– “Bộ Y tế đã cố gắng để có vắc xin dịch vụ trong thời điểm nhu cầu tăng cao (cả ở các nước trong khu vực và trên thế giới). Việc khan hiếm vắc xin dịch vụ cơ quan quản lý không thể nói là tại người dân” – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Trong buổi gặp mặt báo chí để thông tin về lĩnh vực y tế diễn ra ngày 9/7, thông tin về tiêm chủng và vắc xin dịch vụ khan hiếm khiến người dân đổ xô đi tiêm gây quá tải là nội dung được quan tâm hơn cả.

{keywords}
Xếp hàng từ 5 giờ sáng, chen lấn

Tiếp tục hết vắc xin 5 trong 1

Sáng 10/7, nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ tại Hà Nội (như Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) thông báo đã hết vắc xin 5 trong 1 sau 3-5 ngày tiêm liên tiếp. Người dân nếu muốn tiêm vắc xin này cần đợi đến lô tiếp theo sẽ về trong tháng 8.

Cục Quản lý Dược cho biết trong thời gian tới sẽ có nhiều vắc xin dịch vụ được nhập về VN.

TIN LIÊN QUAN:

Nhiều vắc xin dịch vụ sắp về Việt Nam

Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – cho rằng điều cần làm bây giờ là làm sao cùng phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý, nhà nhập khẩu, cung ứng và đơn vị sử dụng để đáp ứng tốt nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của người dân.

“Nhu cầu vắc xin tăng cao (gồm cả vắc xin dịch vụ) do tổng nhu cầu tiêm chủng tăng, tiêm sởi và Quinvaxem cũng tăng. Tình hình dịch bệnh, nhu cầu mỗi năm mỗi khác, dù có thế nào thì quan điểm của Bộ Y tế là phải đặt lợi ích của người dân lên trên”, ông Phu nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Tất Đạt khẳng định tình trạng khan hiếm vắc xin chỉ diễn ra với vắc xin dịch vụ, còn với 11 vắc xin sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đều được đảm bảo đủ số lượng.

Quy trình nhập khẩu vắc xin đã rõ ràng và được làm khẩn trương, nguồn cung cũng đa dạng, hàng hết sẽ lại về song ông Đạt nhấn mạnh khâu dự trù vắc xin của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Bởi sản xuất vắc xin không giống sản xuất thuốc, đó là công nghệ sinh học nên phải mất thời gian ít nhất 3 tháng, các cơ sở tiêm chủng phải có kế hoạch, dự trù được số lượng để bên cung ứng chủ động đặt hàng rồi nhập về.

Ngoài ra, ông Đạt cho rằng người dân cũng nên chủ động trong việc tiêm chủng (có kế hoạch tiêm chủng cụ thể) và đăng kí để chủ động được tình hình.

Ông Phu khuyến cáo việc tiêm vắc xin là cần thiết, với các vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì người dân rất nên bỏ tiền đi tiêm dịch vụ bên ngoài, song cũng không nên vì thông tin này kia mà không tiêm các vắc xin trong chương tình tiêm chủng mở rông.

“Tiêm đúng lịch, đầy đủ là hết sức cần thiết, dịch sởi vừa qua là 1 ví dụ. Tôi cho rằng nên lấy căn cơ là tiêm chủng mở rộng, Nhà nước đã đảm bảo số lượng, chất lượng, không phải có chuyện đưa vắc xin chưa đạt chất lượng vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ” – ông Phu nói.

Xây dựng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng của trẻ

Hiện nay, có tình trạng trẻ vừa tiêm dịch vụ vừa tiêm chủng mở rộng. Ông Phu cho biết Bộ Y tế đang xây dựng phần mềm như ngân hàng thông tin, cán bộ y tế chỉ cần truy cập vào hệ thống này là biết trẻ đã tiêm chủng chưa, đã tiêm vắc xin gì. Xây dựng hệ thống này rất tốn kém khó khăn nhưng phải làm để có cơ sở dữ liệu chính xác.

Cẩm Quyên