- Tính tới sáng 22/7 đã có 27 người chết vì mưa lũ và sét đánh, 3 người bị thương nặng. Mưa đã dừng, lũ đang rút chậm, chỉ còn một vài điểm lũ đang lên.
27 người chết
Ngoài 3 người chết do sét đánh ở Lào Cai, số người chết do mưa, lũ tại từng địa phương cụ thể như sau: Hà Giang có 7 người; Lai Châu: 6 người; Sơn La: 3 người; Điện Biên: 1 người; Lạng Sơn: 5 người; Cao Bằng: 1 người; Bắc Kạn: 1 người. 2 người bị mất tích ở Sơn La và Lai Châu đã tìm thấy thi thể
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết mực nước trên sông Thao đang lên.
Đã có 27 người chết do mưa lũ, sạt lở đất tại miền núi phía Bắc (Ảnh: Lê Anh Dũng). |
Mực nước lúc 9 giờ ngày 22/7 trên sông Thao tại Yên Bái là 31,26m (trên mức báo động 2 là 0,26m).
Mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang đã đạt đỉnh là 23,36m lúc 7 giờ ngày 22/7 (dưới báo động 2 là 0,64m) và đang xuống, lúc 9 giờ là 23,35m (dưới báo động 2 là 0,65m).
Dự báo mực nước sông Lô tại Tuyên Quang tiếp tục xuống, đến 7 giờ ngày 23/7 có khả năng xuống mức 21,5m, dưới báo động 1 là 0,5m.
Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục lên, đến tối ngày 22/7 có khả năng lên mức 31,80m, trên mức báo động 2 là 0,8m, sau xuống chậm, đến 7 giờ ngày 23/7 có khả năng xuống mức 31,5m, trên báo động 2 là 0,5m.
Hiện nay, dù mưa đã dứt và lũ đang rút chậm nhưng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn hiện hữu.
Các khu vực có nguy cơ lớn tập trung ở tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường; tỉnh Lào Cai gồm các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa; tỉnh Bắc Cạn gồm huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông- Thị xã Bắc Cạn.
Tại tỉnh Yên Bái, điểm sạt lở có nguy cơ gồm các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái; tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên- thành phố Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê; tỉnh Tuyên Quang gồm các huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương.
Thiệt hại nặng
Tại Lào Cai, báo cáo của địa phương cho thấy thiệt hại ít nhất 30 tỷ đồng, chủ yếu do đường giao thông bị hỏng, các công trình như cột điện cao thế, trường học, … bị ảnh hưởng nặng.
Tại bản Bỉa, bản Cướn (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã xuất hiện vết nứt cả quả đồi phía đằng sau bản, cung trượt kéo dài từ bản Cướn đến hết bản Bủn, sụt lún vùi lấp toàn bộ 04 nhà dân và nguy cơ sạt trượt cả 02 bản, 62 hộ phải tổ chức di chuyển khẩn cấp.
Các tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại nặng sau trận mưa lũ lịch sử (Ảnh: VietNamNet) |
Sơn La có 236ha lúa hoa màu và 2.300 kênh mương bị hư hỏng, 200 đê kè bị cuốn trôi, có tới gần 32.000 mét khối đất đá bị sạt trôi hoặc bồi đắp.
Trong khi đó, Điện Biên cũng là địa phương thiệt hại nặng nề. với 848 ha lúa bị úng ngập, gần 70ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, gần 14.000 mét khối đất đá sạt lở bồi đắp, gãy đổ 110 cột điện hạ thế, …
Lạng Sơn thiệt hại nặng hơn cả với khoảng 2.000ha lúa hoa màu bị ngập úng, đổ, hư hỏng; gần 33.000 mét khối bùn đất sạt lở, … Các thiệt hại khác Lạng Sơn chưa thể thống kê, hiện đang tập trung vào công tác khắc phục hậu quả sau khi lũ lịch sử đã rút.
Tổng số nhà bị ngập trong đợt mưa lũ này tại các tỉnh miền núi phía Bắc là 5.992 nhà. Hiện còn tuyến giao thông chưa thông xe là Quốc lộ 12, 129 ở Lai Châu. Ở Lạng Sơn chỉ tuyến lên Mẫu Sơn còn tắc, các tuyến còn lại đã thông xe.
Sự cố hệ thống lưới điện phân phối tại các tỉnh, thành phố được khắc phục xong, còn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang, Lạng Sơn và một số trạm ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành kiểm tra và khắc phục sự cố.
C.Quyên