- “Bị cáo dẫn từng người đến miệng hố, giữ chặt rồi đánh mạnh sau gáy cho đến chết. Người nào chưa chết hẳn thì bị cáo dùng đá đập tiếp” – Hồ Văn Thành thản nhiên trả lời chủ tọa trong khi cả phiên tòa như chết lặng.
Lời khai rợn người
Ngày 30/5, TAND Quảng Trị đã xử sơ thẩm vụ sát hại 5 phu trầm quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Phiên tòa kết thúc, hai tên ác thủ đã phải nhận hai án tử hình, hình phạt cao nhất của pháp luật.
Phiên tòa khép lại nhưng lời khai của Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành vẫn còn ám ảnh rất nhiều người có mặt trong phiên tòa sáng hôm đó.
Hồ Văn Thành và Hồ Văn Công trước vành móng ngựa. |
Trong phần xét hỏi, cả Công và Thành đều trả lời các câu hỏi của tòa một cách mạch lạc, không vòng vo, giấu giếm.
Bị cáo Thành là người trình bày quá trình gây án, từ khi gặp Công cho đến khi bị bắt. Thành bảo lúc đó túng tiền nên sang nhà Công. Tại đây, Công rủ Thành sang Lào gặp Nguyên lấy súng AK đi khống chế phu trầm để cướp tài sản, đòi tiền chuộc, sau đó giết người bịt miệng.
Tòa hỏi: “Sau khi trói 5 phu trầm nhóm Công đã làm những gì?”
Bị cáo Công: “Bị cáo dẫn nhóm phu trầm sang Lào, trên đường đi, cả nhóm cử Nguyên nấu cơm nhưng không cho 7 phu trầm ăn. Trong khi Nguyên đi nấu ăn thì bị cáo bảo Thành đi chặt dây rừng để trói 7 phu trầm một lần nữa cho chắc chắn”.
Tòa: “Ai đánh chết 5 phu trầm?”
Bị cáo Thành: “Sau khi đào xong hố, bị cáo và Công bàn bạc rồi phân chia nhiệm vụ đánh nhóm phu trầm. Công tranh đập chết các phu trầm nên bị cáo đã dẫn cả nhóm đến miệng hố, giữ chặt để Công đánh mạnh vào sau gáy họ.
Đập một lần không chết thì đập hai, ba lần, Đập rồi nhưng chưa chết hẳn, còn rên nhẹ thì lấy đá đập tiếp cho đến chết mới thôi”.
Lời khai rùng rợn này của các bị cáo khiến người thân các nạn nhân cùng hàng chục dân địa phương về dự tòa chết lặng.
Tòa hỏi anh Đỗ Văn Hiền: “Anh trốn thoát được như thế nào?”
Anh Đỗ Văn Hiền: “Sau khi bị trói tay, chúng tôi được dẫn vào rừng. Đến tối, tôi tự mở được dây trói nhưng không trốn ngay lúc đó vì nghĩ nhóm Công chỉ dọa để đòi tiền chuộc. Nhờ ánh đèn pin tôi mới thấy Công và Thành giết anh em tôi. Hoảng quá, tôi bật dậy chạy trốn”.
|
Phu trầm Đỗ Văn Hiền, người may mắn trốn thoát trước khi đến lượt mình bị giết |
Đối mặt với cả Công và Thành trong phiên tòa, những ký ức đêm 23/3/2/2013 được anh Hiền kể lại nguyên vẹn: “Tôi thấy chúng đào hố, chia nhau giết anh em chúng tôi.
Nghe tiếng hét “chết hết rồi” của anh Trương Thanh Hiền, giờ nghĩ lại thấy lạnh cả sống lưng…”.
Hối lỗi muộn màng
Nhiều người tham dự phiên tòa sáng hôm đó chắc không thể nào quên được tiếng khóc ai oán của mẹ, vợ, những ánh mắt ngây thơ ngấn ngấn nước của con các nạn nhân.
Có lẽ họ đã phải chịu đựng nỗi đau nặng nề trong suốt hơn một năm qua. Cho đến khi dự phiên tòa này, chứng kiến 2 kẻ thủ ác bị tuyên hình phạt nặng nhất, người thân các bị cáo vẫn chưa hết uất hận. Nhiều người thậm chí còn định lao lên tấn công các bị cáo nhưng đã được giữ lại.
Chị Nguyễn Thị Hòe, vợ phu trầm xấu số Trần Văn Trị cho biết, cả đêm chị không ngủ được chỉ mong trời sáng để đến dự tòa. Suốt buổi sáng, mắt chị ướt nhòe, có lúc chị Hòe gục đầu bên di ảnh chồng khi nghe bị cáo kể lại hành vi gây án.
“Họ giết người quá độc ác, tàn bạo, bây giờ đã phải chịu trả giá. Hôm nay chồng tôi cùng các anh em đã có thể thanh thản phần nào nơi chín suối” - chị Hòe sụt sùi.
Chị Hoàng Thị Mỹ Lệ (SN 1979), vợ phu trầm Trương Thanh Hiền ôm chặt lấy bức di ảnh chồng khi nghe tòa tuyên án, nước mắt lăn dài trên hai gò má.
Con của các nạn nhân tham dự phiên tòa. |
“Đến giờ tôi vẫn chưa hết đau đớn. Hành vi tàn độc của chúng đã khiến gia đình tôi không còn nơi nương tựa” – chị Lệ nói trong nước mắt.
Tại phiên tòa, người dân không chỉ đau xót cho hàng chục thân nhân các phu trầm khóc rưng rức bên những bức di ảnh, mà đâu đó, cũng có chút thương cảm phần nào cho những kẻ sát nhân. Nghèo đói, thiếu ăn học, cờ bạc rượu chè đã đẩy Công và Thành đến hành vi tội ác, tước đoạt sự sống của nhiều người.
Hồ Văn Công và Hồ Văn Thành đều khai báo thành khẩn, tỏ vẻ hối lỗi và xin được đền bù thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Trong lời nói sau cùng, cả hai đều muốn được sống!
Nhưng phút hối lỗi đó có là gì khi nhìn lại hồ sơ gây án với hành vi man rợ, vô nhân tính của các bị cáo; khi so sánh với nỗi đau mất mát của 5 gia đình. Trước vành móng ngựa, dường như phần ‘người’ trong hai bị cáo mới tỉnh dậy, nhưng đã quá muộn!
Hai bản án tử là kết cục xác đáng, nghiêm khắc nhất mà pháp luật giành cho những kẻ thủ ác.
Hải Sâm