- Hội thảo “Những hành vi mạo hiểm của giới trẻ” diễn ra tại nhà Văn hóa Pháp – L’ Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội lúc 18h00 ngày 18/4/2011 do Giáo sư Alain J. Lemaitre thuyết trình với sự tham gia của Văn Quỳnh Anh, học sinh lớp 11 Pháp – Trường Chuyên Hà Nội Amsterdam và nhiều phụ huynh đặc biệt rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tham dự.
Hành vi mạo hiểm của giới trẻ Pháp

Để lí giải cho những hành vi mạo hiểm của giới trẻ Pháp đang ngày càng gia tăng, Giáo sư cho biết: “Tâm lí những người trẻ ở Pháp luôn đòi hỏi cảm giác mình phải thuộc về cái gì đó nhưng lại luôn tách mình ra khỏi xã hội. “Hãy quên tôi đi, đừng động chạm vào tôi…” nhưng lại mong muốn mình là một phần của xã hội, thể hiện bản thân khi có mặt nhiều người”.

Ông cũng phát biểu thêm rằng: “Ta bắt gặp hành vi ứng xử này ở các tầng lớp và môi trường xã hội rất khác nhau: thủ đô, các khu vực đông dân cư hay thành phố nhỏ, và cả nông thôn. Nếu phần lớn các bạn trẻ hòa nhập tốt và phát triển thực sự thì nhiều người trong số họ lại gặp phải khó khăn khi hòa mình với môi trường xã hội xung quanh, họ cảm thấy bị loại trừ và thường tỏ ra phải chịu đựng để sống, để gánh chịu và để lựa chọn.

Các hành vi ứng xử mới đầy bất trắc trước hết thể hiện một người không tốt, và bên cạnh đó thể hiện một cuộc tìm kiếm cá tính riêng. Như vậy, các hành vi ứng xử này có 2 loại: một mặt chúng thể hiện việc không được thừa nhận và không hòa nhập được, mặt khác chúng là một phương cách tạo dựng cá tính riêng.

Những hành vi mạo hiểm như uống rượu, sử dụng ma túy, đua xe… lặp đi lặp lại và giới trẻ coi đó là “niềm vui” (Ảnh minh họa - nguồn Việt báo)
Trong cả 2 trường hợp, các hành vi ứng xử này đều là bước đầu rèn tính tự chủ mà có thể gây đau xót và nguy hiểm; chúng thể hiện một ý muốn mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó”. Những hành vi mạo hiểm như uống rượu, sử dụng ma túy, đua xe… lặp đi lặp lại và giới trẻ coi đó là “niềm vui”.

Giới trẻ Pháp được đặt trong mối quan hệ với một nhóm người, với gia đình, với xã hội và với chính bản thân mình. Việc uống rượu cũng vậy, uống một mình sẽ khác với một nhóm người cùng uống, “nhóm như là chất xúc tác”.

Ma túy ở trẻ em giống như trò chơi, như hành vi chống lại người lớn và với đà phát triển này “chúng sẽ chống lại cả thế giới” dẫn tới 25% thanh niên độ tuổi 15 – 19 đã sử dụng ma túy 1 lần, 35% thanh niên đã sử dụng cần sa.

Giới trẻ lái xe mạo hiểm cũng chịu ảnh hưởng của nhóm, do không muốn mình phải ngồi sau một người bạn khác nên thể hiện sự dũng cảm, can đảm, chứng tỏ mình cũng làm được bằng cách đua với tốc độ lớn hơn gấp nhiều lần và thú tốc độ này có sự khác nhau giữa trẻ nam và trẻ nữ.

Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về hành vi mạo hiểm?


“Những hành vi mạo hiểm của giới trẻ chúng ta hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng theo mình là do họ bắt chước phim ảnh, thích thể hiện mình, thích mình là số 1. Về hiện tượng “nghiện sex” ở một bộ phận giới trẻ một phần là do gia đình, một phần là do bạn bè, do sự khiêu khích. Gia đình mâu thuẫn, con cái sẽ chán nản, bị bạn bè rủ rê lôi kéo, muốn tìm đến thế giới riêng, khoái lạc riêng, muốn quên đi tất cả.

Những vụ nữ sinh đánh nhau được đề cập đến trong thời gian vừa rồi cũng chỉ để thể hiện “cái tôi” mặc dù đời thường hiền lành, nhưng có vẻ rất muốn “hổ báo”, muốn ai cũng biết tới mình nhưng không nghĩ đến hậu quả đối với bản thân và cả gia đình”. Quang Đạo, sinh viên năm 2 Đại học Thủy Lợi bày tỏ quan điểm của mình.

Sau buổi tọa đàm bạn Hoàng Long, sinh viên Đại học Ngoại giao cho biết: “Hành vi mạo hiểm trong giới trẻ Việt Nam chắc chắn sẽ diễn ra với tốc độ có thể chậm hơn so với Pháp song trong vòng từ 10 – 20 năm tới tỉ lệ thanh niên sử dụng ma túy cũng sẽ lên tới 20% thậm chí là 25%”.

Quan điểm của một số bạn học sinh THPT cho rằng việc giới trẻ có những hành vi mạo hiểm là chuyện đương nhiên, là phản ứng tự nhiên của người trẻ trước những biến động của xã hội ngày càng hiện đại và cũng là để người trẻ có cơ hội để thể hiện cá tính của mình, bản sắc cá nhân mình.

Và vai trò của giới truyền thông?

Khi được hỏi về giới truyền thông Pháp đã làm gì trước thực trạng giới trẻ trong xã hội Pháp, Giáo sư Alain J. Lemaitre cho biết: “Truyền thông Pháp là truyền thông đa xu hướng chính trị. Báo chí nhấn mạnh đến trấn áp và chừng phạt thích đáng những người trẻ vượt quá giới hạn.

Nghiện rượu là một trong những hành vi nguy hiểm của giới trẻ (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Báo chí phân tích các hiện tượng xã hội, tìm ra nguyên nhân để hướng giải pháp, tham gia xây dựng 1 xã hội tốt đẹp hơn. Và, báo chí khác lại lên tiếng cho bộ phận giới trẻ “ưa mạo hiểm”, những hành vi mạo hiểm không chỉ là tiêu cực mà vẫn có những hành vi được coi là tích cực. Báo chí làm thế nào để đề cập đến những hành vi mạo hiểm của giới trẻ là mở”.

Báo chí nước ta trong thời gian qua đã đóng vai trò tích cực trong việc đăng tải tin tức, những bình luận đánh giá một cách khách quan, trung thực, ví dụ như hiện tượng thích “show hàng” của giới trẻ hay những clip đánh nhau của nữ sinh...

Điều này giúp công chúng nhận biết được thực trạng đời sống học sinh, sinh viên mặt khác định hướng dư luận, hướng tới xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, hình thành nhân cách sống của những người trẻ - người làm chủ cuộc sống.

  • Nguyễn Thảo