- Tỉ lệ bệnh nhân viêm não Nhật Bản B (trong tổng số bệnh nhân viêm não) tăng vọt so với cùng kì năm 2013, số mắc lại tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Dù tổng số mắc không tăng, bệnh nhân nhập viện không ồ ạt và cũng chưa phân tích được đầy đủ các yếu tố dịch tễ liên quan nhưng cơ quan chuyên môn lo ngại và đặt ra vấn đề về công tác tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản B.

2 dấu hiệu đáng chú ý

BV Nhi TƯ cho biết: Tổng số bệnh nhân viêm não tính tới ngày 25/6 là xấp xỉ 130 ca – không tăng so với các năm trước, bệnh nhân cũng không ồ ạt nhập viện.

{keywords}

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khảo sát tình hình dịch bệnh tại BV Nhi TƯ tối 25/6. Trong ảnh là bệnh nhân Trần Hữu Hùng Vĩ (2 tuổi, quê Thái Bình) bị viêm não - Ảnh: Cẩm Quyên

Song điều đáng chú ý là trong số này tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản B (VNNB B) lại tăng vọt với 36 ca – chiếm gần 30%.

Trong khi đó, cùng kì năm 2013, tỉ lệ bệnh nhân VNNB B trong tổng số bệnh nhân viêm não chỉ là 8%. Số tử vong tính tới nay là 2 ca, trong đó có 1 ca xét nghiệm dương tính với VNNB B, 1 ca có liên quan.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

VNNB là bệnh nhiễm virus VNNB cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt.

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người.

Bệnh VNNB B cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa. Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất. Cần tiêm mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Điểm đáng chú ý thứ 2 là số bệnh nhân VNNB B phần nhiều đến từ Hà Nội với 11 trong tổng 36 ca (chiếm 31%) với 6 ca nặng phải thở máy, còn lại các địa phương khác chỉ rải rác 2-3 ca.

“Đây đang là tháng cao điểm trong năm của bệnh viêm não, các diễn biến chưa có gì bất thường nhưng điều hơi lo ngại là số ca dương tính với VNNB B lại tăng so với cùng kì năm ngoái. Vì thế, cần xem xét lại xem có phải vì người dân sợ tai biến của tiêm chủng nên không tiêm phòng vắc xin VNNB B hay không?”, TS Trần Minh Điển - PGĐ BV Nhi TƯ đánh giá.

Hiện BV Nhi TƯ chưa có phân tích cụ thể về tình trạng tiêm vắc xin của số bệnh nhân dương tính với VNNB B.

Tuy nhiên, trong buồng cấp cứu của khoa Truyền nhiễm có buồng 4 bệnh nhân viêm não thì có tới 3 ca chưa tiêm vắc xin và 1 ca không rõ tiền sử tiêm chủng.

Thị sát tình hình dịch bệnh tại BV Nhi TƯ tối 25/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dù chưa có số liệu thống kê trên diện rộng ở nhiều BV trong cả nước về viêm não và VNNB B nhưng 2 điểm nêu trên xảy ra tại BV Nhi TƯ là đáng lưu tâm và cần cảnh báo ngay, đồng thời tìm nguyên nhân sớm để chủ động có biện pháp khống chế.

“Việc Hà Nội đông bệnh nhân VNNB B nhất cũng chưa thể kết luận gì do có thể người bệnh đến BV Nhi TƯ nhiều vì gần hơn. Nhưng điều lạ là tỉ lệ dương tính với VNNB B lại tăng cao, trong khi mọi năm thì không, vậy cần suy ra xem có vấn đề gì về vắc xin, tiêm chủng hay không?” – Bộ trưởng Y tế nói.

Bà Tiến cho biết sẽ yêu cầu Cục Y tế dự phòng rà soát công tác tiêm chủng vắc xin VNNB B để có điều chỉnh nếu cần thiết. Ngoài ra, phải thống kê tình hình bệnh VNNB trên cả nước để có đánh giá chính xác, từ đó đưa ra cách xử lý kịp thời.

Phân luồng sớm bệnh nhân, chuẩn bị kế hoạch ứng phó

Rút kinh nghiệm “sâu sắc” từ dịch sởi khi phân luồng bệnh nhân không tốt gây quá tải trầm trọng và nhiễm chéo nặng nề, chuẩn bị nhân lực và vật lực đáp ứng dịch sởi cũng không kịp thời và đầy đủ nên trước diễn biến hiện tại của bệnh viêm não và VNNB B, TS Trần Minh Điển, PGĐ BV Nhi TƯ cho biết BV đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm não ngay từ bây giờ (khi số mắc chưa nhập viện ồ ạt).

{keywords}
Rút kinh nghiệm từ dịch sởi, ngay từ thời điểm này BV Nhi TƯ đã chuẩn bị kế hoạch phân luồng bệnh nhân và ứng phó trong tình huống bệnh tăng cao (- Ảnh: C.Q)

Theo đó, nếu trong giới hạn 50-70 bệnh nhân thì triển khai kế hoạch khác với khi lượng bệnh nhân tăng lên trên 70 người. Quy trình tiếp nhận người bệnh cũng được triển khai từ phòng khám trở vào và tiếp tục tiến hành phân loại tại khoa cấp cứu, sau đó ca nào xác định viêm não thì chuyển khoa Truyền nhiễm.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh vẫn áp dụng từ quy định từ năm 2006 bằng các xét nghiệm PCR, dịch não tủy và làm sớm trong 24 giờ để phân loại luôn được người bệnh.

Với khu vực điều trị, các trường hợp mắc sởi đang điều trị được chuyển sang khoa đông y và khoa tâm bệnh nên các vị trí vẫn còn nhiều để thu dung người bệnh viêm não (số giường bệnh khoảng gần 120), đảm bảo mỗi cháu một giường. Nếu đông hơn nữa thì BV sẽ dành riêng khoa Truyền nhiễm cho các cháu viêm não và VNNB B đồng thời huy động các đơn vị khác cùng phối hợp với trang thiết bị đầy đủ.

Với tình hình bệnh viêm não và sởi hiện nay thì chỉ cần tăng cường nhân lực về đêm cho khoa Truyền nhiễm để việc chăm sóc được tốt hơn. Ngày 23/6 BV đã bổ sung 8 điều dưỡng cho khoa này để 1 điều dưỡng có thể chăm sóc cho 2 ca thở máy, tránh việc cán bộ y tế rơi vào tình trạng “kiệt quệ” như đã xảy ra lúc cao điểm dịch sởi cách đây chưa lâu.

Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế:

Ngoài biện pháp tiêm vắc xin, để phòng bệnh hiệu quả, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt.

- Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cẩm Quyên