- Hồi ức của một người mà tuổi thơ đã đi qua đúng thời điểm chiến tranh biên giới 1979 ở “chảo lửa” Thanh Thủy – Vị Xuyên (Hà Giang). Nó phần nào cho thấy một giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nhưng đầy bi hùng.

Khai hỏa nơi “chảo lửa”

Chiến tranh biên giới bắt đầu từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và chính thức lan đến quê tôi – Vị Xuyên (Hà Giang), mạnh nhất là vào những ngày đầu hạ.

Lúc đó tôi còn bé, chỉ biết chiến tranh từ câu nói sau bữa ăn tối rất vội của bố với mẹ: “Anh phải lên cơ quan!”.

Bố đi, nhoáng cái về. Thay cho cà – lê, tuốc – nơ – vít của một kĩ sư cơ khí hàng ngày, sau lưng đã đeo khẩu súng đầy ự đạn.

{keywords}

Đài tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Gấp gáp, bố bảo mẹ: “Em sửa soạn đưa các con vào núi tránh pháo. Anh phải đi đây”.

Cùng mẹ, chúng tôi chạy thục mạng, nhằm khu núi đá bên Đội 4, chỗ định cư của tướng lĩnh và hậu duệ Vương Chí Sình để trốn.

Rồi pháo Trung Quốc cấp tập nã sang...

Cũng may, xã tôi nằm giữa tầm đạn pháo nên không bị oanh kích và thương vong. Trong đời, có lẽ không gì dậy cho người ta phải biết sợ, đấy là nghe tiếng đạn pháo rít trên không. Không biết, không hình dung được nhưng ai cũng sợ.

Náu pháo được 2 ngày, đói quá chúng tôi lại phải về. Làm lụng, đi học và nhổ sắn trong tầm đạn pháo. Rồi quen dần, và thích nghi với tiếng ì oàng suốt ngày đêm.

Nhà tôi lúc đó ở gần Tiểu đoàn 2 của Sư 314. Đây là một thung lũng và nhanh chóng trở thành chỗ tập kết quân của ta.

Những chiếc xe quân sự bịt kín lặng lẽ đến, đổ quân xuống. Toàn là bộ đội trẻ măng. Thời chiến, doanh trại làm không kịp, bộ đội vào nhà dân ở. Hồi đó ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình tôi toàn bộ đội.

Bộ đội đến, mắc võng ngủ từ trong nhà, ngoài hiên, thậm chí cả gốc cam. Chẳng có cảm giác chật chội, quân dân như một. Đôi ba ngày xe bịt bạt lại đến. Các chú bộ đội trẻ măng vừa đến lại vội vã lên xe…

Vài ngày sau, những chỉ huy đưa quân đi trở về. Chúng tôi hỏi thăm những chú bộ đội mới làm quen, chỉ nghe thấy những câu nói, rất nhỏ: “Chú ấy mất rồi!”...

Cách nhà tôi 4km là nơi Trung đoàn phẫu tiền phương ở, nay toàn bộ khu đất ấy trở thành nghĩa trang của thị trấn Việt Lâm.

Thỉnh thoảng đi học, chúng tôi ghé vào. Nhà lá, vách liếp nhưng băng ca chồng bằng ca. Những chú bộ đội bị thương nằm đó, chờ sơ cứu rồi chuyển xuống tuyến dưới.

Bộ đội hy sinh nhiều lắm. Người ta phải chặt cả những cây gạo do Pháp trồng dọc quốc lộ để đóng quan tài. Ai cũng biết, gỗ ấy dễ mục, nhưng chả có cách nào nữa...

Rồi mùa xuân, cây gạo đang nở hoa cũng bị đốn, hoa rụng rải dọc đường, đỏ như màu máu...

Sáu tháng cao điểm, 3 sư đoàn gom lại không đủ 1 Trung đoàn thiếu và là cái để 'làm nên' 1 nghĩa trang gần 2000 ngôi mộ có tên như Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày nay.

Ngày ấy, trường tôi gần nghĩa trang này. Mỗi tuần, huyện đội cùng trường và chúng tôi lên phát cỏ và thắp hương. Một xe gát chở đầy hương lên, cả trường chia nhau thắp.

Mỗi nấm mộ một thẻ hương. Nhoáng cái xe hương đã hết sạch, nhiều ngôi mộ còn không có để thắp. Khói hương quạnh quẽ với gió núi cùng tiếng đạn pháo vẫn ì oằng nã từ bên kia biên giới sang!

Ký ức không thể quên

Hồi chiến tranh biên biên giới xảy ra, nhà tôi ngày ấy ở ngay Trung tâm đầu não của Sư đoàn 356 đóng.

{keywords}
Thắp nến tri ân liệt sỹ tại nghĩa trang Vị Xuyên tối 26/7

Chỉ huy Sư này lúc đó là ông Hoàng Điếm, người Hòa Bình. Ông này to và trắng như Tây, nổi tiếng không sợ Trung Quốc. Hồi ấy Trung Quốc phao tin ai lấy được đầu tướng Điếm thì sẽ cho cả tỉnh… Vân Nam. Nhưng không ai lấy được.

Tướng Điếm chỉ huy Sư 356, Sư này được Trung Quốc mệnh danh là “anh cả đỏ” vì chúng đã bị 356 quại cho một trận đỏ máu bên Lào Cai.

Sau khi các Sư 313, 314… bị thiệt hại nhiều, Sư này đã được Bộ Quốc phòng điều sang tăng cường cho vùng phên dậu Hà Giang. Đây là một Sư đoàn đủ, ngoài bộ binh còn có cả tăng thiết giáp và lính phòng hóa.

Tướng Điếm sống rất giản dị, chỉ thích ăn cơm trắng với cà và ra trận cũng 'rất ngông'. Ông chọn ai làm cận vệ và liên lạc thì người đấy phải sợ. Vì ông ra trận như lính, nằm hầm, căng tăng dù ra chỉ huy.

Một ký ức nữa không thể quên là ngày chiến tranh biên giới, Liên Xô giúp mình nhiều. Cái đói của người dân biên giới chúng tôi hồi ấy nhờ họ cũng phần nào đỡ hơn.

Họ viện trợ gạo, thịt, súng đạn cho lính, lính lại viện trợ cho dân. Tôi nhớ nhất là những thứ gạo sấy của họ (đổ nước vào thành cơm) và những tảng thịt bò đã rim tẩm đủ chất...
Đói, vào lính xin, về đổ nước và có tý lửa hâm nóng thịt bò là sống được cả ngày. Ngoài những thứ trên, họ còn cử cả chuyên gia quân sự và đặc biệt là báo chí sang giúp ta viết bài, đưa tin.

Bài viết của họ được dịch, được đọc rất nhiều trên hệ thống loa phát thanh trực tuyến của quê tôi. Nghe thích và căm hận quân thù lắm. Trong các bài ấy tôi nhớ nhất là hai bài với tít dẫn: “Lò vôi thế kỉ” và “Cối xay thịt”.

Hai bài này luôn được đọc trên hệ thống loa phát thanh vào mỗi buổi sáng chúng tôi chân trần đi học trong tầm đạn pháo.

Một địa danh không thể quên là con đường dẫn lên những địa danh bỏng rát một thời của cuộc chiến tranh biên giới như Đồi Cô Ích, Hang Làng Pinh, Làng Lò, Đỉnh 1509 (Lão Sư), đây là con đường hiểm hóc.

Hồi đó, từ dưới Thị xã Hà Giang (nay là TP Hà Giang), đường dẫn lên huyệt địa này còn có núi che chắn. Cách Cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 3 km thì toàn bộ tuyến đường này hầu như đều “phơi lưng” trước những họng pháo của Trung Quốc.

Nhưng không để cho tuyến phên dậu Tổ quốc bị chặt đứt, hàng nghìn bộ đội, dân quân tự vệ đã ngày đêm đem mạng sống của mình vượt qua đây.

{keywords}

Địa danh “ngã ba cửa tử”

Việc vượt “Ngã ba cửa tử” này hệt như chuyện vượt sông Bến Hải ngày xưa của con em giải phóng mình. Bộ đội qua được, nhưng hy sinh không phải là ít.

Người dân bản địa kể, hồi ấy lính trẻ chết vì pháo Trung Quốc ở đây nhiều lắm. Không đếm xuể, đông nhất phải là lính của sư 356 tăng cường từ Lào Cai sang.

Một xe tăng của sư này cũng đã dính pháo ngay Ngã ba Thanh Thủy.

Đơn Thương – Đức Tuyền