– Bão Rammasun sẽ đổ bộ vào khoảng sáng 19/7 - sớm hơn dự kiến và có cường độ mạnh hơn. Vùng tâm bão dự kiến vào Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 10, 11, giật cấp 12, 13.
Chiều 16/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 2 (bão Rammasun) vừa đi vào biển Đông lúc 10 giờ sáng nay.
Bão dự kiến đổ bộ sáng 19/7
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết so với dự báo ngày hôm qua (15/7) thì bão có diễn biến mới đáng chú ý: Vào sớm hơn, có cường độ mạnh hơn.
“Bão đang di chuyển vào vùng biển ấm nhất trong biển Đông và hướng lệch về phía Tây một chút nên đi nhanh hơn và cường độ mạnh hơn”, ông Cường lý giải.
Bão số 2 đang mạnh cấp 13, giật cấp 15-16 (Ảnh: NCHMF) |
Hiện nay, dự báo của các đài khí tượng khác nhau trên thế giới đều thống nhất nhận định về cường độ và hướng di chuyển của bão Rammasun (hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc về phía đảo Hải Nam của TQ rồi đi vào Vịnh Bắc Bộ của VN).
Bão có xu hướng liên tục mạnh lên, sau khi vào biển Đông sẽ tiếp tục di chuyển giữa Tây Tây Băc và Tây Bắc với cường độ cấp 13, 14, giật 15-16 trước khi đổ vào đảo Hải Nam vào sáng 18/7.
Sau khi vào đảo Hải Nam nhiều khả năng bão suy yếu 1-2 cấp rồi vào Vịnh Bắc Bộ trong chiều-đêm 18/7 với sức gió cấp 11-12. Khi cập bờ vùng ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào khoảng sáng 19/7, bão vẫn mạnh khoảng cấp 10, 11, giật cấp 12-13, không loại trừ khả năng sẽ mạnh hơn.
Sau đó, bão tiếp tục di chuyển và đi vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ (trọng tâm là Quảng Ninh – Hải Phòng) trong ngày 19/7 rồi đi về phía Tây và suy yếu.
Mưa sẽ xuất hiện và kéo dài từ 18-22/7, chủ yếu từ chiều 19 và sáng 20/7, tập trung chủ yếu ven biển Đông Bắc, Đông bắc Bắc Bộ và trung du miền Bắc với lượng mưa 200-300mm, khu vực Trung du Bắc Bộ và một phần Bắc trung bộ là trọng tâm mưa. Miền núi phía Bắc có mưa lớn nhất vào 20/7.
Bão số 2 đang mạnh cấp 13, giật cấp 15-16 Hồi 16 giờ ngày 16/7 , vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Đến 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Đến 16 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. |
1 ngư dân mất tích, còn 45 tàu ở Hoàng Sa
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ cho biết 4 giờ sáng nay tàu KH901 của Khánh Hòa hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa trên đường vào bờ tránh bão đã có một thuyền viên rơi xuống biển mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy.
Mọi biện pháp ứng phó với bão phải xong cơ bản trong ngày 17/7 (Ảnh minh họa: VietNamNet) |
Lúc 15 giờ ngày 15/7 tàu 92729TS của Quảng Bình trên đường tránh bão bị gãy chân vịt, đến 10 giờ sáng nay tàu đã được Trung tâm cứu hộ hàng hải khu vực 2 đưa vào bờ an toàn.
Điều đáng ngại là hiện nay còn 45 tàu ở quần đảo Hoàng Sa, ông Cao Đức Phát đề nghị phía Bộ đội biên phòng và cục Thủy sản xem xét giải pháp gấp rút.
Với 45 tàu này, phía Biên phòng cho biết có 7 chiếc của Quảng Bình, Đà Nẵng có 4 chiếc, Quảng Ngãi 9 chiếc, Bình Định 23 chiếc (cả tàu cá lẫn tàu làm nhiệm vụ trên biển) và Khánh Hòa 2 chiếc.
Trong đó, 9 tàu của Quảng Ngãi đang theo dõi thêm để có hướng dẫn, 23 tàu của Bình Định đang di chuyển về bờ, chiều tối mai (17/7) sẽ về đến bờ.
Ông Phát yêu cầu trong đêm nay phải tập trung kêu gọi 45 tàu ở Hoàng Sa vào bờ an toàn, lúc này rất dễ xảy ra sự cố, tàu nào có sự cố phải ứng cứu ngay. Cần thông tin cho địa phương ven biển Bắc Bộ trong đêm nay chuẩn bị sẵn sàng và ngày mai phải cơ bản hoàn thành kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trong Vịnh Bắc Bộ vào bờ trú tránh, muộn nhất ngày 18/7 phải xong.
Hiện còn hơn 100.000 ha ruộng chưa cấy, ông Phát chỉ đạo phải đình chỉ cấy vì nếu cấy rồi mưa lớn trút xuống cấy thì mất hết.
Biện pháp ứng phó cơ bản phải xong trong ngày 17/7
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TƯ cho biết các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng – Nam Định đã có phương án ứng phó với bão. Các tỉnh từ Quảng Ninh tới Phú Yên tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, sẵn sàng phương án đối phó khi bão đổ bộ vào bờ như sơ tán dân, chống úng ngập đô thị. Vùng núi phía Bắc triển khai biện pháp đối phó với sạt lở, mưa lũ.
Ông Phát đề nghị cần bàn cách ứng phó với bão trong Vịnh bắc Bộ để ngay tối nay (16/7) có thông báo cho các địa phương biết và đối phó.
“Dự báo là trưa 19/7 là gần như bão đã cập đến bờ rồi. Bão như thế này là rất mạnh. Kinh nghiệm cho thấy theo dự báo của các trung tâm khí tượng tâm bão vào lúc 12 giờ trưa thì 8-9 giờ sáng gió mạnh lắm rồi. Như vậy đến sáng 19/7 gần như không thể làm gì nữa, mọi việc chuẩn bị ứng phó phải xong trong 17-18/7, cả trên biển lẫn trên bờ” – ông Phát chỉ đạo.
GĐ trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cũng cho biết chiều tối 18/7 trong vịnh Bắc Bộ gió đã mạnh lên đến cấp 8 rồi. Do đó ông Phát nhấn mạnh mọi việc chuẩn bị “cơ bản phải xong trong ngày 17/7”.
Sáng mai (18/7) Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ họp trực tuyến với các địa phương từ 7 giờ sáng để bàn phương án cấm biển, di dân.
C.Quyên