Câu chuyện vợ chồng anh Trịnh Minh Vương (36 tuổi) và chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi) hành nghề mua bán ve chai ở TP.HCM bất ngờ nhặt được 5 triệu Yên Nhật trong loa thùng cũ mấy tháng trước khiến dư luận xôn xao. Chuyện gây tò mò rồi nhanh chóng vào im lặng. Ít ai biết phía sau nó là những nỗi buồn man mác.


Tôi tìm đến một căn nhà nhếch nhác trong hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM và may mắn được gặp trước lúc chị Hồng đẩy xe đi mua ve chai. 

Gặp chị không phải dễ, bởi làm nghề ve chai là đẩy chiếc ba gác lặn lội từ tinh mơ đến tối mịt. Câu chuyện cũng ngắt quảng bởi chị đang lùa vội tô bún riêu trước lúc lên đường.

Chuyện buồn “tỷ phú”

“Tình thật, chị không muốn nói nhiều đến chuyện này nữa. Buồn lắm em” - chị Hồng khẽ bắt đầu câu chuyện. 

Chị kể, từ hồi “nhặt” được 5 triệu Yên (tương đương 1 tỷ đồng), cuộc sống chị quá nhiều xáo trộn. Vợ chồng chị ngày nào cũng tiếp khách, hết báo chí rồi đến “người quen”. 

Mấy hôm đầu, ở đâu ra một nhóm người túc trực trong con ngõ nhận là chủ nhân số tiền. Vợ chồng chị đâm hãi. Bây giờ, người ghé thăm thưa dần, cuộc sống mới trở về yên ổn.

{keywords}
Chị Hồng trong căn nhà ngập ngụa ve chai 

Chồng chị mấy tháng nay phát hoảng. Ảnh vừa về quê rồi, giờ còn chị ở lại đây thôi” - chị Hằng nói. Sau hai tháng mệt mỏi, anh Vương chồng chị về quê ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi làm một sào ruộng. Ban ngày anh đi chăn bò. Tối đến lo cho các con.

Vợ chồng chị có hai đứa con, đứa lớn lớp 7, đứa nhỏ lớp 1. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng phải gửi con lại nhờ ông bà nuôi, vào thành phố mưu sinh nhiều năm nay. Chuyện anh chị trúng tiền Nhật lan về tận quê. Người ta biết vợ chồng chị khổ, thành tâm chúc mừng. 

“Ảnh về quê cho yên lành, gần con cái. Nếu không phải mưu sinh, chị cũng về em ạ. Nói thiệt, tụi chị không bao giờ ỷ lại vào số tiền ấy. Trời cho thì mình hưởng. Chứ không được quên mình đang khổ” - Chị nói chân thành.

Hàng ngày, chị phải đẩy ba gác đi cả chục cây số. Có khi đến tối mới về nhà. Chị thật thà kể, công việc thu mua ve chai cho thu nhập cỡ 5 triệu đồng/tháng. Ăn uống tằn tiện còn lại bao nhiêu gửi về quê lo cho con. 

Chị xòe hai bàn tay chai sạn nhiều năm gắn bó với nghề, kể: - "Mua được máy bơm nước thì về dùng búa gõ ra. Mua dây điện thì về cầm dao gọt vỏ lấy lõi đồng. 14 năm như vậy, tay anh tay chị nhằng nhịt sẹo. Ai làm nghề mới thấm được nỗi cực nhọc...".

Tình, lý của 5 triệu Yên

Chị Hồng cùng hơn chục phụ nữ khác ở trong căn nhà ẩm thấp tuềnh toàng, bốn bề ngập ngụa ve chai. Ông chủ vựa thương tình cho các chị ở không lấy tiền. Đổi lại, các chị phải bán ve chai thu mua được cho ông này. Họ đều gốc Quảng Ngãi, sống với nhau tình cảm như chị em. 

Về chuyện 5 triệu Yên Nhật, ai hỏi, chỉ thấy các chị cười. Chuyện chị nhặt được 5 triệu Yên Nhật cũng rất tình cờ. Tháng 11/2013, chị mua cái tủ sắt cũ với giá 100 ngàn đồng từ một người đàn ông khoảng 40 tuổi ở góc đường Âu Cơ – Trần Văn Quang (Q.Tân Bình - Sài Gòn). 

Đến hôm 21.3, chị Hồng đem cái tủ sắt ra đầu hẻm đập để bán sắt vụn. Nào ngờ trong cái tủ sắt rơi ra một hộp gỗ. Những tờ tiền lạ mắt trong hộp bung ra, bay tứ tung. Chị Hồng không biết tiền thật hay tiền giả, vì cả đời chị có biết tờ tiền Yên của Nhật Bản là gì đâu.

“Lúc đầu, chị còn tưởng tiền âm phủ. Chị đem cho những người xung quanh vài tờ để làm… kỷ niệm” - chị kể. Một lát sau bỗng có hàng chục người lạ ùn ùn kéo đến căn nhà trọ. Hoảng quá, vợ chồng chị ôm tiền vào nhà đóng kín cửa. 

May thay, có bác bán mì đầu hẻm kêu nhà báo giúp. Rồi công an phường mời vợ chồng chị lên làm việc. Chị Hồng đã chuyển toàn bộ số tiền cho công an phường niêm phong chờ hướng xử lý. Tổng số tiền trong hộp gỗ mà chị Hồng phát hiện là 520 tờ mệnh giá 10.000 Yên, tương đương 1 tỷ đồng.

{keywords}
Nhặt 5 triệu Yên, nhưng chồng về quê nuôi bò, vợ vẫn gắn bó với nghề ve chai

“Nhiều người hỏi, thành tỷ phú rồi chị làm gì? Chị vẫn làm ve chai thôi em ạ” - chị nói. 

"Một tỷ đồng, với anh chị là khoản tiền cả đời mơ không thấy. Nhưng không vì nó mà làm hư mình. Chị nộp tiền cho công an. Được hướng dẫn, sau một năm không ai nhận thì chị được nhận phần mình. 

Nếu không ai nhận, khi nào có tiền, chị dùng một ít trả ơn những người giúp đỡ mình. Phần khác anh chị sửa lại căn nhà dột nát xiêu vẹo cho mẹ anh và mẹ chị ở quê. Cả hai đều nghèo", chị nói. 

Nói chuyện một lúc, tôi mới biết chị mồ côi cha từ lúc 15 tuổi, mẹ chị lặn lội nuôi 6 chị em. Bây giờ về già không có nổi một căn nhà tử tế. 

“Còn lại bao nhiêu. Chị để dành cho hai con ăn học em ạ. Đời anh chị cực khổ nhiểu. Chỉ mong chúng nó ăn học đàng hoàng em ạ” - Chị nói, mắt đỏ hoe.

Chị Hồng tâm tình, trong thời gian chờ nhận số tiền, chị chỉ chú tâm công việc và gia đình. Không màng chuyện gì khác.  Tôi bỗng lo cho nhiều dự định của chị. Thấy buồn vì chị và các bạn bè hình như đinh ninh tin rằng toàn bộ số tiền sẽ thuộc về chị Hồng nếu sau một năm không tìm được chủ nhân.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng, phân tích: Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật đó có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó sẽ thuộc sở hữu của người nhặt được.

Nếu giá trị của vật vượt quá 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ đi chi phí bảo quản, người nhặt sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cộng với 50% giá trị của phần vượt quá; phần giá trị còn lại sẽ thuộc Nhà nước.

Như vậy, theo luật, chị chỉ nhận được hơn 500 triệu đồng. Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng vợ chồng chị đã thật thà khai báo. Nếu muốn hưởng trọn thì cũng chỉ có vợ chồng chị và...cái loa thùng biết! Im lặng, họ đã hưởng trọn tất cả. Không phải trải qua nhiều ưu phiền, nhiều trắc trở. 

Luật vẫn là luật. Người viết bài này vẫn mong cái tình cuối cùng cũng sẽ đến được với đôi vợ chồng hiền lành và lam lũ ấy.

(Theo Một thế giới)