Trong đơn ly hôn, người vợ yêu cầu chồng phải trả tiền chăm sóc con cái, tiền sửa chữa nhà, tiền công chăm chồng và cả tiền… quan hệ tình dục hơn 26 năm làm vợ.
TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) vừa tiếp nhận đơn của bà LTLH
đòi ly hôn với chồng là ông Tr. Đây là lần thứ năm bà H. nộp đơn ra tòa xin ly
hôn chồng. Trước đó, bà đã bốn lần đệ đơn ra tòa ly hôn nhưng sau đó lại rút
đơn.
Đòi “phí làm vợ” trong 26 năm
Theo đơn xin ly hôn, bà H. và ông Tr. kết hôn từ năm 1988, có hai con chung (một
gái, một trai) đều đã trưởng thành.
Nhưng quá trình sống với nhau không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, ông Tr. hay ghen tuông vô cớ và đánh bà H. Sự việc đã được chính quyền địa phương can thiệp, hai bên gia đình khuyên bảo nhưng không thể hóa giải.
Theo bà H., những lần trước bà nộp đơn ra tòa ly hôn nhưng ông Tr. không đến tòa nên tòa không thể giải quyết, đồng thời do nghĩ cho các con nên bà rút đơn. Lần này do mâu thuẫn gia đình trở nên căng thẳng, các con đã lớn nên bà quyết ly hôn để giải thoát cho mình.
Bà H. cho biết do vợ chồng bà chỉ có căn nhà đang ở là tài sản chung nhưng là của mẹ ông Tr. cho và không có giấy tờ nhà đất nên bà không tranh chấp. Tuy nhiên, 26 năm làm vợ là từng ấy năm bà chịu cảnh bị chồng đánh đập, ngay cả lúc đang mang thai và mới sinh xong được mấy ngày.
Không chỉ thế, 26 năm qua bà phải
một mình nuôi con, nuôi chồng, sửa chữa căn nhà và phải phục vụ ham muốn của
chồng, có những lúc không đáp ứng được là phải chịu cảnh bị chồng hắt hủi, đánh
đập. Vì vậy khi ly hôn do tài sản không có nên bà phải đòi lại các khoản “phí”
trên.
Bà H. tính, về tiền quan hệ tình dục, ông Tr. phải trả cho bà mỗi tháng 2 triệu
đồng, nếu tính tổng 26 năm sống chung, bà đòi 624 triệu đồng. Còn về tiền chăm
sóc chồng, chăm sóc con và tiền bà bỏ ra để sửa nhà… do không có hóa đơn và giá
cụ thể nên bà yêu cầu ông Tr. phải trả tổng cộng 500 triệu đồng.
Người chồng: “Vợ tôi bị điên mất rồi!”
Chúng tôi gặp ông Tr., câu đầu tiên ông nói là: “Vợ tôi bị điên mất rồi!”. Nói
xong ông cười khà khà như không có chuyện gì xảy ra.
“Cô thấy đó, ban ngày tôi đi làm thợ hồ, đêm đến đi làm bảo vệ rồi ngủ lại chứ không dám về nhà vì không chịu được tính khí của bà ấy. Bà ấy nói nhiều lắm, lại hung hăng, hiếu chiến, lúc nào cũng cho là mình đúng.
Nhiều khi nhớ con về thăm một lúc là tôi lại đi
ngay. Khi ít việc, tôi ở nhà đóng cửa ngồi trong phòng xem tivi nhưng bà ấy đứng
ngoài nói vọng vào khiến tôi muốn điên cái đầu, phải lấy xe bỏ đi. Vậy mà bà ấy
không hiểu cứ bảo chồng đi ngoại tình…”.
Ông Tr. cho biết đã gần một năm nay ông chỉ ăn, ngủ ngay tại chỗ làm. Tuy nhiên,
ông nói mình không muốn ly hôn vì tuổi đã cao.
“Sống với bà ấy bao nhiêu năm, vì con tôi đã nhịn và cho qua rất nhiều. Giờ tuổi đã cao, các con đã trưởng thành, sống với bà ấy chẳng được mấy năm nữa đâu, cố nhịn cho nó lành. Mấy lần trước, cứ mâu thuẫn là bà ấy viết đơn ra tòa đòi ly hôn rồi rút đơn.
Lần này bà ấy làm
căng, bắt phải ký đơn, tôi ký nhưng để thử thái độ bà ấy thế nào chứ thật ra tôi
chỉ mong gia đình được yên ấm, bà ấy sẽ nghĩ lại. Còn nếu bà ấy cứ cương quyết,
tòa có xử thì tôi cũng không có từng đó tiền để trả bà ấy” - ông Tr. nói.
“Tôi mong bà ấy rút đơn”
Ông Tr. kể một tháng ông đi làm thợ hồ được 2-3 triệu đồng, làm bảo vệ ban đêm
được 3,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng ông phải đưa cho vợ một nửa để đi chợ, lo
cho con đi học. Số còn lại ông dùng tiêu vặt và tiết kiệm lúc ốm đau hay mất
việc.
“Bà ấy cứ bảo tôi làm tháng trên 10 triệu đồng rồi bỏ đi đâu hết mà không
biết chồng mình kiếm được đồng tiền cực khổ thế nào. 26 năm qua, tôi có nhiệm vụ
đi làm kiếm tiền, bà ấy ở nhà chăm sóc con và cơm nước. Nhà có hai căn phòng cho
thuê mỗi tháng cũng được gần 4 triệu đồng, bà ấy giữ. Không biết bà ấy đòi mấy
cái khoản “phí” kia để làm gì!”.
Ông Tr. kể cha mẹ ông có mấy mảnh đất, chia cho sáu anh em ông cùng ở nhưng chưa
làm giấy tờ nhà đất cho ai. Phần đất của ông khi xây nhà còn một khoảnh trống
phía sau, bà H. đòi bán để xây nhà lầu, ông không chịu. Bởi đó là mảnh đất của
cha mẹ cho ở nhờ nên ông không có quyền bán.
Hơn nữa, ông nghĩ giờ kinh tế đang khó khăn, tạm thời cứ ở căn nhà hiện tại, sau này có tiền sẽ xây sau.
“Tôi giữ
cũng là cho bà ấy và cho hai đứa con. Bà ấy có ly hôn cũng ở trong nhà đó chứ ở
đâu. Giờ mà bán đi thì sao ăn nói với cha mẹ và các anh em. Với lại giao tiền
cho bà ấy, tôi không yên tâm. Trước đây, tôi đi làm tiết kiệm từng đồng, đưa cho
bà ấy giữ nhưng khi hỏi thì… không còn. Vậy mà bà ấy không hiểu, lúc nào cũng
làm ầm lên, đòi đưa tiền, bán đất xây nhà lầu, không được thì lại đòi ly hôn” -
ông Tr. tâm sự.
Ông Tr. nói thông qua báo Pháp Luật TP.HCM, ông chỉ mong bà H. sẽ hiểu chồng, ít
nóng giận và rút đơn ly hôn để gia đình được yên ấm. “Ước nguyện xây nhà lầu của
bà, tôi sẽ thực hiện nhưng không phải vào lúc này” - ông Tr. nói.
Trái luật và đạo lý Tôi cho rằng không thể đòi được tiền quan hệ tình dục giữa vợ chồng. Cả quy phạm pháp luật lẫn quy phạm xã hội đều không chấp nhận loại giao dịch này. Tương tự, chi phí chăm sóc chồng, con cũng không được chấp nhận. Bởi theo quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình thì quan hệ vợ chồng nhằm tạo lập cuộc sống chung với mục đích xây dựng gia đình và nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội. Điều 18, Điều 19 luật này cũng quy định quan hệ vợ chồng là quan hệ có tình nghĩa và bình đẳng, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc nhau, nuôi dưỡng con cái nên người. Vì vậy việc người vợ đòi tiền nuôi dưỡng, chăm sóc chồng, con là không có cơ sở để chấp nhận và cũng trái đạo lý làm người. Tuy nhiên, với khoản tiền sửa chữa nhà, tòa sẽ xem xét trên cơ sở bà H. phải chứng minh. Tòa cũng sẽ xem xét để xác định tài sản chung tạo lập trong thời kỳ hôn nhân giữa hai người để phân chia nếu đương sự có yêu cầu và có chứng cứ thuyết phục. Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) Đây là vụ án có một không hai mà chúng tôi từng gặp. Đây không phải lần đầu bà H. nộp đơn ra tòa đòi ly hôn chồng mà bà đã làm những năm lần. Nó đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên có người ly hôn để đòi tiền quan hệ tình dục với chồng. Thụ lý vụ án, chúng tôi rất bỡ ngỡ và đang tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mong bà H. rút đơn như những lần trước để cùng chồng xây dựng cuộc sống gia đình. Một thẩm phán TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) |
(Theo Pháp luật TP HCM)