- Gặp em ở trung Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) số 2- Ba Vì- Hà Nội, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ ngây thơ xinh xắn của cô gái mới 21 tuổi đầu. Tôi càng cảm động khi nghe em chia sẻ về những ước mơ và nguồn động viên giúp em vượt qua mặc cảm tội lỗi, mơ ngày trở về với xã hội.

Lời  tòa soạn: Những nữ sinh nhẹ dạ, cả tin là nạn nhân bị lừa bán sang biên giới thành nô lệ tình dục; những nữ sinh sa chân vào con đường ăn chơi, nghiện hút vì lòng ham giàu sang; những nữ sinh dùng bạo lực học đường như một thứ vũ khí khẳng định quyền lực... Họ đã từng có một cuộc đời tươi đẹp với cả một tương lai rực rỡ ở phía trước. Nhưng vì một phút lầm lỡ, cuộc đời đã rẽ sang một sang u buồn khác...

Chuyên đề "Nữ sinh đứng dậy sau vấp ngã" mong muốn chuyển tải đến một góc nhìn khác cho độc giả về cuộc đời của những con người lầm lỡ từng bị xã hội rẻ rúng. Qua đó, cũng đem lại cho những người trẻ bài học bổ ích về sự vấp ngã và trưởng thành trong đời sống này.

Kí ức đắng cay

Cô gái nhỏ đi bên cạnh tôi, chậm rãi kể lại quãng đời ngắn ngủi nhưng đen tối nhất đời cô. Cô không muốn gọi tên thật, mà muốn gọi tôi là “Bé”, cái tên ở nhà bố mẹ, người thân vẫn thường gọi.

“Em biết em dại chị ạ, giá mà em đừng cả tin, đừng nông nổi”- Bé ngân ngấn nước mắt khi nhắc tới những kỉ niệm đắng đót của mình. Bé sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Thanh Sơn- Phú Thọ. Nhà tuy nghèo, nhưng cô vẫn được bố mẹ cho đi học hành tử tế. Mãi đến năm Bé lên lớp 12, phần vì em trai gặp tai nạn, phần vì nhà khó khăn và lực học cũng yếu dần, Bé quyết định nghỉ ở nhà, đi làm công nhân.

“Em đi làm công nhân được ba tháng, thì có đứa bạn cùng làm rủ xuống Hà Nội kiếm sống. Nó bảo quen chỗ làm nhân viên phục vụ, lương cao mà lại không vất như công nhân thế này. Em tò mò, tin rồi nghe bạn, giấu gia đình, đi…”- Bé ngậm ngùi kể. Em không ngờ, cô bạn dẫn mối cho mình vào một “động quỷ” ở Xuân Mai- Hà Nội.

Quãng đời sa chân vào bùn lầy của Bé bắt đầu từ đó. Dù cố gắng nài xin cho bán hàng, dọn dẹp, chứ đừng bắt mình phải tiếp khách nhưng đáp lại lời em xin xỏ chỉ là những trận đòn tới tấp.

"Em tò mò, tin rồi nghe bạn, giấu gia đình, đi…”- Bé ngậm ngùi kể.
Và rồi em bị quy phục, và cứ lần này tiếp lần kia, em trở thành một trong bốn nhân viên đắc lực nhất của quán lúc nào không biết.Cũng có lần em bỏ trốn, có một anh là “khách” của em. Anh ấy người Tuyên Quang, tử tế lắm. Biết em thật lòng muốn trốn chạy, anh ấy đã lên kế hoạch giúp em bỏ trốn. Anh ấy hẹn em ở một quán nước, chở em bằng xe máy đi được hơn 1km thì bị nhà chủ phát hiện đuổi kịp.

Anh ấy bị chúng đánh cho tơi tả, đập xe, còn em thì bị lôi về. Chúng đánh em một trận lên bờ xuống ruộng, thu sạch tiền đi khách của em, về còn nhốt trong phòng tối ba ngày liền rồi mới tha. Chúng lại bảo, đã làm bùa “yểm” vào em rồi, em đi đâu thì đi, ba ngày không về quán là nó cho chết. Em sợ run người, chỉ biết răm rắp tuân theo”.

“Thời gian đầu em đau khổ và dằn vặt nhiều lắm, nhất là nghĩ đến bố mẹ ở quê. Nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt thôi chị ạ. Từ cái ngày đầu tiên lỡ bước, em biết mình đã là đứa con bất hiếu mất rồi…”

Phục thiện

Những ngày sống trong trung tâm , Bé suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, về tương lai của chính mình. Em chân thành chia sẻ: “Ban đầu em cứ nghĩ, vào trong này là em chết chắc rồi, chẳng còn mặt mũi nào đối diện với bố mẹ, mà sau này ra khỏi trại, cũng không biết trốn vào đâu nữa…”. Thế nhưng trái với tưởng tượng của em, bố và mẹ khi biết chuyện, không quản đường xá xa xôi lên thăm con gái. Không mắng chửi, không dè bỉu, chính bố mẹ lại là nguồn lực để cô gái bé nhỏ yên tâm sống tiếp.

Bé tâm sự: “Bố em bảo, em còn nhỏ dại, em chưa biết hết nông sâu cuộc đời. Bây giờ vào được đây là được cứu rồi, bảo em cứ tu dưỡng cho tốt. Bố mẹ chỉ có em là con gái, em trước sau thế nào bố mẹ biết, mà trước sau thế nào vẫn là con của bố mẹ. Em nghe những lời ấy, khóc hu hu, thương bố mẹ không nói được thành lời. Em chỉ biết nhủ lòng, làm sao để mau chóng ra khỏi trại, để làm lại đời mình.”. Những ngày này, bên cạnh sự quan tâm thường xuyên của bố mẹ, Bé đã biết nhìn vào cuộc sống một cách sâu sắc hơn.

“Vào đây, em bắt gặp cả trăm mảnh đời, còn bất hạnh, dại dột hơn mình. Cũng có những chị em vì ham chơi, lười biếng mà đi vào con đường tội lỗi. Nhiều người vào trại nhưng vẫn không có ý định bỏ hẳn “nghề” đâu chị ạ. Họ cứ nghĩ, họ chẳng còn gì để mất cả. Còn em, có chết em cũng không quay lại con đường cũ!”

Nhớ lại quãng thời gian biền biệt tin nhà, Bé lại khóc. Em ân hận quá nhiều vì đã không gần gũi, chăm sóc bố mẹ nhiều hơn. Một tháng được một lần gặp người thân, ngày nắng hay ngày mưa, bố mẹ đều khăn gói lên gặp em bằng được. Quãng thời gian ngắn ngủi bên con gái, cả bố và mẹ Bé đều hiền từ an ủi, động viên em vượt qua mặc cảm.“

Ảnh minh họa - Nguồn việt báo
Bố mẹ em không nói ra, nhưng em biết, ai cũng sợ em nghĩ quẩn, lại làm điều dại dột. Hai mươi năm sống trên đời, làm con của bố mẹ, đến nay em mới hiểu được tình thương trời biển của người”.

Cả một buổi chiều trải lòng với tôi về cuộc đời, số phận, Bé không quên chia sẽ những giấc mơ nhỏ bé của mình.“Vào trung tâm, em được học lại văn hóa, được học nghề, nghề đan, nghề thêu, làm bình hoa, làm hoa giả, cũng vui chị ạ. Bây giờ, em chỉ mong ra ngoài, để đi học nghề cắt tóc, không thì trước mắt em cứ về với bố mẹ, ruộng vườn, rồi buôn bán nhỏ ở nhà kiếm đồng ra đồng vào. Em trai em học xong 12 cũng có ý định vào nhà họ hàng ở miền Nam làm. Mấy lần lên thăm em, nó bảo, nhà có hai chị em, nó chờ em về rồi mới đi….”

Những dự định giản dị ấy chính là ngọn đuốc soi đường, là những niềm êm dịu giúp cô gái trẻ hi vọng và chờ đợi tương lai…
 

Chuyên gia tư vấn tâm lý Tuyết Anh- Thanh Hòa (Trung tâm tư vấn tâm lý Link Tâm):

Vì có nhiều người có tâm lý muốn buông xuôi, kệ ra sao thì ra, cuộc sống với học hẳng còn ý nghĩa nữa, họ muốn lôi kéo, biến người khác thành nạn nhân. Đây là một hậu quả rất nghiêm trọng.

Với những nạn nhân từng một lần vấp ngã, họ rất cần được cảm thông và chia sẻ để hòa nhập với cộng đồng.

Bởi lẽ, với mặc cảm không còn trong trắng, mặc cảm mình bị chà đạp, đã phải qua tay nhiều người đàn ông, họ hầy như không còn tự tin để đến với tình yêu hôn nhân, sợ bị người sau coi thường, mặc cảm người ngoài nhìn vào mình.

Trong những trường hợp này, trước tiên, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Có nhiều gia đình hỗ trợ con rất tốt, nhưng cũng có gia đình vì không nhận thức được điều này đã khiến con mình bị tổn thương nặng hơn.

Nếu được tạo niềm tin, được cảm thông, thấu hiểu thực sự và được đối xử một cách công bằng thì nghị lực và niềm tin sẽ giúp họ vươn lên trong cuộc sống, vẫn làm việc cống hiến hết mình cho xã hội.

Trong công tác hỗ trợ nạn nhân buôn bán và lạm dụng chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ, không chỉ tuyên truyền, vận động… mà còn đưa họ tham gia những hoạt động nhóm, nói chuyện tư vấn để giúp đỡ họ.

  • Quỳnh Anh