HTML clipboard - Mẹ cháu bé cho rằng cái chết oan của con mình có nguyên nhân từ sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của bác sỹ...

Đẻ non ở tuần thứ 30, không được theo dõi

Chị Đinh Thị Thu Liên (39 tuổi, trú tại phố Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sinh con gái Đinh Mai Hoa vào 23h45 phút ngày 25/12/2010 tại BV Phụ sản TW. Tại thời điểm sinh con, chị Liên mang thai ở tuần thứ 30 (theo thông tin được ghi trong tờ chỉ định của bác sỹ ngày 25/12/2010).

Cháu Đinh Mai Hoa chào đời với cân nặng 1,9kg.

Chị Liên đã nhiều lần viết đơn kiến nghị, khiếu nại lên Thanh tra Bộ Y tế với mong mỏi sự việc được sáng tỏ, thuyết phục. Thanh tra Bộ Y tế cũng đã gửi công văn yêu cầu các bệnh viện: Phụ sản TW và Bạch Mai trả lời những thắc mắc của chị Liên nhưng hiện nay chị vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng (Ảnh: N.A)


Chị Liên thuật lại: 2 ngày sau khi sinh (tức 27/12/2010), khoa sản II và khoa Sơ sinh cho mẹ con chị ra viện. Vì nghĩ con sinh non quá (thiếu 10 tuần so với thời gian chuẩn) và chỉ nặng 1,9kg nên chị Liên lo lắng hỏi bác sỹ xem có thể ở lại để được chăm sóc thêm không. Tuy nhiên, các bác sỹ cho biết cả hai mẹ con đều “bình thường” nên vẫn quyết định cho ra viện.

Tại thời điểm ra viện, chị Liên khẳng định chị và gia đình “không nhận được một lời dặn dò nào từ các bác sỹ” cũng như cách chăm sóc, những điều cần lưu ý, v..v…

Suốt những ngày sau đó, cháu Mai Hoa không có biểu hiện gì đặc biệt. Nhưng đến ngày thứ 5 (vào khoảng 16h ngày 31/12/2010), chị Liên thấy con trớ ra một ít sữa, da từ màu hồng đỏ chuyển dần sang vàng đậm, người mềm.

Nghĩ con bị sặc sữa, chị đã hút mũi ngay và đưa đến Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Do cháu bé đẻ non quá (mới được 30 tuần tuổi) nên các bác sỹ chỉ định cháu phải nhập viện theo dõi.

Ngay sau đó, chị Liên được bác sỹ thông báo sẽ cho con chị tiêm kháng sinh phòng chống viêm phổi sau sặc sữa và cho bé ăn bằng đường tĩnh mạch. Đến khoảng 19h cùng ngày, người mẹ này vẫn nhìn thấy con bị vàng da, không còn phải thở máy liên tục, thi thoảng mắt bé vẫn mở. Sau khi có kết quả chụp X-quang, bác sỹ cho biết “chưa rõ là cái gì”.

Từ 19h ngày 31/12/2010 đến sáng ngày 1/12011, chị Liên về nhà nghỉ ngơi. Khoảng 6h40’ ngày 1/1/2011 chị được các bác sỹ gọi điện thông báo bé đang trong tình trạng rất nguy kịch, gia đình phải vào viện ngay. Khoảng gần 20 phút sau gia đình có mặt tại bệnh viện thì bé đã tử vong với chẩn đoán: Viêm phổi sau sặc sữa/Sơ sinh non yếu, vàng da sơ sinh – theo dõi còn ống động mạch.

Điểm chị Liên băn khoăn nhiều nhất đối với Bệnh viện Phụ sản TW là: Tại sao con chị sinh non như vậy (mới 30 tuần tuổi) nhưng bệnh viện này không cho ở lại để theo dõi, chăm sóc mà cứ nhất định cho ra viện? Tại sao khi ra viện không có bất kỳ một lời dặn dò nào từ bác sỹ?

Về phía Bệnh viện Bạch Mai, chị Liên cho rằng: Tối 31/12 con chị vẫn mở mắt, không còn phải thở máy liên tục nhưng tại sao chỉ sau 1 đêm cháu đã chết nhanh chóng như vậy? Chị cũng cho rằng nếu bệnh viện không chữa được cho cháu bé thì phải trả lại để chị mang con đi nơi khác khám, đằng này giữ qua một đêm rồi để sáng hôm sau thông báo là đã tử vong.

Đó là chưa kể đến thái độ thiếu tôn trọng người bệnh của bác sỹ Khoa Nhi – BV Bạch Mai. Khi thuật lại những diễn biến trong buổi cấp cứu, chị Liên cho biết đã bị một bác sỹ dùng từ ngữ “không lịch sự” và hỏi chị có “ghi âm” những lời bác sỹ nói trong hôm đó không?

“Tôi đi khám bệnh chứ không đi điều tra nên tôi không mang máy ghi âm”, chị Liên bức xúc.

Tiền hậu bất nhất

Trả lời câu hỏi tại sao cho sản phụ và trẻ sơ sinh sinh non 10 tuần xuất viện chỉ chưa đầy 2 ngày sau sinh, ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc (phụ trách chuyên môn) của BV Phụ sản TW cho biết: “Vì kiểm tra thấy cháu thở được, ăn được, đại tiểu tiện được, tất cả đều bình thường nên mới cho ra viện”.

Trẻ sơ sinh sinh thiếu tháng (thiếu đến 10 tuần), theo các chuyên gia nhi khoa, cần được theo dõi sát sao bởi những người có chuyên môn vì đối tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường (Ảnh minh họa: VietNamNet)

 

Khi chị Liên căn vặn: “Vậy trẻ ở tuần 30 của thai kỳ, nếu đẻ ra vẫn bình thường thì bệnh viện vẫn cho ra viện hay giữ lại chăm sóc theo quy định đối với trẻ sinh thiếu tháng của Bộ Y tế” thì ông Quyết trả lời: “Bệnh viện không có quy định phải ở bao nhiêu ngày. Nếu khám mà thấy bình thường thì bệnh viện sẽ cho ra viện”.

Chị Liên tiếp tục thắc mắc: “Tại sao khi cho ra viện, tôi không nhận được một sự dặn dò và chỉ định nào về việc phải theo dõi khả năng suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da, v..v..?”. Ông Quyết ngạc nhiên hỏi lại: “Khoa sản và Khoa sơ sinh không ai giới thiệu cho chị dịch vụ chăm sóc tại nhà à?”.

Chị Liên lắc đầu và ông Quyết xin lỗi về chuyện này rồi nói: “Con được về cạnh mẹ là tốt nhất, giá như chị được tư vấn dịch vụ chăm sóc tại nhà thì cháu sẽ được tốt hơn”.

Người mẹ này cho biết, chị còn hỏi thêm nhiều câu nữa nhưng những câu trả lời chị nhận đươc không thuyết phục. Vì thế, chị yêu cầu bệnh viện trả lời bằng văn bản.

Ngày 17/2, BV Phụ sản TW có công văn trả lời chị Liên. Công văn không có gì mới ngoài việc thuật lại diễn biến sự việc, duy nhất có một điểm khác biệt: Công văn khẳng định tuổi thai của chị Liên là 34 tuần, không phải 30 tuần như xác định trước lúc đẻ. Điều đáng chú ý là người khám và xét nghiệm cho chị trước lúc đẻ, khẳng định thai chị 30 tuần vẫn là các bác sỹ của BV Phụ sản TW!

“Cách nhau 4 tuần là cả một vấn đề. Tôi không hiểu sao bệnh viện lại đưa ra thông tin này, dù trước đó chính bệnh viện đã khẳng định thai của tôi mới 30 tuần lúc đẻ. Tôi có hỏi một số người là lãnh đạo bệnh viện thì họ nói suy từ cân nặng của con tôi để ra số tuổi thai, như vậy là hết sức vô lý.  Có thể tuổi thai ngắn nhưng trọng lượng thai lớn do người mẹ ăn uống tốt thì sao?”, chị Liên băn khoăn.

Tuy nhiên, đến nay dù đã nhiều lần gửi công văn lên Bộ Y tế để yêu cầu giải quyết sự việc, chị Liên cùng gia đình vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các phía.

Về phía BV Bạch Mai, bệnh viện khẳng định con chị Liên mất do bệnh nặng, nhiều bệnh cảnh phối hợp, diễn biến bệnh nhanh nên không thể qua khỏi, dù đã nhận được tất cả những phương tiện và thuốc men cần thiết. Riêng về thái độ của bác sỹ Khoa Nhi, lãnh đạo BV Bạch Mai cho biết đã yêu cầu “rút kinh nghiệm”.

Chị Liên khẳng định sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng cho đến khi nào sự việc được giải quyết thỏa đáng.

“Tôi cần biết chính xác vì sao con mình chết? Cháu còn chưa một lần được nhìn thấy mặt  bố …”, chị bật khóc.

  • N.Anh

Một bác sỹ chuyên khoa I về sản khoa tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết, dù có thế nào sau sinh (bình thường hay không bình thường) thì một trẻ sơ sinh ra đời khi thai mới được 30 tuần tuổi cũng rất cần được theo dõi, chăm sóc bởi những người có chuyên môn.

“Trọng lượng 1,9kg là có thể nuôi tốt rồi nhưng cháu bé mới được 30 tuần tuổi thì cần phải có chế độ theo dõi sát sao. Có thể do bệnh viện quá tải nên không muốn bệnh nhân ở lại lâu. Cũng có thể do thời điểm cháu ra viện cháu bình thường thật, nhưng nếu sinh thiếu đến 10 tuần thì rất dễ có tai biến, sự cố, cụ thể là chúng rất dễ sặc sữa rồi ngạt, viêm phổi, v..v…

Những trường hợp sinh quá non như thế này thường phải theo dõi hàng tuần liền, thậm chí hàng tháng, đến khi nào thực sự ổn định thì mới có thể yên tâm. Cho ra viện khi chưa đầy 2 ngày với trường hợp này thì quả là cũng hơi chủ quan, mạo hiểm”, vị bác sỹ CKI này cho biết.