- Đường dây này tổ chức sản xuất, mua bán hàng vạn phôi các loại bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các trường trên cả nước...

Trước đó, vào hồi 14h ngày 10/6, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt quả tang Phan Ngọc Quân (SN 1988, ở Đan Phượng) đang giao 1 bằng tốt nghiệp THPT giả và bằng công chứng mang tên Vũ Văn Sơn (SN 1985, trú tại Hải Hậu, Nam Định).

Tại cơ quan công an, anh Sơn khai, vì có nhu cầu đi lao động và du học Nhật Bản, nhưng anh ta lại không có bằng THPT nên đã lên mạng internet tìm.

{keywords}

Tang vật vụ án

Thấy Quân quảng cáo về dịch vụ cung cấp các loại giấy tờ giả, anh Sơn tìm gặp Quân để mua bằng tốt nghiệp THPT và học bạ.

Quân đưa ra mức giá 10 triệu đồng và anh Sơn đồng ý, đã đưa trước cho Quân 3 triệu đồng.

Vài ngày sau, thông qua một người tên Nguyễn Thế Anh, Quân gọi anh Sơn tới đưa cho bằng THPT và học bạ. Đúng lúc này, công an quận Cầu Giấy ập tới bắt quả tang.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Thế Anh (SN 1976, ở Đông Anh, Hà Nội) là một mắt xích trong đường dây sản xuất, buôn bán giấy tờ giả.

Để có được bằng THPT và học bạ giả đưa cho Quân, Thế Anh phải nhờ qua một “cầu” nữa là Bùi Mạnh Hùng (SN 1984, ở Yên Bái).

Cơ quan công an đã bắt quả tang đối tượng Hùng khi anh ta đang giao học bạ và bằng THPT cho Thế Anh tại đường Phạm Văn Đồng.

Hùng khai nhận, anh ta cũng chỉ là một đầu mối nhận “hàng” từ Lê Văn Bộ (SN 1987, ở Kinh Môn, Hải Dương) để phân phối cho những người có nhu cầu.

Theo lời khai của Hùng, tất cả những lần anh ta mua bán, giao dịch, lấy “hàng” đều thông qua Lê Văn Cảnh (SN 1985) và Nguyễn Văn Vượng (SN 1994).

Căn cứ vào lời khai của Hùng, cơ quan điều tra đã bắt giữ Lê Văn Cảnh khi đang trên đường đi giao bằng giả, thu giữ nhiều bằng THPT và học bạ giả cùng nhiều phôi giả của nhiều loại giấy tờ khác nhau.

Lộ mặt “ông trùm”

Cảnh thừa nhận, toàn bộ số giấy tờ giả trên là do Lê Văn Bộ tổ chức sản xuất, giao Cảnh mang đi cho các “đối tác” có nhu cầu. Mỗi tháng Bộ trả công cho Cảnh 10 triệu đồng.

Ngày 12/6, Công an bắt thêm Nguyễn Đình Thường khi anh ta đang giao bằng giả cho khách, thu giữ tại chỗ nhiều loại giấy tờ giả.

Thường khai đó là chứng chỉ do Thường mua phôi đã có dấu chữ ký sẵn từ Lê Văn Bộ. Đối với những khách có nhu cầu, Thường thu 3 triệu đồng/1 bằng, giữ lại 500 nghìn đồng. Số tiền còn lại y đưa cho Bộ theo như thỏa thuận.

Kết quả điều tra cho thấy, các “chân rết” đều thừa nhận việc Bộ là kẻ trực tiếp điều hành mọi công việc liên quan đến đường dây mua bán, sản xuất xuất bằng giả, giấy tờ giả các loại.

“Ông trùm” này thuê nhiều người thân trong gia đình làm chân rết, vận chuyển hàng cho các “đại lý” cấp dưới.

Ngay sau đó, Bộ bị bắt khi đang trốn tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu.

Anh ta khai rằng, từng tốt nghiệp một trường Đại học ngành kỹ thuật, do làm ăn thua lỗ, cần tiền trả nợ và chi tiêu nên đã nảy sinh ý định làm giả các loại bằng tốt nghiệp, chứng chỉ…

Bộ sắm đủ máy in, máy tính, các loại bìa cứng làm phôi rồi mua cao su làm nguyên liệu để sản xuất con dấu giả. Anh ta thuê 2 điểm làm nơi sản xuất các loại bằng giả, giấy tờ giả, đồng thời thuê người nhà, anh em họ hàng vào làm công tác vận chuyển, giao hàng.

Cơ quan công an đã thu giữ 14 máy móc thiết bị phục vụ sản xuất làm giả giấy tờ; hơn 8.000 phôi trắng các loại bằng, chứng chỉ, học bạ cùng gần 100 mẫu dấu tròn, dấu chữ nhật của tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước cùng hàng trăm loại dấu khác liên quan đến chức danh của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và hơn 4.000 tem bày màu để dán vào bằng giả cũng được Bộ mua và sử dụng.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

T.Nhung