“Chúng ta thực hiện siết chặt vận tải không có nghĩa là “bóp chết” DN. Quản lý vận tải chặt, nhưng cũng phải thúc đẩy vận tải phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động một cách lành mạnh”.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết tại Hội nghị đối thoại trực tuyến với DN
về chính sách vận tải tại 6 điểm cầu trên cả nước do Bộ GTVT tổ chức chiều 3/7.
DN vận tải “kêu” khổ
Tại Hội nghị đối thoại trực tuyến tại 6 điểm cầu trên cả nước với các Hiệp hội,
DN vận tải về các chính sách đang áp dụng, nhiều vấn đề nóng như: quản lý vận
tải hành khách, kiểm soát tải trọng xe đã được đưa ra “mổ xẻ”.
Liên quan đến việc kiểm soát tải trọng xe, ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp
hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng: Các DN đang gặp khó vì các văn
bản pháp quy còn nhiều bất cập, thậm chí thay đổi quá nhanh khiến DN không không
kịp thích ứng.
Nhiều kiến nghị vẫn chưa được trả lời như việc ghi tải trọng chênh lệch
trong giấy đăng ký và sổ kiểm định.
Ông Phùng Ngọc Hà - Cty vận tải Thống Nhất (Bắc Giang) nêu ra dẫn chứng cụ thể,
ngay công của ty ông đã có phương tiện khi đi đăng kiểm được cấp 3 loại giấy
khác nhau và DN không biết cái nào đúng, cái nào sai.
“Có lần xe chúng tôi chở đúng tải nhưng bị Trạm kiểm soát tải trọng xe ở Tuyên
Quang giữ đến 5 ngày, sau đó họ mới thừa nhận cân sai. Có cảm giác như đơn vị
vận tải làm đúng lại đang bị “soi” trong khi nhiều xe chở quá tải trọng lại
không bị lực lượng chức năng xử lý”, ông Hà nói.
Đồng quan điểm với ông Hà, ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Cty vận tải Hoàng Hà
cho biết: Các biên bản xử phạt quá tải đối với DN của ông khi cân bằng phương
pháp cân đầu trục hầu hết là quá tải 2 - 5%.
“Chúng tôi ăn gian, quá tải làm gì 500kg? Trong khi thực tế ban đêm xe quá tải
gấp đôi lại không bị kiểm tra. Nếu cứ làm như vậy thì người làm đúng không cạnh
tranh được với người làm sai dẫn đến mất công bằng trong việc siết xe quá tải”,
ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, việc cân tải trọng trục rồi phạt là rất máy móc,
gây khó khăn cho DN và lực lượng chức năng.
“Tôi nhập khẩu xe ô tô có tải trọng theo giấy tờ của nhà sản xuất là 40 tấn,
nhưng vào đăng kiểm chỉ cho chở 32 tấn. Tôi có hỏi vì sao thì Đăng kiểm không
trả lời được. Như vậy khác nào bảo chúng tôi vào rừng cao su mà mò”, ông Ngọc
nêu.
Thuộc thẩm quyền Bộ trưởng sẽ xử lý ngay
Báo động xe chở quá tải trọng ở các cảng biển.
Trước những bức xúc của các Hiệp hội, DN vận tải về công tác đăng kiểm, kiểm tra
tải trọng xe, ngay lập tức người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu Cục trưởng
Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình và Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia –
Vụ trưởng Vụ vận tải Khuất Việt Hùng trả lời những khúc mắc của các DN.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải
dễ hiểu, dễ thực hiện, không làm tăng chi phí cho DN. Văn bản pháp luật khi ban
hành phải đảm bảo cho những người thực thi pháp luật thực hiện nghiêm chứ không
phải bảo vệ người thực thi pháp luật.
Do vậy, ông Thăng yêu cầu những gì chưa thống nhất được thì chưa được xử phạt và
việc xử phạt phải công khai, công bằng và đảm bảo tính minh bạch.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, Bộ GTVT đã trình Chính phủ việc tạm thời chưa xử
phạt hành chính vi phạm tải trọng cho đến ngày 31/12 đối với hai trường hợp: xe
ô tô vi phạm tải trọng trục mà không vi phạm tổng trọng lượng được phép tham gia
giao thông của xe và người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương
tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm có kết quả cân vượt dưới 10%.
“Văn bản đang được lấy ý kiến Bộ Công an và Bộ Tư pháp và về cơ bản Chính phủ đã
đồng ý vế chủ trương này”, ông Hùng nói.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ông Hùng phải làm công văn ngay
trong tối 3/7 để Bộ trưởng ký đề nghị Bộ Công an đồng ý cân xe theo tổng trọng
lượng xe, và không xử phạt xe vi phạm tải trọng trục nhưng không vi phạm tổng
trọng lượng cho phép của xe.
“Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT tôi sẽ cho xử lý ngay, còn lại sẽ báo cáo
Chính phủ...”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc TCty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, hiện nay có hiện tượng lái xe chở hàng quá tải đi đến cảng vào ban đêm để tránh bị kiểm soát tải trọng do vậy cần phải tăng cường kiểm soát tải trọng cả ban đêm.
“Trước đây lượng hàng hóa thường được giao nhận vào ban ngày, chiếm khoảng 60 - 65%. Nhưng hiện nay thì ngược lại, ban đêm lượng hàng hóa xe vận chuyển đến cảng tăng đột biến so với khi chưa siết xe quá tải. Do vậy, việc kiểm tra tải trọng xe vào ban đêm cần phải được chú trọng hơn”, ông Lê Tuấn Anh nói. |
Vũ Điệp