HTML clipboard

Theo nhiều luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, vụ việc xảy ra đối với HLV Lê Minh Khương có nhiều chi tiết cần phải xem xét. Thậm chí nhân chứng của vụ việc cũng chưa chứng minh được là đã chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc nên chứng cứ đưa ra có thể được coi là chưa đầy đủ. Vì vậy, theo nhận định của các luật sư rất khó có thể xác định thắng hay thua nếu vụ việc được HLV Lê Minh Khương đưa ra pháp luật.


Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc xảy trên chuyến bay VN1169 từ Hà Nội đi Tp. Hồ Chí Minh đêm 18/4 giữa hành khách là HLV Taekondo Việt Nam Lê Minh Khương với hãng hàng không Vietnam Airlines lẽ ra đã không “ồn ào” đến thế nếu vị HLV này không “dọa” sẽ đem vụ việc ra tòa và phía Vietnam Airlines không “lỡ lời” tuyên bố cấm bay đối với ông.

Tuy nhiên, sau khi đã khởi xướng sẽ kiện hãng hàng không quốc gia ra tòa với các nhân chứng là ca sĩ Quang Hà và đạo diễn Trần Lực, ông Lê Minh Khương và đại diện pháp luật của ông là Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng văn phòng luật sư Tín Việt & cộng sự đã “tuyên bố” vị HLV này sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Lý do khởi kiện được ra là để bảo vệ danh dự cho vị HLV trưởng. Tuy nhiên, khẳng định với PV, đại diện pháp luật của ông Khương cho biết, ông sẽ không yêu cầu bồi thường nhưng Hãng Hàng không Vietnam Airlines phải làm rõ vụ việc và xác định nhân viên nào làm sai thì nhân viên đó phải đưa ra lời xin lỗi với ông.

Khó có thể xác định thắng, thua nếu HLV kiện ra tòa

Trao đổi với PV, luật sư Lê Thị Diệp của Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội đặt câu hỏi về việc nếu đưa vụ việc ra tòa, ông Khương sẽ kiện ai? và kiện cái gì?

Theo vị luật sư này, chỉ có 2 khả năng xảy ra đối với trường hợp của ông Lê Minh Khương. Thứ nhất là ông khởi kiện để bảo vệ danh dự. Thứ hai, nếu xác định được ông Khương bị ảnh hưởng từ sự cố với phía Vietnam Airlines, ông Khương có thể khởi kiện để đòi bồi thường về vật chất.


Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thị Diệp, nếu đưa vụ việc ra tòa sẽ phải xem xét đến nhiều tình tiết, nhân chứng của vụ việc và rất khó để xác định khả năng thắng kiện của ông Khương.

Vị luật sư này cũng chỉ ra rằng, nếu theo lời “tuyên bố” ban đầu của ông Khương là sẽ kiện hãng hàng Vietnam Airlines vì lực lượng an ninh đã cưỡng chế ông Khương không đúng quy định thì ông Khương đã kiện sai đối tượng. Bởi lẽ, những nhân viên an ninh này thuộc Tổng công ty Cụm cảng Hàng không miền Trung chứ không thuộc biên chế của Vietnam Airlines.  

Phân tích về sự việc xảy ra trên chuyến bay VN1169 từ Hà Nội đi Tp. Hồ Chí Minh đêm 18/4,luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng luật sư Hoàng Phát cho biết, việc phản ánh với nhân viên Hàng không về sự cố thẻ lên tàu (boarding pass) không có đồng nghĩa với việc cho phép hành khách Lê Minh Khương tự do đi lại trên tàu bay.

Trong trường hợp này, ông Khương có thể phán ánh thông qua đơn từ, hoặc thông báo trực tiếp với nhân viên điều hành. Nếu không hài lòng nữa thì khi xuống sân bay, ông Khương có thể làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp cho người quản lý của Hãng Vietnam Airlines.

Chưa kể, nếu ông Khương có ngồi xuống ghế hạng thương gia của Vietnam Airlines (chỉ xét đến hành vi có ngồi xuống hay không, không cần phân tích khía cạnh ngồi xuống làm gì) thì hành vi đó của ông Khương là không đúng.

Việc ông Khương khiếu nại cũng không thể dùng lời lẽ đôi co với nhân viên hàng không được vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến các hành khách khác. Đánh giá nguy cơ (vì bực tức của ông Khương) có thể ảnh hưởng đến an ninh của chuyến bay do vậy, căn cứ theo Khoản 1 Điều 14, Điều 16, Điều 17 Nghị định 81/2010 Quy định về An ninh hàng không dân dụng thì việc Cơ trưởng yêu câu nhân viên an ninh áp tải ông Khương xuống là hoàn toàn có căn cứ, thuộc thẩm quyền của họ”, vị luật sư của văn phòng Hoàng Phát cho biết.

Trả lời trên Nguoiduatin, Luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng văn phòng luật sư Trịnh (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu ý kiến, sự việc HLV Lê Minh Khương đi trên chuyến bay VN1169 từ Hà Nội đi Tp. Hồ Chí Minh ngày 18/4, thì việc mua vé được coi là hai bên đã thỏa thuận hợp đồng dân sự.

"Nếu ông Khương cho rằng mình không gây rối trên máy bay mà lại bị ngăn cấm không được tiếp tục bay, và muốn khởi kiện thì đây sẽ là một vụ kiện về dân sự.

Việc ông Khương mua vé may bay, nghĩa là đã có hợp đồng vận chuyển với Vietnam Airlines, mà cho rằng mình không gây rối, không vi phạm hợp đồng, nhưng lại bị "đuổi" khỏi máy bay, thì ông có thể khởi kiện dân sự đối với Vietnam Airlines đòi bồi thường hợp đồng. Đây là sự bồi thường trong hợp đồng trên cơ sở chiếc vé máy bay.

Ông Khương bị áp giải khỏi máy bay là do các nhân viên an ninh tại cảng vụ hàng không miền Trung thực hiện. Đơn vị quản lý các nhân viên này là Cảng vụ HK miền Trung. Nếu ông Khương không gây rối mà cảng vụ HK miền Trung ra lệnh cho các nhân viên an ninh áp giải. Đây là sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thì đối tượng ông Khương khởi kiện phải là Cảng vụ HK miền Trung.

Sau đó Cảng vụ HK miền Trung truy cứu trách nhiệm đến ai là việc đơn vị này tự xem xét.

Chỉ trừ trường hợp các nhân viên này tự ý áp giải ông Khương mà không có lệnh của Cảng vụ HK miền Trung, hoặc có lệnh nhưng lại chính họ cố ý gây thương tích cho ông Khương thì xét tư cách pháp nhân, những nhân viên an ninh này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ngược lại, nếu ông Khương đúng là có gây rối trên máy bay như Vietnam Airline thông báo có thể tùy theo đó mà xử phạt ông Khương theo quy định”, Luật sư Dũng phân tích.

Người làm chứng chưa đủ điều kiện?

Trước những thông tin trái chiều về vụ việc, luật sư Nguyễn Việt Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kinh Đô (Đoàn Luật sư Hà Nội) lại phân tích: Đối với những thông tin về người làm chứng trên chuyến bay có 2 thông tin cơ bản được đưa ra, một là ông Khương có biểu hiện gây rối, không chấp hành sự điều hành của phi hành đoàn, hai là ông Khương bị lực lượng an ninh sân bay dùng dùi cui điện cưỡng chế áp giải ra khỏi máy bay.

HLV Khương (ảnh Dân Việt)
Khi xem xét về vấn đề người làm chứng cũng cần phải xem xét đến vị trí chứng kiến của người làm chứng thì mới có thể đánh giá được lời làm chứng đó có đầy đủ hay không. Trong trường hợp này, chưa thấy đăng tải đầy đủ việc tường trình của người làm chứng và không nêu ra được là họ có chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc hay không.  

Thứ hai theo luật sư Nguyễn Việt Hùng, khía cạnh quan trọng là phải xác định xem, máy bay đó đang ở trong trạng thái đang bay hay không, nếu máy bay được xem là đang bay thì ông Khương phải tuân thủ tuyệt đối sự điều hành của chỉ huy máy bay, cũng như của phi hành đoàn.

Giả định việc máy bay đang trong trạng thái đang bay thì việc quyết định của phi hành đoàn đề nghị lực lượng an ninh cưỡng chế ông Khương ra khỏi máy bay là đúng thẩm quyền, nếu thấy dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn bay. Nhưng quyết định đó đúng hay chưa đúng sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ huy máy bay và những người có trách nhiệm trên chuyến bay đó sẽ là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Luật sư Trần Thu Nam, đại diện pháp luật của HLV Lê Minh Khương cho biết, sáng nay (26/4), ông đã gửi công văn đề nghị Vietnam Airlines (VNA) sắp xếp một buổi làm việc để làm sáng tỏ vụ việc xảy ra trên chuyến bay VN1169 đêm 18/4.

Khi được hỏi về nội dung khởi kiện nếu phía VNA không chấp thuận đề nghị này, ông Nam khẳng định, đối tượng và nội dung khởi kiện (nếu có) sẽ được tiết lộ sau. 

Luật sư Nam cũng từ chối bình luận khả năng thắng hay thua nếu vụ việc được đưa ra pháp luật. Ông chỉ khẳng định đã thu thập được nhiều chứng cứ có lợi cho HLV Lê Minh Khương.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV, Luật sư Trần Thu Nam cho biết, ông đã chịu rất nhiều áp lực khi trở thành đại diện pháp luật cho HLV Lê Minh Khương. “Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn thậm chí bằng e-mail công kích. Có những tin nhắn gửi đến còn “buộc tội”, tôi nhận được nhiều “lợi lộc” từ vụ này.

Nhưng thực tế, tôi đã “chơi” với anh Khương từ lâu và khi sự việc xảy ra, tôi không lấy bất cứ một đồng thù lao nào từ anh Khương, thậm chí để theo đuổi vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho anh Khương, tôi đã phải bỏ cả tiền túi của mình để làm. Hiện, vì tâm huyết của anh Khương với đội tuyển Taekondo Việt Nam, tôi còn đang kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ đội tuyển Taekondo”.


(Theo VTC News)