- Có những bi kịch, họ ra tay sát hại chính hai đứa con đẻ của mình vì nghĩ đó là... rắn độc; hay tự tay cắt phăng của quý ném xuống sông vì... không cần dùng đến; có cả những "tỷ phú tranh tường" và "ngôi sao sân khấu chèo"...

LTS: Đông Kinh (huyện Đông Hưng, Thái Bình) là xã thuần nông như bao xã khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, vựa lúa quê hương Năm Tấn. Ở đây có địa danh Vô Hối – Trại Tâm thần kinh đầu tiên dành cho thương bệnh binh, người có công của tỉnh.

Đây cũng là cơ sở được thành lập chỉ sau một năm Thông tư số 06 được Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Định ký ngày 18/3/1978 về một số chế độ đối với người bệnh tâm thần mãn tính nặng được nhận vào các khu điều trị tâm thần mãn tính dành cho các thương bệnh binh, người có công với xã hội.

Với Thông tư 06 được ban hành, những thương bệnh binh, những đối tượng chính sách bị ảnh hưởng chất độc da cam do cha/mẹ mình tham gia chiến tranh để lại của quê lúa đã có cơ hội được chăm sóc tập trung, không phải lang thang màn trời chiếu đất, và góp phần làm nhẹ gánh nặng cho người thân, gia đình, hàng xóm… mỗi khi họ lên cơn, kích động.

Những gì PV được chứng kiến, là những câu “chuyện cười” mà nước mắt ròng ròng, bởi hơn hết, đó là một cuộc sống bi kịch, không hạnh phúc, may mắn như những đồng đội khác, của một số người lính trở về quê hương sau thời quân ngũ.

Năm 1979, Trại Tâm thần kinh Vô Hối được thành lập trên khu chuồng trại chăn nuôi, giết mổ lợn của Ty Thương nghiệp Thái Bình. Tháng 7/1979, trung tâm tiếp nhận 40 bệnh nhân đầu tiên là những thương bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, bị dư chấn chiến tranh…

{keywords}
Trại Tâm thần kinh Vô Hối (Đông Kinh, Thái Bình) - nơi gần 40 năm chăm sóc các thương bệnh binh, người có công, đối tượng XH... bị mắc bệnh tâm thần. 

Theo thời gian, con số các bệnh nhân như thế đang ở ngưỡng 210 người, trong đó, rất nhiều người đã “thường trú” ở đây vài chục năm trời, và các đối tượng được mở rộng hơn, bao gồm cả đối tượng chính sách, con em các bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam…

Bạn đọc hoàn toàn có thể nhận định, với những đặc thù riêng của các đối tượng được chăm sóc nơi đây, với một “lịch sử” ngót nửa thế kỷ thành lập từ thời kỳ trước đổi mới…, đương nhiên, hạ tầng, cơ sở của Trại tâm thần kinh Vô Hối chắc chắn sẽ là một bức tranh cũ kỹ, ảm đạm, xám xịt và… xuống cấp; một nơi mà không phải ai cũng muốn đến, muốn nghe những câu chuyện về thân phận, hoàn cảnh của những người đang điều trị.

Trong bài viết này, là câu chuyện về những người một thời kiêu hùng, nhưng không được hưởng cuộc sống hạnh phúc thời bình như những đồng đội hạnh phúc khác của họ.

{keywords}
Phía sau cánh cổng này là một thế giới khác...

Ông Phạm Xuân Vỵ - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng (tên gọi mới nhất vừa được UBND tỉnh Thái Bình, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình đổi vào tháng 9/2013 cho… phù hợp với tình hình mới, đồng thời cũng là để mở rộng thêm vai trò, chức năng của Trung tâm) là người có thâm niên gần 40 năm công tác trong ngành.

Giữ vẻ giản dị, gần gũi, thuần hậu vốn có của con người quê lúa, vừa tiếp phóng viên, ông Vỵ vừa hút thuốc lào bằng điếu bát, vừa kể những câu chuyện cuộc đời của các bệnh nhân, mà ông thỉnh thoảng lắc đầu, ánh mắt xa xăm, thở dài chua xót:

“Xót xa lắm, tôi cũng đã có những năm tháng trong quân ngũ, bây giờ, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng đội mình nửa ngây nửa dại, có những người, nếu như tỉnh táo trở lại, có thể, họ không tin những chuyện mình đã làm, với chính người thân của mình…”.

{keywords}
Bệnh nhân "tắm nắng" trên sân xi-măng dưới cái nắng oi nồng của mùa hè.

Bệnh nhân Hoàng Anh Q., người Tây Ninh, Tiền Hải khi đến trung tâm đang ở trạng thái bệnh tình nặng nhất, mà theo thuật ngữ chuyên môn, đó là lúc cường bệnh. Anh Q. là bộ đội đặc công nước, trước đó tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Anh đem lòng yêu và kết duyên vợ chồng với người phụ nữ nước bạn.

Hòa bình, anh đưa cả vợ con về quê, xã Tây Ninh, Tiền Hải sinh sống. Thế nhưng, hạnh phúc không kéo dài…

Trong một lần lên cơn kích động, Q. đã xuống tay sát hại cả vợ và con mình, sau đó là những ngày tháng dài sống trong Trung tâm Vô Hối. Anh chưa bao giờ tỉnh táo trở lại để nhớ về việc mình đã làm.

Tại Trung tâm, Q. vẫn là “chỉ huy” của rất nhiều các đồng đội, và nghĩ ra những trò mà người bình thường không bao giờ có thể nghĩ ra.

Giám đốc Phạm Xuân Vỵ kể: Một buổi sáng, cán bộ y tá báo cáo với tôi về việc, chiếc quạt trần trong phòng dành cho khu điều trị người có công bị… phá tan nát. Vội vàng xuống kiểm tra, tôi không tin vào mắt: chiếc quạt mới được lắp trên trần nhà cao chừng 3 mét, cánh quạt bị bẻ xoắn vụn như tàu lá chuối héo.

Phòng bệnh nhân tâm thần, không ai dám để bất kỳ vật dụng gì, bởi khi người bệnh lên cơn, kích động, những đồ vật đó sẽ trở thành vũ khí sát thương với chính những bệnh nhân đó.

Cho nên, những vật dụng duy nhất của người bệnh là những chiếc giường sắt cá nhân, chăn chiên, màn. Ở độ cao 3 mét, làm sao có thể “bay” lên để phá nát quạt được? Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết, “tác giả” của trò chơi này chính là Hoàng Anh Q.

Vì nghĩ rằng đó là cánh quạt trực thăng địch, Q. đã “chỉ huy” anh em tìm cách phá bỏ. Ba “ông” công kênh nhau theo chiều thẳng đứng đã bẻ vụn chiếc quạt trần – thiết bị mà Trung tâm phải làm tờ trình và chờ đợi rất nhiều năm tháng mới được phê duyệt.

Sau vụ phá hủy chiếc quạt trần, đến lượt những bóng đèn điện chiếu sáng ngoài sân công cộng. Anh em hò nhau lấy gạch đá ném vỡ sạch, rồi nhe răng ngồi cười với nhau. Lần lượt đến dây điện trong phòng cũng bị rút nghịch để… chơi.

{keywords}
Cách uống nước rất riêng biệt của những... người điên.

“Phải tâm sự thật với nhà báo điều này: có những người bệnh, đối tượng chính sách được hưởng chế độ của nhà nước, họ được gia đình đưa đến Trung tâm thần kinh Vô Hối để chúng tôi chăm sóc. Cũng có nhiều gia đình có trách nhiệm, thường xuyên đến thăm nom người bệnh, nhưng cũng có những gia đình, cả chục năm chẳng có ai đến ngó ngàng, phó mặc người bệnh cho cán bộ y bác sỹ chúng tôi.

Thế cho nên, trọng trách của chúng tôi là rất lớn. Không chỉ lo điều trị bệnh, chúng tôi còn kiêm luôn vai trò của những bảo mẫu, phải để mắt 24/24, vì ở một môi trường như thế này, chẳng có nguyên tắc nào đối với người bệnh cả. Họ nghĩ ra những thứ mà mình cũng không bao giờ nghĩ, và họ làm được những việc mà người thường không ai làm được…

Vì thế, nếu sơ sẩy để một bệnh nhân tâm thần, một thương bệnh binh tâm thần bị tại nạn hay tử vong, chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm với nhà nước, với xã hội, và với cả pháp luật”.

Cũng vì lý do này, toàn bộ các phòng bệnh nhân bắt buộc phải… để chay, không có điện, không có quạt, cũng như không lắp điện chiếu sáng.

“Không chỉ bệnh nhân khổ, mà chính các y, bác sỹ, điều dưỡng viên cũng khổ theo. Đêm, các ca trực đi tuần, đi kiểm tra các phòng bệnh, mỗi người phải trang bị một chiếc đèn pin, mò mẫm giữa đêm tối. Trời tạnh ráo, có trăng thì không sao, chứ nếu phải những đêm mưa gió thì đúng là… bi kịch” – bác sỹ Phạm Ngọc Duệ - Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng Vô Hối cho biết.

Kiên Trung

(Còn tiếp)