- “Cơn sốt” phá nhà cổ tại làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) được “khởi động” từ sau tết Tân Mão. Nhưng, “mốc” thời gian được chủ tịch xã Cự Khê xác nhận để lý giải cho tình trạng này, lại là thời điểm người dân chính thức… nhận tiền đền bù từ việc thu hồi đất nông nghiệp. Có tiền, đổi lại người dân mất ruộng và… đi tàn sát nhà cổ.

Việc phá nhà cổ xây nhà tầng tại Cự Đà, theo chính cách lý giải của lãnh đạo xã Cự Khê, là một điều không thể cưỡng lại. Lý do: người dân có nhu cầu thực sự về chỗ ở, khi quỹ đất ngày càng thu hẹp và tốc độ gia tăng dân số khiến dân cư ngày càng… phình ra.

Cự Đà đổi ruộng lấy… nhà?

Căn nguyên của hiện tượng “nhà nhà phá nhà cổ” tại Cự Đà đã được chủ tịch UBND xã Cự Khê, ông Vũ Thanh Ngọc, lý giải: “Đấy là do người dân có tiền đền bù từ việc thu hồi đất nông nghiệp. Còn, bảo bà con đừng phá nhà cổ, xây nhà mới thì xã cũng đành… buông xuôi!”…

Một ngôi nhà cổ bị phá, quần thể nhà cổ Cự Đà bị phá vỡ nghiêm trọng.

Việc hàng trăm hộ dân của làng cổ Cự Đà đua nhau “đập cũ, xây mới” bắt đầu rầm rộ từ sau tết. Ban đầu là một vài hộ dân với lý do: nhà cửa chật chội, xuống cấp, số khẩu đông… nên buộc lòng phải phá bỏ hay cơi nới. Người nọ học theo người kia, sau đó gần như là cả làng đua nhau xây dựng. Rốt cuộc, Cự Đà biến thành một “đại công trường xây dựng tự phát”.

Có thể nhận thấy sự xuống cấp và không đồng bộ trong quy hoạch tại Cự Đà. Sự nhôm nhoam, chắp nối và bừa bãi trong kiến trúc xây dựng khiến địa danh này trở nên kệch cỡm: nhà “tây” cao bốn, năm tầng, sơn tường lòe loẹt lô xô chen lấn với những nhà ngói cổ; nhà ống, nhà mái ngói chảy, nhà xây theo kiểu biệt thự… tạo nên một bức tranh kỳ dị.

Nhà số 254 chỉ còn lại chiếc biển trước cổng là... cổ!!!

Mươi năm trước, Cự Đà còn nổi tiếng với nghề làm miến, làm tương cổ truyền. Tuy nhiên, quỹ đất ngày càng chật hẹp, lao động rời quê đi làm ăn xa khiến nhân lực tại chỗ của làng suy giảm… Nghề truyền thống cũng vì thế mà khánh kiệt. Hiện, cả làng duy nhất còn 5 – 6 cơ sở sản xuất miến tương, bánh đa, và phải tận dụng tối đa những khoảnh đất trống trong làng, có khi là cả nghĩa địa, để phơi bánh đa, miến… sau khi vừa tráng khỏi lò.

Những đống gạch cao ngất xếp hàng chen chúc dọc con đường làng vốn đã chật hẹp. Nó chạy dài từ cổng làng ra tít ngoài mé nghĩa địa, xếp chềnh ềnh ngay gần cổng trụ sở UBND xã, và án ngữ cả các di tích lịch sử, đình, đền, chùa của Cự Đà, Cự Khê.

Cùng với cơn lốc xây dựng, đô thị hóa đang diễn ra tại làng cổ, dịch vụ nhà đất cũng theo đó mọc lên. Có khoảng vài chục tấm biển treo “Trung tâm tư vấn, dịch vụ nhà đất” góp phần làm nóng thêm tình hình đất đai của ngôi làng ven đô đang rậm rịch lên cơn sốt vì trào lưu đô thị hóa.

Cả làng trở thành điểm tập kết vật liệu xây dựng!

Cắt giải nguyên cớ nhà cổ Cự Đà bị “tàn sát”, ông Vũ Thanh Ngọc thẳng thắn cho biết: người dân được nhận tiền đền bù sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Có tiền, họ mới có điều kiện xây dựng. Từ cuối năm 2010 khi chủ đầu tư bắt đầu bàn giao tiền đền bù cho người dân, việc xây dựng tràn làn tại Cự Đà bắt đầu từ sau tết âm lịch.
 
"Nghề mới" ở làng lên phố.

Với việc thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp một cách “quá đột ngột” này, xã đang làm đề án xin huyện cho chuyển đổi toàn bộ sang đất trồng rau, trồng cây ăn quả, không trồng lúa nữa.

“Ngay cả khi chúng tôi muốn giữ lại sản xuất nông nghiệp cũng không được, vì trục đô thị đã cắt đôi khu sản xuất nông nghiệp của xã, cùng với cao trình của khu đô thị trung bình là dương 5,5m, trong khi cao trình hệ thống tưới tiêu, kênh mương của xã là 4m, toàn bộ hệ thống kênh mương, tưới tiêu của xã bị tê liệt cả rồi…”.

Làng Cự cổ hết… cự

Theo phương án đền bù đất nông nghiệp tại Cự Khê, một sào ruộng bị thu hồi (360m2) tương ứng với số tiền 351 triệu đồng. Tính trung bình, một nhà có hai lao động và hai khẩu “ăn theo” được nhận tổng số tiền đền bù là… 3,9 tỷ đồng.

Hộ dân có mức đền bù “kỷ lục” ở Cự Khê có số tiền là gần 6 tỷ đồng, còn các mức 1,5 – 2 tỷ tiền “bán đất nông nghiệp” hầu như phổ biến khắp Cự Khê. Với số tiền kể trên, người dân có thể cùng một lúc xây được tới… 10 cái nhà!

Xe ba bánh tràn ngập đường làng.

Ông Ngọc cũng tâm sự thật lòng: từ trước tới giờ, Cự Khê là xã nông nghiệp. Tuy nhiên, khi tới hơn 90% đất nông nghiệp bị thu hồi, xã đang “tính phương án” chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà trước mắt, theo đề án này, nông nghiệp chỉ chiếm… 3% cơ cấu kinh tế của xã.

“Phải đẩy mạnh dịch vụ lên, mà cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Trong xã, vài hộ dân đã bắt đầu mở xưởng hàn, xưởng muội, rút lõi đồng, sản xuất tái chế nhựa…”.

Về số lượng nhà cổ tại Cự Đà đang bị tàn phá, ông Ngọc phân trần: “Cái này quả thực xã cũng không có quyền can thiệp gì. Hiện tại, việc xin cấp phép xây dựng mới chỉ triển khai tại phường, quận trực thuộc thành phố, cấp huyện – xã chưa áp dụng. Nhưng, tôi ước đoán cả làng Cự Đà bây giờ nhà dân đang xây dựng cũng lên tới con số hàng trăm. Nhà của họ thì họ làm, mình cũng chịu rồi…”.

Cũ - mới đan xen thành một chiếc áo vá khác màu.

Cũng theo ông Ngọc, con số nhà cổ tại Cự Đà thống kê từ Ban Văn hóa – xã hội của xã là 70/400 ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, theo đà xây dựng hiện tại, tới đây nhà cổ của Cự Đà chắc cũng chỉ còn tính được trên đầu ngón tay!
 

Theo con số thống kê của xã: tổng số khẩu tại Cự Đà hiện ở con số 1.675 khẩu, biên chế trong hơn 400 hộ. Con số 400 hộ này cũng chỉ là “ước lượng”, bởi khi chính sách thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng KĐT, BGPMB ra quy chế: mỗi hộ được hưởng thêm 3 triệu đồng/hộ tiền tiến độ GPMB.

Điều này khiến nhiều hộ “tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” nhất loạt tách khẩu để… nhận tiền thưởng.

Nước sông Nhuệ có một màu đặc quánh đen và mùi hôi thối không thể sử dụng làm... nước tưới tiêu cho nông nghiệp.

“Tuy Cự Đà là một làng cổ, là một điểm khai thác du lịch nhưng thú thực, huyện – xã chúng tôi cũng chưa có cái đề án nào về bảo tồn, phát triển, khai thác giá trị du lịch của làng cổ. Năm ngoái, có công ty Sài Gòn Tuorist về khảo sát đặt vấn đề là một địa chỉ trong tuor của họ, ngoài ra, chưa có bất cứ dự án nào cả” – ông Ngọc cho hay.

Cũng trong câu chuyện đầy bế tắc của ông Ngọc, thì “lối thoát” cho làng cổ Cự Đà cũng là quá hẹp: “Nếu bảo tồn làng cổ thì cũng phải có kinh phí hỗ trợ người dân, hay có dự án giãn dân khi mật độ dân cư ngày càng tăng. Thế nhưng bây giờ, có muốn giãn dân cũng không được, vì đất nông nghiệp tới hơn 90% là đất của dự án rồi. Quỹ đất đã hết thì giãn dân cũng chịu!”.  

Trên khắp trục đường xương cá chạy dọc ngôi làng cổ, điều dễ nhận thấy nhất đó là những biển hiệu “Trung tâm nhà đất” chen chúc trên các cổng làng cổ.

Xóm Con Cóc và dòng quảng cáo của một cơ sở sản xuất tương - nghề truyền thống hàng trăm năm của Cự Đà.

Một “cò đất” – trước đó cũng là một nông dân thuần phác, đon đả: mới từ độ cuối năm ngoái đến nay, chưa đầy nửa năm, giá đất tại Cự Đà đã tăng cấp hai lần (xấp xỉ 30 triệu/m2 đất thổ cư; đất “kẹt” dao động trên dưới 10 triệu/m2.” – “Ăn nhất đấy là dân bán đất % mới có tiền. Mỗi khẩu được chia một vuông (chừng 70m2. Nhiều nhà “bán lúa non” vài chục triệu. Nhà còn giữ được, bây giờ cũng có tỷ bạc trong nhà!” – chị “cò” chân thành.
"Cò nhà đất" trèo lên ngồi trên tít chiếc cổng xóm cổ kính.

“Hãi nhất là cả làng bây giờ có tới cả trăm cái “xe điên” (xe ba bánh tự chế chở vật liệu xây dựng). Đường làng, ngõ xóm đã nhỏ thế mà chạy như là đường của riêng mình.

Tôi ngồi nhẩm một ngày, nội trong cái ngõ Ba Gang này, một ngày cũng tới 400 lượt xe ba bánh, lúc thì chở gạch vôi, cát, xi-măng, lúc thì cốp-pha, sắt thép… Xóm đã chật, lại bị vật liệu chiếm chỗ, không có chỗ phơi miến, bánh đa nên nhiều nhà phải đóng cửa lò. Đấy, làng nghề cũng bị chết chứ nói gì đến nhà cổ!” – bà cụ hàng nước đầu xóm Ba Gang thở dài chán nản.

  • Kiên Trung