG VÀ ĐỒNG PHẠM ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ GIẢM NHẸ

14h00: HĐXX tiếp tục làm việc.

Bước sang phần tranh luận, VKS nếu ý kiến kết luận vụ án:

Bản án sơ thẩm kết luận các bị cáo phạm tội Tổ chức đưa người khác đi nước ngoài, trong đó bị cáo Trọng và Sơn là người đứng ra tổ chức để các bị cáo khác trực tiếp thực hiện.

Sau phiên sơ thẩm có 6/7 bị cáo kháng cáo. Riêng bị cáo Thắng không án cáo.

Các bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ, riêng bị cáo Minh Tuấn kháng cáo kêu oan.

VKS nêu lại nội dung vụ án:

VKS cho rằng: Hành vi đưa Dũng ra nước ngoài của các bị cáo là nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi điện thoại để liên lạc. Mỗi bị cáo được giao từng phần việc nhưng đã kết hợp chặt chẽ với nhau.

Các cán bộ công an đã sử dụng nghiệp vụ công an để thực hiện hành vi phạm tội. Cán bộ công an còn câu kết với các đối tượng bị truy nã để thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, bởi lẽ mặc dù các bị cáo biết Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái và Tham ô, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Việc Dũng trốn trót lọt sang Campuchia không những gây khó khăn cho công tác phòng chống tham những, gây dư luận hoài nghi trong nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước.

{keywords}
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Nam Phong)

Nếu không bắt được Dũng thì những khoản tiền tham ô và tiền gây thất thoát của sẽ không thu hồi được; đồng thời gây tốn kém không ít tiền của và sức lực của cơ quan điều tra tổ chức bắt Dũng, nên hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng.

VKS thấy bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo với khoản 3 với tình tiết định khung là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

VKS thấy, đối với bị cáo Trọng, là người chủ mưu, cầm đầu, dù là cán bộ cao cấp đã nhiều năm công tác phòng chống tội phạm nhưng khi biết anh trai phạm tội và đang có ý định trốn đi nước ngoài, bị cáo đã không suy xét, xử lý tình huống đúng pháp luật, đã chỉ đạo cấp dưới và các đối tượng hình sự móc nối đưa Dũng đi nước ngoài.

Bị cáo Trọng còn cung cấp phượng tiện, tiền bạc để Dũng bỏ trốn. Dù bị cáo Trọng có nhiều thành tích, bằng khen, gia đình có truyền thống cách mạng - là những tình tiết giảm nhẹ đã được bản án sơ thẩm áp dụng, nhưng ở cấp sơ thẩm, bị cáo đã ngoan cố nên bị xử mức 18 năm.

Sau đó nhận thức lại bị cáo đã có đơn xin giảm tội. Bị cáo đã thành khẩn khai báo trong phiên phúc thẩm. Đây là tình tiết giảm nhẹ phát sinh, cần áp dụng giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Hình ảnh anh em Dương Chí Dũng trước tòa

Sáng 22/5, phiên phúc thẩm Dương Tự Trọng và các đồng phạm đã diễn ra. Dương Chí Dũng cũng được đưa đến tòa với tư cách là nhân chứng.

Đối với bị cáo Sơn, có vai trò thứ hai sau bị cáo Trọng, là mắt xích quan trọng, xâu chuỗi các bị cáo với nhau để đạt được mục đích cuối cùng là đưa Dũng đi trốn ở nước ngoài. Cần áp dụng mức hình phạt của bị cáo Sơn thấp hơn bị cáo Trọng và cao hơn các bị cáo khác là hợp lý.

Động cơ phạm tội là do quan hệ cấp trên cấp dưới với Trọng, lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên có cơ sở giảm nhẹ tội cho bị cáo Sơn.

Đối với bị cáo Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng: Đã cùng tham gia giúp đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. Phong và Dũng đều thực hiện tội phạm tích cực, đều có nhân thân xấu. Nay tiếp tục phạm tội, cho thấy bị cáo khó cải tạo, cần áp dụng mức hình phạt phù hợp.

Mức hình phạt cấp sơ thẩm đối với hai bị cáo này hơi nặng, cần xem xét giảm nhẹ, cho 2 bị cáo cùng hưởng mức hình phạt như nhau là phù hợp.

Đối với bị cáo Ánh: Khi lượng hình, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo 6 năm tù là hơi nặng so với vai trò phạm tội của bị cáo, xem xét giảm nhẹ như kháng cáo của bị cáo.

Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn: Tuấn giữ vai trò thấp nhất trong vụ án, khi lượng hình, bản án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt bị cáo 5 năm tù. VKS xét thấy mức án này là hơi nặng, nhưng do bị cáo kháng cáo kêu oan nên tại tòa VKS chỉ chứng minh bị cáo oan hay không oan, không đề cập đến chuyện giảm nhẹ tội cho bị cáo.

Tuấn và Trọng là bạn thân, coi nhau như anh em trong gia đình. Quan hệ mật thiết như vậy, việc gây thất thoát nhiều tỷ đồng của Dũng thì Tuấn không thể không biết. Trước khi đi đón Dũng, đưa xuống Quảng Ninh, Tuấn đã nói chuyện với Trọng ở Phố Nối.

Từ những phân tích trên, VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Dũng “Bắc kạn”, Ánh, Sơn, Phong, Trọng.

Bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Tuấn.

XEM XÉT LẠI AI LÀ CHỦ MƯU CHẠY TRỐN

14h35: Luật sư Hưng bào chữa cho bị cáo Trọng:

Đề nghị xem xét lại tình tiết định khung, bổ sung các tình tiết giảm nhẹ đối với thân chủ của tôi.

Sau khi nghiên cứu bản án sơ thẩm, chúng tôi không khiếu nại nội dung xảy ra của vụ án. Chúng tôi chỉ đề nghị xem xét đánh giá tính chất vụ án.

{keywords}
Dương Tự Trọng và đồng phạm tại tòa ngày 22/5. (Ảnh: Nam Phong)

VKS đánh giá vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, kết luận như vậy là không đúng với thực tế. Ngày 17/5/2012, tối mới có quyết định khởi tố đang nằm ở CQĐT, trong 1 chuyên án đặc biệt, đến bản thân bị cáo nếu không có người mật báo thì cũng không biết.

Đấy là đối với tội làm trái. 9/2013 mới khởi tố tội tham ô, như thế không thể buộc các bị cáo phải nhận thức được vụ án ông Dũng gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Các bị cáo nhiều người không biết gì về ông Dũng, không biết về chuyện ông này bị khởi tố.

Vụ án này cho rằng Trọng là chủ mưu thì cần xem xét lại từ chủ mưu.

Tình tiết mà lời khai của ông Dũng đã khai và xác nhận có dấu hiệu tội phạm tiết lộ bí mật, việc này đã phá vỡ khái niệm chủ mưu. Vậy có chủ mưu hay không, cần căn cứ chính bản án sơ thẩm. Còn một thực tiễn nữa, ngày 17 mới khởi tố ông Dũng, nếu không tiết lộ thì làm gì ai biết.

Những con người đang bị xem xét, chúng ta không bới ra, nhưng cần đánh giá rằng, phải có thông tin tiết lộ. Có tin được ông Dũng nói không, ông Trọng nói không, nhưng cấp sơ thẩm đã khởi tố, thông tin đó là quan trọng, cần xem lại khái niệm chủ mưu dành cho bị cáo Trọng.

Khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy án sơ thẩm ghi rõ, mặc dù có công, nhưng... phải xem xét công và tội riêng rẽ.

Đề nghị xét nội dung kháng cáo của bị cáo Trọng, cần xác nhận hôm nay bị cáo Trọng khai báo rất thành khẩn. Đề nghị xác nhận việc này, ảnh hưởng đến các bị cáo khác nữa, họ liên quan có mức độ.

Cùng với bất cập nữa ở án sơ thẩm, chúng tôi nhận thấy có nhiều nhận định mâu thuẫn với nhau.

Trước tòa, Dương Tự Trọng hồn nhiên nói về nhân tình

Không giống như phiên sơ thẩm, lần này hầu tòa, ông Dương Tự Trọng tỏ ra khá thành khẩn. Ông ta khai rõ về quan hệ của mình với người tình.

Bản án sơ thẩm không mô tả tình tiết giảm nhẹ nào cho thân chủ của tôi. Đề nghị xem xét lại tình tiết giảm nhẹ. Nhưng không phải giảm nhẹ đơn thuần, mà phải đánh giá lại toàn bộ vụ án. Đánh giá hành vi phạm tội là nghiêm trọng, nhưng là nghiêm trọng như thế nào. Không thể vơ hết tất cả các dư luận bên ngoài vào đây. Về hình phạt, nhận thức của chúng tôi chỉ là ở khoản 1.

Trân trọng ý kiến của VKS khi ghi nhận tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trọng ở phiên tòa này là khai báo thành khẩn.

Luật sư Hưng dành thời gian phân tích những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Trọng.

Đề nghị đánh giá lại cho sát, đúng với nội dung vụ án; điều chỉnh lại những nhận định sai xót của bản án sơ thẩm. Nên áp dụng để giảm cho bị cáo mức thấp của khung hình phạt cơ bản.
Bị cáo Trọng cho biết, đồng ý với ý kiến của luật sư và không có ý kiến gì khác.

{keywords}
Luật sư bào chữa cho các bị cáo.

14h55: Luật sư Phạm Văn Liêm bào chữa cho bị cáo Trần Văn Dũng (Dũng “bắc kạn”): Dũng chỉ biết người đưa đi là Trọng nhờ, không biết đó là Dương Chí Dũng, cũng không biết Dương Chí Dũng là ai.

Tại tòa, lời khai của Dương Chí Dũng đã thể hiện không biết lý do trốn đi nước ngoài của Dương Chí Dũng là gì.

Không có bằng chứng nào cho thấy Trần Văn Dũng đã sắp xếp người của mình để đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.

Đối với việc chuyển tiền cho Dương Chí Dũng, Dũng “bắc kạn” từ đầu đã không muốn thực hiện việc đó, nhưng anh ta là người bị quản lý hình sự, bị áp lực từ Trọng và Sơn nên buộc phải thực hiện.

Anh ta cũng nói thẳng với các bị cáo khác: “Nếu bị bắt sẽ khai hết”. Điều đó cho thấy anh ta sợ sự trừng phạt của pháp luật, không thể nói anh ta coi thường pháp luật.

Hành vi của Dũng "bắc kạn” không quyết định đến việc Dương Chí Dũng có sang được Campuchia hay không. Mọi thông tin nhân thân của Dương Chí Dũng, Văn Dũng không hề biết, chỉ nhận thông tin một chiều từ Sơn, không biết người mình đang đưa đi chịu tội gì, mức độ và hậu quả ra làm sao.

Văn Dũng không biết người mình giúp là ai thì không thể ép anh ta gánh chịu hậu quả mà anh ta không hề biết.

Tòa sơ thẩm cho rằng, hành vi nhờ người quen cho Dương Chí Dũng ăn ở tại Campuchia là tình tiết tăng nặng là không đúng. Nhận định của bản án sơ thẩm cho rằng Văn Dũng tích cực giúp sức cũng không chính xác.

Tại tòa đã làm rõ, nếu không có Văn Dũng, Dương Chí Dũng vẫn tìm các cách khác nhau để sang đc Campuchia.

Để đưa anh Dũng đi trốn không phải để gây ra hậu quả nào khác. Lúc này mới có quy định khởi tố vụ án, bắt giam nhưng chưa biết tội gì. Sau đó biết là tội Cố ý làm trái, không thể lấy hậu quả vụ án tham nhũng để buộc các bị cáo phải gánh chịu.

Vào thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi không có dấu hiệu của tội tham ô, nhưng lại lấy đó là hậu quả dư luận nghi ngờ cơ quan điều tra. Như vậy là "râu ông này cắm cằm bà kia".

Khi áp dụng đối với các bị cáo cần thấy rằng, hậu quả nghiệm trọng là định tính, không có định lượng, trong khi cần bắt buộc phải xác định định lượng. Án sơ thẩm xác định ảnh hưởng dư luận nhưng liệu có điều tra xã hội nào nói rõ ảnh hưởng dư luận như thế nào?

Về mặt chủ quan, thấy rằng đủ cơ sở xác định Văn Dũng không biết Dương Chí Dũng là ai, ở đâu, sai phạm như thế nào, chỉ biết Dương Chí Dũng là anh trai của ông Trọng, người đang quản lý Văn Dũng khi vừa mãn hạn tù theo nghiệp vụ của công an.

Khi Trọng nhờ giúp đỡ, ai có thể từ chối được việc này với mối quan hệ như thế. Đó là động cơ mục đích Văn Dũng thực hiện hành vi phạm tội của mình.

Không biết Dương Chí Dũng là ai, sao lại buộc hậu quả hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng vào cho bị cáo Văn Dũng. Văn Dũng không hề biết đến hậu quả.

Đề nghị áp dụng điểm b khoản 2, điểm c khoản 1, chấp nhận kháng cáo của Văn Dũng. Qua đó đạt được tác dụng giáo dục cao để bị cáo thấy được đường lối khoan hồng của Đảng để bị cáo yên tâm cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội.

15h25: Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Ánh:

Tại tòa bị cáo không kêu oan về tội danh, nhưng có 2 nội dung xem xét là bị cáo không thực hiện như vậy.

Trong vụ án này, đồng tình quan điểm của luật sư Hưng và Thiệp. Việc áp dụng khoản 3 cho bị cáo Ánh là không có cơ sở.

Bị cáo khẳng định không chuẩn bị xe ô tô đưa Dũng đi trốn, án sơ thẩm quy buộc bị cáo như vậy là không đúng. Ánh không có đủ uy tín để thực hiện mượn xe của anh Bình. Việc nói bị cáo mượn xe đưa Dũng đi trốn là oan cho bị cáo.

Án sơ thẩm kết luận Ánh thường xuyên nhận điện thoại của Trọng và Sơn để đưa Dũng đi bỏ trốn là không đúng, cáo buộc của VKS là không có cơ sở. Kết luận bị cáo Ánh xuyên suốt quá trình đưa Dũng đi bỏ trốn là không đúng.

Bị cáo chỉ có mặt khi ngồi trên xe đưa Dũng đi, không biết gì, chỉ nhận nhiệm vụ đi công tác trong TP.HCM. Các lời khai của Trọng và Sơn đã cho thấy rất rõ ý thức chủ quan này của bị cáo Ánh, bởi bị cáo đang trong giai đoạn tham gia phá vụ án nổ mìn ở Thái Nguyên nên nhận lệnh đi công tác của sếp là bình thường.

Bị cáo trình bầy nhiều lần, khi nhận lệnh của cấp trên là cứ thế lên đường, đó là nguyên tắc làm việc của lính hình sự. Việc để điện thoại ở nhà và nhận điện thoại khác để liên lạc cũng là bình thường với một cảnh sát hình sự.

Việc này cũng được các bị cáo khai trước tòa. Dù vậy bị cáo không chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc để ông Dũng bỏ trốn. Bị cáo đề nghị xem xét hành vi khách quan và chủ quan để khách thể hành vi của bị cáo, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.

Ngoài tình tiết giảm nhẹ án sơ thẩm đã xem xét đến, cần xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ khác như, là cảnh sát hình sự trẻ, đang dốc tâm phục vụ công việc, đã được tặng giấy khen...

15h45: Luật sư Nguyễn Thái Hòa, bào chữa cho bị cáo Tuấn:

Tuấn chỉ tham gia một giai đoạn đưa ông Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh. Tất cả các bản cung đều khai anh Trọng nhờ đi đón Dũng và không hề biết đón Dũng làm gì.

16h10: Bị cáo Tuấn: Những điều luật sư của tôi trình bầy hoàn toàn nhất trí. VKS đã rất khiên cưỡng đối với tôi. Không thể nói việc tôi làm lĩnh vực về hàng hải, thân thiết với gia đình anh Dũng thì tôi phải biết việc anh Dũng bị khởi tố, bị bắt giam vì sai phạm.

16h15: Các bị cáo được trình bổ sung ý kiến sau khi các luật sư đã trình bầy phần bào chữa.

TRANH LUẬN GAY GẮT VIỆC "GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG"

16h17: VKS đối đáp với phần bào chữa của các luật sư:

Luật sư cho rằng đánh giá hậu quả phải là định lượng chứ không thể định tính, nhưng đây không phải là hậu quả vật chất nên không thể đánh giá định lượng được. Quan điểm của VKS không có gì thay đổi.

Việc truy tố các bị cáo cùng một khung phạt trong trường hợp này là đúng, chính xác.

Liên quan đến vấn đề đánh giá hậu quả, luật sư viện dẫn Thông tư 09, hướng dẫn, đưa bao nhiêu người thì hậu quả nghiêm trọng, nhưng Thông tư này chỉ áp dụng đối với đối tượng đưa người đi xuất khẩu lao động thôi. Ở đây là khác, không thể đánh đồng được.

{keywords}

Viện kiểm sát đối đáp tại tòa.

Có ý kiến cho rằng đưa Dương Chí Dũng đi nhưng không biết tại sao đưa đi, không thể đánh giá hậu quả, đây là nhận thức chưa đầy đủ. Đây là vụ án có đồng phạm, các bị cáo khác tiếp nhận ý chí của bị cáo đầu vụ, chưa hình dung ra vụ việc nhưng vẫn làm. Đây là luật quy định là lỗi cố ý gián tiếp, không biết hậu quả xảy ra nhưng vẫn làm.

Ý kiến bào chữa cho rằng bị cáo Trọng không chủ mưu bởi có người mật báo. Đánh giá như vậy là có vấn đề. Tình tiết người mật báo nếu chứng minh được chỉ là điều kiện thôi.

Khi tiếp nhận thông tin, xử lý như thế nào thì bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Trong vụ án này, việc đưa Dũng ra nước ngoài đều là làm theo ý kiến của Dũng, nhưng ở đây chủ thể không phải là người đi trốn mà là người giúp cho người khác trốn đi nước ngoài. Chỉ cần một người thôi cũng đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài rồi. Loại trừ yếu tố đầu vụ đối với bị cáo Trọng là không có căn cứ.

Về bị cáo Ánh: Vấn đề đưa ra tranh luận là bị cáo chuẩn bị phương tiện, không tham gia xuyên suốt qúa trình, nhưng ở đây VKS không nói bị cáo thực hiện xuyên suốt.

Vấn đề Dương Chí Dũng phạm tội như thế nào là Dũng phải chịu trách nhiệm, việc đánh giá hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo là nó ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Đối với bị cáo Phạm Minh Tuấn cho rằng bị oan, ở đây đã thẩm vấn và bị cáo thừa nhận đi đón anh Dũng như vậy, ở nơi như thế, đêm hôm như thế. Ở đây bị cáo Tuấn đã thấy là có chuyện. Cho dù Tuấn chưa biết rõ Dũng dính vào việc gì nhưng vẫn làm theo nhờ vả của Trọng, bất kể hậu quả nên đủ cơ sở xác nhận bị cáo Tuấn là đồng phạm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn cho rằng, tình tiết Tuấn không nhận tội thì bị coi là tăng nặng, thì không có chuyện như vậy. Bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan nên chỉ xem xét phần kháng cáo này. VKS không hề nói rằng bị cáo Tuấn không nhận tội là tình tiết tăng nặng.

16h30: Luật sư Nguyễn Đình Hưng: Càng nghe đối đáp của VKS càng thấy bất cập. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vậy không thể định tính chung chung.

Về vấn đề chủ mưu, chỉ có một người biết thông tin và bảo ông Dũng trốn đi, như thế nếu ông Dũng không chủ định đi sao ông Trọng tổ chức đi được. Không thể nói hai cái này không dính líu với nhau được.

16h37: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Văn Dũng: VKS đã không đưa ra từng lập luận của mình đối với từng ý kiến để phản bác hoặc đồng thuận.

Khi đưa ông Dũng đi trốn, các bị cáo không biết đến hậu quả xảy ra ở Vinalines. Vậy thì làm sao buộc các bị cáo phải chịu hậu quả xảy ra ở Vinalines. Khi đó khởi tố ông Dũng là khởi tố tội Cố ý làm trái, không phải tội Tham nhũng, sao lại đưa nhận xét về việc nghi ngờ của quần chúng về việc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Căn cứ vào đâu để buộc bị cáo Dũng chịu trách nhiệm về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng? Việc áp dụng khoản 3 đối với bị cáo Dũng cần xem xét lại.

Còn ý nữa tôi chưa thấy được VKS tranh luận: 2 hay nhiều người trở lên cố ý thực hiện hành vi phạm tội là đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố tội Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Hậu quả các bị cáo mong muốn là anh Dũng sang được Campuchia. Ngoài ra, các bị cáo không biết được những hậu quả khác, để từ đó quy kết bị cáo theo khoản 3. 

16h40: VKS đối đáp với luật sư Thiệp về vấn đề nêu trên:

Có sự cấu kết chặt chẽ là có đồng phạm, không phải đồng phạm giản đơn. Các bị cáo phải chịu chung trách nhiệm về hậu quả đó.

Thời điểm đó bị cáo Trọng cũng chưa biết bị cáo Dũng phạm tội gì, nếu có biết thì cũng là phạm tội Cố ý làm trái thôi, không thể quy kết hậu quả được. Vấn đề này VKS cho rằng, Trọng không biết tội gì nhưng biết việc sai phạm của Dũng ở Vinalines rồi.

Sau đó tổ chức Dũng trốn ra nước ngoài, như vậy là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. VKS không hề nói rằng vì ông Dũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà quy kết các bị cáo cũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

17h05: Tòa kết thúc tranh luận.

CÁC BỊ CÁO NÓI LỜI SAU CÙNG

- Bị cáo Trọng nghẹn ngào: Do những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện khoản 3 điều 275 bộ luật hình sự chưa được cụ thể rõ ràng nên mong HĐXX áp dụng điểm có lợi cho bị cáo.

Đề nghị xem lại yếu tố lỗi đối với bị cáo Tuấn. Xem xét lại vai trò của bị cáo Sơn. Sơn chỉ có vai trò ngang bằng các bị cáo khác. Bị cáo bị tạm gian đã hơn 1 năm, thời gian trôi qua chậm chạp, lặng lẽ và dài đằng đẵng.

Ở hoàn cảnh đó, mỗi giây, mỗi phút là sự khát khao tự do, nỗi nhớ nhà da diết cùng với khắc khoải lo lâu tuyệt vọng và xót xa.

Càng xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ tâm nhất là khi nghĩ về bố mẹ. Tôi có nhiều đêm giật mình thổn thức gọi mẹ, nhớ mẹ và thương mẹ vô cùng.

Mỗi khi hướng lên tầng trên, nơi có buồng giam anh Dũng tôi thầm đọc cho anh nghe những câu của Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo, kể cho anh nghe những câu chuyện giàu truyền thống nhân đạo, vị tha của dân tộc ta để động viên anh cố gắng.

Tôi có xin phép chủ tịch nước từ bi cho anh Dũng và anh Phúc được sống. Ngày nào tôi cũng cầu xin và hy vọng điều đó. Cầu xin trời phật cho bố mẹ tôi thêm tuổi để mong đợi con.

Kính mong HĐXX công minh, công tâm trong xét xử, không khiên cưỡng, không suy luật theo kiểu con gà đẻ trứng, văn minh và nhân đạo.

- Bị cáo Ngô Tiến Sơn: Đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ để cho tôi được trở về với gia đình. Sáng nay mới biết bố mất, bố tha lỗi cho con, con sẽ mau chóng trở về với đời sống, cống hiến, làm lại cho gia đình, xã hội.

- Bị cáo Đồng Xuân Phong: Bị cáo đã bị tạm giam 16 tháng, nhận thức được hành vi phạm tội của mình, rất thấm thía về tội lỗi. Mong HĐXX xem xét nhân thân bị cáo, gia đình bị cáo chỉ có hai anh em. Bị cáo và em gái, mẹ tai nạn chiến tranh, bom bi găm đầy người, già yếu. Mong HĐXX xem xét để bị cáo được sớm trở về chăm sóc bố mẹ, chăm 2 con trai nhỏ, làm lại cuộc đời.

- Bị cáo Dũng "bắc kạn": Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo những tình tiết giảm nhẹ đã khai nhận, xin được hình phạt thấp nhất để chóng được trở về làm người tốt cho xã hội.

- Bị cáo Ánh: Đề nghị xem xét cho động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo, mong được xem xét cho hoàn cảnh của bị cáo. Bị cáo được biết thông tin về biển Đông, bị cáo hiểu được mất quyền tự do của công dân, của dân tộc sẽ nặng nề, xót xa như thế nào.

Bị cáo xin được hưởng mức án thấp nhất, mong được trả tự do tại tòa để về phụng dưỡng gia đình, bảo vệ quê hương, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Xin hứa không bao giờ vi phạm pháp luật nữa.

- BC Tuấn: Triết lý khoan hồng có từ ngàn xưa của dân tộc VN, đối với những người đã có đóng góp cho đất nước, mong xin được giảm án cho mỗi bị cáo, kéo theo giảm đau khổ cho những người con, người mẹ.

Tôi biết anh Dũng bị tuyên án tử, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng xin Chủ tịch nước khoan hồng đối với anh Dũng.

17h17: Tòa nghỉ. Đến 13h30 ngày 23/5 sẽ tuyên án.

CLip: Lời cuối cùng xúc động của Dương Tự Trọng

"Xót xa hơn khi vì mình mà những người thân đang ngày đêm phải chịu những đau khổ, cay đắng. Khổ tâm nhất là khi nghĩ về bố mẹ" - bị cáo Dương Tự Trọng nói lời cuối cùng vào chiều 22/5.

NHÌN LẠI ÁN SƠ THẨM 

Trước đó, trong các ngày 7 và 8/1, TAND Hà Nội đã đưa ông Dương Tự Trọng và đồng phạm ra xét xử tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại Điều 275 - Bộ Luật hình sự.

HĐXX cấp sơ thẩm xác định, ngày 17/5/2012, Dương Tự Trọng chỉ đạo "đàn em" và thuộc cấp đưa anh trai là Dương Chí Dũng đến tạm lánh tại nhà bạn gái của ông Trọng ở Cầu Giấy.  Từ đây, ông Dũng được đưa đi Quảng Ninh.

Dương Tự Trọng, Dương Chí Dũng, em trai Dương Chí Dũng, phúc thẩm
Dương Tự Trong trong phiên tòa sơ thẩm. Ảnh TTXVN

Đến ngày 21/5/2012, Dương Chí Dũng được đưa từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), trốn sang Campuchia vào khoảng 19h ngày 23/5/2012.

Cuộc trốn chạy của Dương Chí Dũng bất thành khi ông ta không thể nhập cảnh vào Mỹ và bị bắt sau đó.

Ông Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi (sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn) đã đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các bị cáo khác thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Hành vi của các bị cáo bị HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng đã gây khó khăn cho công tác điều tra, gây hoài nghi xã hội, nếu không bắt được ông Dũng sẽ không thu hồi được tiền tham ô nên hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiệm trọng.

HĐXX cấp sơ thẩm khẳng định, truy tố của VKS là đúng người đúng tội. Cho rằng bị cáo Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo này mức án 18 năm tù giam.

Các bị cáo còn lại là Sơn, Thắng Phong, Dũng "Bắc Kạn", Ánh và Tuấn được cho rằng đã khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập trong vụ án.

Phần thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm, 6 bị cáo này thừa nhận nội dung truy tố là đúng. HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo này như sau: Vũ Tiến Sơn: 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng: 5 năm tù; Đồng Xuân Phong: 7 năm tù; Trần Văn Dũng: 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh: 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn: 5 năm tù.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Dương Tự Trọng và đồng phạm, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng, người đã bị tuyên án tử hình trong vụ án tiêu cực xảy ra tại Vinalines cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng.

Tại tòa ông Dũng đã khai ra người mật báo và khuyên ông ta bỏ trốn là một cán bộ công an.

Theo lời khai của ông Dũng, ông ta đã nhiều lần đưa số tiền lớn cho vị cán bộ này. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và nhân chứng, đại diện VKS nhận thấy có dấu hiệu của hành vi cố ý làm lộ bí mật nên đã kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật.

Xét lời khai của Dương Chí Dũng, một lần nữa khẳng định, nhận được thông tin sẽ bị bắt và khởi tố đã bỏ trốn đúng vào thời điểm nhận được thông báo.

Khai nhận này của ông Dũng hợp với nhật ký hành trình bỏ trốn của ông ta. Cho rằng VKS đề nghị khởi tố vụ án là có căn cứ, HĐXX cấp sơ thẩm đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật.

Tuyết Nhung