- Nhận tiền “chạy” hồi gia của các đối tượng bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, cựu trưởng phòng Quản lý giáo dục thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM đã móc nối với công an viên địa phương hình thành một đường dây chuyên chạy hồi gia.

Ngày 3/7, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “nhận hối lộ”, “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM (viết tắt là TTBTXH TP.HCM).

Kết thúc phiên tòa, HĐXX bác đơn kháng cáo kêu oan, y án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Tấn Thành (47 tuổi, nhân viên bảo vệ TTBTXH) mức án 20 năm tù về các tội “nhận hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

{keywords}
Các bị cáo trước vành móng ngựa

HĐXX cũng bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, y án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tâm (25 tuổi, nhân viên bảo vệ TTBTXH) 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Thọ Minh Cường (39 tuổi, Hà Nội) 9 năm tù về các tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “môi giới hối lộ”.

Riêng hai bị cáo Phan Ngọc Anh (52 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Quản lý giáo dục TTHTXH TP.HCM) và Lưu Văn Như (57 tuổi, nguyên Phó Trưởng công an xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) được tòa chấp nhận đơn kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt.

Theo đó, bị cáo Anh được giảm từ 9 xuống còn 7 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Bị cáo Lưu Văn Như được giảm từ 3 năm tù xuống còn 1 năm 6 tháng tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo bản án sơ thẩm, Trung tâm hỗ trợ xã hội là đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Một trong các hoạt động của trung tâm là khi tiếp nhận các đối tượng có hành vi lang thang ăn xin và sống lang thang nơi công cộng thì lập hồ sơ, chuyển đối tượng đến các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ xã hội phù hợp trừ trường hợp có người bảo lãnh nộp hồ sơ theo quy định.

Quá trình làm việc, từ năm 2011, Nguyễn Tấn Thành biết rõ nhiều trại viên là những người ăn xin, lang thang không thuộc đối tượng được bảo lãnh hồi gia nhưng vẫn chủ động tiếp xúc, hứa hẹn và nhận tiền làm thủ tục bảo lãnh hồi gia trái quy định. Sau đó, Nguyễn Tấn Thành đã móc nối với Lưu Văn Như là phó trưởng công an xã để làm giả hồ sơ chạy hồi gia cho những người này.

Sau khi có hồ sơ giả, Thành đem nộp cho bị cáo Ngọc Anh để xét duyệt hồi gia. Tổng cộng có 8 trường hợp đã được hồi gia trái quy định, Thành đã nhận tổng cộng gần 79 triệu đồng, chi cho Ngọc Anh 16,5 triệu đồng. Sau khi chia tiền cho các khâu “trung gian”, Thành hưởng lợi hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, một trường hợp bị Thành lừa chạy hồi gia chiếm đoạt 15 triệu đồng.

M.Phượng