- Liên tiếp một thời gian dài, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nâm Nung  để lâm tặc đột nhập, cưa hạ hàng trăm cây gỗ quý hiếm, mang ra khỏi rừng nhưng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, kiểm lâm nơi đây không hay, không biết. Dư luận đặt câu hỏi, Khu BTTN Nâm Nung đang giữ rừng hay bán rừng cho lâm tặc?

Cả trăm cây gỗ quý bị hạ trước…“mũi” kiểm lâm!

“Nóng mặt” cảnh hàng trăm cây gỗ quý hiếm tại Khu BTTN Nâm Nung “ào ào đổ gục”, người dân sống tại thôn 2, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long đã có đơn phản ánh gửi các cơ quan chức năng, đề nghị vào cuộc điều tra, ngăn chặn.

{keywords}
Gỗ xoan tang vật được thu giữ trong vụ phá rừng tại tiểu khu 1628 (Khu BTTN Nâm Nung)

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông lập đoàn kiểm tra và “té ngửa” trước thực trạng “chảy máu rừng” nghiêm trọng, cũng như sự buông lỏng quán lý, nếu không muốn nói là bán rừng đang xảy ra tại Khu BTTN Nâm Nung.

Kiểm tra tại khoảnh 8, tiểu khu 1609 (thuộc lâm phần quản lý của Khu BTTN Nâm Nung), lực lượng chức năng phát hiện tại hiện trường 70 cây gỗ kiền kiền (nhóm II), dổi…bị chặt hạ, cắt xẻ ngổn ngang.

Mở rộng phạm vi kiểm tra tại lô 2, khoảnh 8 (tiểu khu 1609), đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện thêm 43 cây gỗ quý hiếm như dổi, kiền kiền, sơn huyết, thông hương…cả trăm năm tuổi, đường kính lên đến hàng mét bị đốn hạ, trong đó, những phần “nạc” nhất đã bị lâm tặc lấy đi, bỏ lại hiện trường hơn 30m3 gỗ bị sâu, bộng.

Tổng cộng, đã có 113 cây gỗ quý hiếm tại tiểu khu 1609 bị lâm tặc đốn hạ, lấy đi cả trăm m3 gỗ.

Tuy nhiên, đây chưa phải là vụ phá rừng quy mô lớn duy nhất được phát hiện tại Khu BTTN Nâm Nung.

Nếu tính từ năm 2011 đến nay, tại Khu BTTN Nâm Nung đã xảy ra 36 vụ vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng (QL&BVR), trong đó 31 vụ khai thác, cất giấu và vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng lên đến gần 300m3 gỗ tròn, gỗ xẻ từ nhóm II đến nhóm V, ngoài ra còn xảy ra 2 vụ phá rừng trái phép làm thiệt hại 3,796 ha rừng đặc dụng.

Tính riêng trong ba tháng đầu năm 2014, lực lượng công an, kiểm lâm đã phát hiện tổng số gỗ tang vật vi phạm tại Khu BTTN Nâm Nung lên đến hơn 46 m3 gỗ (từ nhóm II đến nhóm IV).

Giữ rừng hay bán rừng?

Với hàng loạt vụ “chảy máu rừng” nghiêm trọng, xảy ra tại Khu BTTN Nâm Nung, dư luận đặt câu hỏi, cán bộ, nhân viên và lực lượng kiểm lâm tại đây đang giữ rừng hay bán rừng cho lâm tặc?

{keywords}
Hàng chục m3 gỗ quý hiếm khai thác trong Khu BTTN Nâm Nung bị bắt giữ, chất đống tại Hạt kiểm lâm huyện Đắk G'long

Nghi vấn của dư luận không phải không có cơ sở, khi trong năm 2012 và 2013, lực lượng công an, kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk G’long liên tục phát hiện nhiều vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại các tiểu khu 1609, 1618, 1321, 1309…của Khu BTTN Nâm Nung, tang vật thu giữ là hàng chục m3 gỗ quý hiếm, nhưng các cán bộ, nhân viên QL&BVR, kiểm lâm Khu BTTN Nâm Nung lại 'không hay, không biết'.

Cụ thể, vào ngày 12/4/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông kiểm tra, phát hiện bốn xe càng, xe cày vận chuyển trái phép 12m3 gỗ dầu, bằng lăng đậu trước xưởng Công ty TNHH Đồng Xanh, thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên (huyện Krông Nô).

Qua đấu tranh, các đối tượng vi phạm khai nhận số gỗ này được khai thác trái phép tại khu vực buôn Choih, thuộc địa bàn trạm Đức Xuyên (Khu BTTN Nâm Nung) quản lý, gỗ sau đó vận chuyển qua trạm nhưng không bị bắt giữ.

Tiếp đó, ngày 20/9, Đội KLCĐ&PCCCR số 1 phát hiện tại tiểu khu 1618, nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk G’long) một vụ khai thác gỗ du sam (nhóm IIA, gỗ tang vật 26m3) và gỗ dẻ (nhóm V, khối lượng 5m3); tuy nhiên các vụ phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép này Khu BTTN Nâm Nung cũng không hay, không biết (!)

Trước thực trạng phá rừng liên tục như vậy, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra công tác QL&BVR Khu BTTN Nam Nung, phát hiện lực lượng kiểm lâm tại đây trong một thời gian dài không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Ông Hà Công Tài - Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi tiến hành kiểm tra, phát hiện 113 cây gỗ quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ ngay trong Khu BTTN Nâm Nung, nhận định đây là một vụ phá rừng quy mô lớn, cực kì nghiêm trọng và không loại trừ có tình trạng cán bộ, kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung tiếp tay cho lâm tặc.

Hiện chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long khẩn trương kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ chuyển qua Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk G‘long tiếp tục điều tra, giám định số lượng khối gỗ bị khai thác trái phép, khởi tố vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan tới việc rừng tại Khu BTTN Nam Nung liên tục bị xâm hại, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Công Cẩn (Giám đốc Khu BTTN Nâm Nung) để xử lý trách nhiệm, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng đã có quyết định kỷ luật năm cán bộ kiểm lâm của Khu BTTN Nâm Nung.

Khu BTTN Nâm Nung rộng 12.307,8 ha, trong đó có 11.457,5 ha rừng đặc dụng và 850,3 ha rừng phòng hộ. Đây là Khu BTTN lớn thứ hai ở Đắk Nông (sau Khu BTTN Tà Đùng, rộng 22.103 ha), với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới; phần lớn diện tích rừng ở đây là rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi với nhiều chủng loại quý hiếm.

Trùng Dương