- Nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc sử dụng máy xét nghiệm lậu tại BV đa khoa huyện Thường Tín cũng như những băn khoăn về nguồn gốc các máy xét nghiệm do Sở Y tế mua không được giải đáp thỏa đáng.

Chiều 29/7, Sở Y tế Hà Nội tổ chức họp báo để giải đáp phản ánh của báo chí xung quanh việc BV huyện Thường Tín sử dụng máy xét nghiệm lậu và cả những băn khoăn về nguồn gốc và quy trình vận hành của các máy xét nghiệm được Sở cung ứng cho các BV tuyến huyện thông qua đấu thầu (gói thầu số 4).

Những dấu hỏi về máy xét nghiệm do Sở y tế mua

{keywords}

Lãnh đạo Sở Y tế tại buổi họp báo chiều 29/7 

Loại máy xét nghiệm được Sở Y tế Hà Nội mua qua đấu thầu và cung cấp cho các bệnh viện huyện có model GA240, hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH, xuất xứ Đức.

Tình trạng máy xét nghiệm này bị hỏng, trục trặc không chỉ xảy ra tại 1 BV.

Trong 6 BV huyện được nhận máy (gồm BV huyện Thanh Oai, Thường Tín, Vân Đình, Hoài Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai) thì mới kiểm tra tại 2 BV (Thường Tín và Hoài Đức) thì cả 2 đều trục trặc (lỗi phần mềm, cháy bóng đèn nanogen).

Đó là chưa kể tới việc các máy này được sản xuất tháng 5/2010, được khai báo là có xuất xứ từ Đức nhưng những bộ phận quan trọng như mô-tơ, quạt gió lại là … made in china!

Trả lời về điểm này, ông Nguyễn Quốc Hưng – PGĐ công ty cổ phần XNK Khoáng sản (đơn vị trúng thầu cung ứng máy trên) cho biết: không quốc gia nào tự sản xuất một máy nào đó từ A đến Z mà có thể sản xuất linh kiện ở nhiều nơi, một số linh kiện bên ngoài ghi made in china nhưng sản phẩm được chính hãng của Đức kiểm định và xuất khẩu sang VN, có giấy tờ pháp lý cần thiết, có tờ khai hải quan đầy đủ!

Ông Bùi Hoàng Mai – GĐ Trung tâm kiểm định hiệu chuẩn thiết bị y tế (Viện Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế), đơn vị tư vấn và giám sát gói thầu này, cũng cho rằng một vài linh kiện trong thiết bị dán nhãn made in china có thể chấp nhận được vì muốn có 1 sản phẩm 100% tại nước sản xuất là việc bất khả thi, kể cả với trang thiết bị y tế.

Kiểm định trên giấy

Trước chất vấn của phóng viên về nghi vấn số máy xét nghiệm trúng thầu được Sở Y tế Hà Nội chuyển cho các BV tuyến huyện sử dụng thực chất là máy lậu, hãng Greiner không có model GA240, máy này được sản xuất ở Trung Quốc rồi chuyển qua Đức sau đó nhập khẩu về Việt Nam, đơn vị trúng thầu và cung ứng là công ty Khoáng sản đã “né” bằng cách đẩy phần nội dung này về công ty khác.

“Chúng tôi trúng thầu và cung ứng máy cho Sở Y tế nhưng chúng tôi không phải nhà nhập khẩu trực tiếp mà mua các máy này qua một công ty khác” – ông Nguyễn Quốc Hưng – PGĐ công ty cổ phần XNK Khoáng sản nói.

{keywords}

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra máy xét nghiệm tại BV huyện Hoài Đức sáng 29/7

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kiểm định các giấy tờ mà phía công ty nhập khẩu máy cung cấp để được cấp phép, ông Bùi Hoàng Mai - GĐ Trung tâm kiểm định hiệu chuẩn thiết bị y tế (Viện Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế) cho biết hiện nay nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được xem xét dựa trên các giấy tờ và căn cứ trên các giấy tờ này thì thấy máy xét nghiệm trên có xuất xứ từ Đức là phù hợp, còn thực tế về giấy tờ đó thì ngày mai Sở Y tế Hà Nội có thể làm việc tiếp với các bên liên quan.

Về việc máy xét nghiệm được mua từ một hãng không có tên tuổi uy tín, ông Mai cho biết trên hồ sơ máy móc, thiết bị y tế đầu thầu theo quy định không được ghi hãng sản xuất mà chỉ ghi tính năng kỹ thuật.

Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ rà soát lại tính pháp lý của gói thầu mua máy xét nghiệm cho các BV huyện nhưng không nói gì về trách nhiệm của Sở Y tế.

“Đây chỉ là những thông tin bước đầu, vấn đề có thể trao đổi được. Những vấn đề khác chưa trả lời được, Sở sẽ tiếp tục xem xét làm rõ” – ông Hiền nói.

Máy hỏng hơn 1 năm không sửa vì không gọi đúng người!

Trả lời về việc tại sao BV huyện Thường Tín để máy xét nghiệm do Sở Y tế cung ứng trục trặc lâu như vậy (từ 7/3/2013 tới nay) mà không cho sửa chữa, ông Nguyễn Khắc Hiền nói nguyên nhân do BV không gọi đơn vị cung ứng máy mà đi gọi đơn vị cung ứng hóa chất.

Trong hợp đồng với Sở Y tế sau khi trúng thầu, công ty Khoáng sản phải đảm bảo cung ứng vật tư sửa chữa máy trong vòng 10 năm. Vậy lý do gì mà BV huyện Thường Tín không gọi công ty này đến sửa chữa hoặc không báo cáo Sở Y tế để giải quyết?

Trong quãng thời gian để máy này hỏng, BV lại tự thỏa thuận với một công ty tư nhân bên ngoài để “mượn” máy xét nghiệm, đây lại là máy xét nghiệm lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ! Được biết công ty cho BV mượn máy cũng chính là công ty cung ứng hóa chất xét nghiệm cho BV với trị giá 1,2 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Dung, PGĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết đến sáng nay (29/7), sau khi kiểm tra tại BV huyện Hoài Đức, Sở Y tế đã yêu cầu BV và đơn vị cung ứng máy (là công ty Khoáng sản) phải phối hợp ngay để sửa máy!

Tiêu chuẩn phải trả 180 kết quả/giờ, thực tế trả 38 kết quả trong 2h30 phút

Lãnh đạo Sở Y tế HN cho biết các máy xét nghiệm do Sở mua và giao BV huyện khi chạy thử, nghiệm thu và bàn giao thì đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật.

Nhưng theo thông tin báo chí phản ánh, nếu theo đúng tiêu chuẩn kĩ thuật thì mỗi giờ máy xét nghiệm này phải cho ra được 180 kết quả xét nghiệm nhưng thực tế thì chạy rất chậm, chỉ cho ra được 38 kết quả xét nghiệm/2h30 phút.

Ông Bùi Hoàng Mai cho rằng yếu tố vận hành cũng cần tính tới khi nói về hiệu suất của máy. Cho ra 180 kết quả/giờ là trong điều kiện lý tưởng của nhà sản xuất, muốn thực hiện được phải cực kì chuyên nghiệp.

Bà Đỗ Thị Hằng, phó trưởng khoa xét nghiệm sinh hóa (BV Xanh Pôn) cho biết tốc độ lý thuyết và thực tế là khác nhau, phụ thuộc vào số lượng nhân lưc, độ nhanh chậm của chỉ định, bộ phận lấy mãu, xử lý, khâu chuẩn bi hóa chất, phân tích kết quả xét nghiệm theo quy trình, …

Cẩm Quyên